Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV: ĐBQH thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

0
1237

Chiều 25/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

 

 

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 và các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách; ngày 21/4/2023 đã được gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội theo quy định.

 

UBTV Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và đã cơ bản đáp ứng được quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật…

 

Thảo luận tại Hội trường, các ĐBQH bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời ghi nhận dự thảo Luật đã tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ nhiều ý kiến xác đáng của ĐBQH. Một số đại biểu cho rằng nên quy định thêm cơ chế để giúp Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tích tụ tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi chế biến, phân phối sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP; đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định về chính sách ưu đãi đặc biệt hơn để Tổ hợp tác, Liên hiệp HTX…

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn)

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn): Tạo điều kiện hỗ trợ cho các Liên hiệp HTX ở địa phương miền núi, vùng DTTS

 

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị Luật cần quy định giảm số lượng tối thiểu HTX tham gia thành lập Liên hiệp HTX xuống ít nhất còn 2 HTX. Bởi vì 2 HTX cũng đủ để hoạt động và duy trì Liên hiệp HTX và cũng phù hợp với những địa phương miền núi do giới hạn về địa hình, đất đai phải chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp điều kiện thành lập các HTX có quy mô lớn không nhiều.

Về chính sách tiếp cận vốn, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị bổ sung một khoản trong Điều 23 về chính sách tiếp cận vốn mạo hiểm, có nội dung có chương trình tín dụng cho các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo hình thức tín chấp hoặc bảo lãnh tín dụng. Từ đó bổ sung trong Nghị định hướng dẫn về quy định tín chấp hoặc bảo lãnh tín dụng qua ngân hàng chính sách xã hội hoặc qua các ngân hàng thương mại mà có ký kết thỏa thuận liên ngành với các tổ chức chính trị xã hội.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá)

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa)

 

 

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa): Cần quy định thêm cơ chế để giúp HTX nông nghiệp

 

Đại biểu Mai Văn Hải nhận định vấn đề thể chế hóa chính sách phát triển HTX theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW của Đảng đã được tiếp thu nhiều, trong đó có điều khoản dành riêng cho HTX nông nghiệp. Đại biểu cho rằng nên quy định thêm cơ chế để giúp HTX nông nghiệp tích tụ tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi chế biến, phân phối sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP.

 

Đồng thời, Đại biểu đề xuất nên quy định rõ nguồn vốn để thực hiện việc tín dụng nội bộ. Đó là có thể sử dụng một phần vốn điều lệ, có thể sử dụng một phần vốn đóng góp của thành viên HTX. Đồng thời, đề nghị cần bổ sung nguyên tắc hoạt động của Quỹ tín dụng nội bộ để bảo đảm an toàn như nguyên tắc tự nguyện tự, tự chịu trách nhiệm, không vì mục tiêu lợi nhuận hay chỉ cho các thành viên HTX vay.

Quang cảnh phiên thảo luận

Quang cảnh phiên thảo luận

 

 

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu tiếp thu, làm rõ ý kiến các vị Đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị những nội dung nghị định, thời gian tới mong các ĐBQH tiếp tục đồng hành để các văn bản quy phạm pháp luật này được chặt chẽ, khả thi. Về xây dựng chương trình tổng thể phát triển kinh tế tập thể và một số vấn đề khác, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai và sẽ có báo cáo với Quốc hội.

 

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết tại phiên thảo luận đã có 15 đại biểu và 1 đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã giải trình làm rõ một số ý kiến các vị ĐBQH quan tâm. Đối với những đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản để tổng hợp.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ý kiến của các vị ĐBQH đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. UBTV Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật và chỉnh lý hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua.

 

 

Theo Báo Dân tộc và Phát triển