Kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái phát huy sức mạnh đại đoàn kết, khẳng định vị thế trong phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

0
151

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đại đoàn kết dân tộc là vấn đề sống còn của cách mạng, đoàn kết tạo nên sức mạnh, là then chốt của thành công. Muốn đưa cách mạng đến thắng lợi phải có lực lượng đủ mạnh, muốn có lực lượng phải quy tụ cả dân tộc thành một khối thống nhất. Giữa đoàn kết và thắng lợi có mối quan hệ chặt chẽ, quy mô của đoàn kết quyết định quy mô, mức độ của thành công. Quan điểm đó, tinh thần đó cũng được khẳng định mạnh mẽ trong quá trình đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của thành phần kinh tế tập thể nói chung, kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái nói riêng.

Tọa đàm góp ý kiến về Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc tại Yên Bái

 

 

Phấn đấu để “Kinh tế tập thể cùng với Kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát triển KTTT, HTX được nâng lên. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách được quan tâm xây dựng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Số lượng HTX, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tăng đáng kể; nhiều HTX, liên hiệp HTX phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế thành viên, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động. Tổ hợp tác với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng được nhu cầu liên kết linh hoạt và mang tính ngắn hạn của người dân. Liên kết giữa các hợp tác xã với nhau và với các tổ chức kinh tế khác bước đầu có sự phát triển. Khu vực KTTT cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM), bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân.

 

Đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động trên “hành trình” 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX, khu vực kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến rõ nét. Cán bộ, đảng viên, thành viên, người lao động và nhân dân đã có nhận thức rõ hơn về quan điểm, đường lối phát triển KTTT của Đảng và Nhà nước, về vai trò, vị trí và tính tất yếu khách quan của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đến năm 2021, Số HTX tỉnh Yên Bái tăng 4,5 lần, vốn hoạt động của các HTX gấp 48 lần so với thời điểm ban hành Nghị quyết (năm 2001), thu hút trên 60.000 thành viên tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho gần 10.000 lao động với thu nhập bình quân từ 4,0 -5,5 triệu đồng/người/tháng.

Đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư thăm mô hình HTX nông nghiệp Minh Bảo (Yên Bái)

 

 

Khẳng định vị trí, vai trò và những kết quả quan trọng đã đạt được của kinh tế tập thể trong suốt 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX, trên cơ sở Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, mặc dù hoạt động trong bối cảnh đất nước, tỉnh nhà còn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tác động lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái, nòng cốt là các HTX cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vẫn tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng khá, nhiều HTX duy trì sản xuất ổn định, tạo thêm cơ hội việc làm và thu nhập thường xuyên cho thành viên, người lao động. Theo số liệu của Cục thuế tỉnh Yên Bái, 6 tháng đầu năm 2022, khối HTX đã nộp Ngân sách Nhà nước 19,4 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Ước đến 31/12/2022, các HTX nộp Ngân sách Nhà nước 41 tỷ đồng.

 

Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về một số chính sách hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025 được ban hành bước đầu đã  tác động tích cực tới sự phát triển Kinh tế tập thể, hợp tác xã: Nguồn nhân lực HTX ngày càng trẻ hóa, có trình độ và năng lực quản trị; Nhu cầu về vốn của các HTX từng bước được tháo gỡ. Mặc dù nguồn vốn hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách mới chưa thực sự đáp ứng đầy đủ yêu cầu đổi mới, phát triển HTX. Song, hiệu ứng tích cực từ cơ chế, chính sách là trợ lực khá lớn, thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển, tình trạng yếu kém của khu vực kinh tế tập thể dần được khắc phục; kinh tế hợp tác, HTX từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Từ hiệu quả hoạt động mô hình HTX kiểu mới, các HTX đã vươn lên, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên, tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác trong nền kinh tế.

Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất tại HTX đề nghị vay vốn (HTX sản xuất dược liệu Viễn Sơn)

 

 

Trong khó khăn tiếp tục khẳng định vị thế, khẳng định sức mạnh của đoàn kết

Trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng khu vực kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái đã và đang quyết liệt cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm vừa đảm bảo chống dịch, vừa phát triển kinh tế, góp phần đưa sản xuất, kinh doanh hồi phục nhanh sau dịch bệnh.

 

Với hàng loạt các chương trình, giải pháp hỗ trợ kinh tế tập thể củng cố, phát triển như: Lựa chọn, hoàn thiện và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới thực hiện Đề án 167 về lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên cả nước giai đoạn 2021-2025; Chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX, đưa lao động trẻ về làm việc tại HTX, hỗ trợ đào tạo, thuê địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm …Kinh tế tập thể đã và đang phát triển đảm bảo Kế hoạch, Kịch bản phát triển KTTT tỉnh năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.

 

Đầu năm 2022, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Yên Bái, nâng Vốn Điều lệ của Quỹ được ghi từ 5 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng và tăng Vốn Điều lệ cho Quỹ năm 2022 với số tiền là 5 tỷ đồng, nâng tổng vốn hiện có của Quỹ lên trên 10 tỷ đồng. Đây sẽ là trợ lực tích cực cho sự phát triển của kinh tế tập thể tỉnh, nòng cốt là các HTX…

Sản phẩm Dầu nhiệt phân FO-R của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi, tỉnh Yên Bái được vinh danh Top 10 thương hiệu sản phẩm dịch vụ vàng ASEAN năm 2022.

 

 

 

Tuy nhiên, Để kinh tế tập thể có thể cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân thì vẫn tồn tại những lực cản không nhỏ: Hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các lĩnh vực. Hoạt động HTX chưa trở thành phong trào để thu hút thành viên. Số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân trong HTX có xu hướng giảm; thành viên tham gia vào hoạt động của HTX còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong HTX. Năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao. Phần lớn các THT, HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, lợi ích mang lại cho thành viên còn thấp; tính liên kết trong nội bộ HTX yếu; các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Số lượng liên hiệp HTX ít; tổ chức và hoạt động của THT thiếu ổn định; nhiều HTX chuyển đổi còn mang tính hình thức, chưa thực sự có chuyển biến về chất; Chuyển đổi số trong khu vực KTTT, HTX của tỉnh đang trong giai đoạn bước đầu và diễn ra còn chậm, gặp nhiều khó khăn.

 

 

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới cũng đã nêu nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém chủ yếu là do: Nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình hợp tác xã thời kỳ bao cấp; hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền còn hình thức, chưa thực sự quan tâm, thiếu quyết liệt. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết hiệu quả chưa cao. Việc tổng kết lý luận và thực tiễn về kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa kịp thời; khung khổ pháp lý trong đó có Luật Hợp tác xã còn nhiều vướng mắc, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực hoặc không khả thi. Đánh giá về hiệu quả và đóng góp của kinh tế tập thể trong nền kinh tế chưa đầy đủ dẫn đến hạ thấp vai trò, vị trí của thành phần kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể thiếu thống nhất, một số nơi buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu; thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về kinh tế tập thể chưa thường xuyên. Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa được kiện toàn, còn nhiều bất cập, không thống nhất, thiếu chặt chẽ, phân tán, chưa hiệu quả. Đội ngũ cán bộ hợp tác xã còn yếu, chưa được đào tạo chuyên sâu. Một số hợp tác xã chưa tuân thủ nguyên tắc hoạt động theo quy định của pháp luật; thành viên hợp tác xã vẫn còn tâm lý ỷ lại, dựa dẫm hoặc trông chờ hỗ trợ của Nhà nước.

 

 

Bám sát quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết: “Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, hiệu quả của tổ chức và của thành viên.” Tỉnh Ủy Yên Bái đang thực hiện các bước xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết trên tinh thần “Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, Liên minh hợp tác xã và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể.”

 

 

Sơ kết tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh cũng đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu cần tập trung triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm nhằm tăng cường vai trò của các Thành viên Ban Chỉ đạo, đặc biệt là vai trò của các đồng chí Trưởng ban, Phó Trưởng ban và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo KTTT tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tham mưu, hoạch định chính sách, định hướng phát triển KTTT, phát huy vai trò lãnh đạo, phụ trách KTTT ở địa bàn và lĩnh vực công tác của các Thành viên Ban Chỉ đạo KTTT tỉnh.

 

 

Mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, sự sát sao của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh, cùng với sự đoàn kết, thống nhất trong hệ thống Liên minh HTX, các tổ chức kinh tế hợp tác, đến hết năm 2022 khu vực kinh tế tập thể tỉnh nhất định sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra: Thành lập mới 80 HTX, khuyến khích các HTX xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển; Thành lập mới từ300 tổ hợp tác trở lên, khuyến khích các tổ hợp tác đủ điều kiện phát triển thành HTX;100% HTX tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật HTX; 100% thành viên làm công tác quản lý trong các tổ chức KTTT thành lập mới hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quản lý và nghiệp vụ chuyên môn; Có từ 62% tổng số HTX đang hoạt động đạt từ loại khá trở lên; trên 22% thành viên làm công tác quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực; Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt từ 60 triệu đồng/người/năm trở lên; đối với THT đạt từ 45 triệu đồng/người/năm trở lên; tạo việc làm cho trên 9.100 lao động thường xuyên trong các HTX. Kết quả này cũng sẽ là minh chứng thuyết phục cho sức mạnh của đoàn kết “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.