Nâng cao vai trò của HTX trong phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị

0
821

Ngày 20-12, Liên minh Hợp tác xã Hà Nội phối hợp với Liên minh Hợp tác xã 7 tỉnh, thành phố tổ chức Hội thảo “Sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá, xúc tiến thương mại của các hợp tác xã và doanh nghiệp”.

Thực hiện chương trình Liên kết hợp tác hoạt động số 68/CTHP ngày 29-4-2016 giữa Liên minh Hợp tác xã (HTX) 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn về đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể các tỉnh, thành phố, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố đã có những hoạt động cụ thể, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, HTX ở mỗi tỉnh, thành phố.

Tham dự có đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới KTTT, HTX Trung ương, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX VN; ông Lê Văn Thư, Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Hà Nội; đại diện Liên minh 8 tỉnh, thành phố…

Quang cảnh Hội thảo Liên minh HTX Hà Nội và các tỉnh. Ảnh: HNM

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Thư, Chủ tịch Liên minh TP Hà Nội cho biết: Hiện nay, 8 tỉnh, thành phố có 4.277 HTX, trong đó có 2.011 HTX dịch vụ nông nghiệp, 589 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 606 HTX thương mại, dịch vụ, 311 HTX xây dựng… Mặc dù trong điều kiện kinh tế – xã hội có nhiều thách thức, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, nhưng các HTX sau khi thực hiện chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đã cố gắng khắc phục khó khăn, duy trì ổn định các hoạt động, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, đồng thời nghiên cứu mở rộng, phát triển thêm các ngành nghề, dịch vụ kinh doanh.

Đáng lưu ý, hoạt động của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết hợp tác trong nội bộ HTX và tạo điều kiện thuận lợi giải quyết đầu ra cho các sản phẩm của nông dân.

Việc phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị được nhân rộng. Tính đến tháng 12-2018, việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá của HTX tại các tỉnh, thành phố nói chung và 8 tỉnh nói riêng đã có những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, tại Hà Nội có 43 HTX, 24 công ty và hơn 50 hộ sản xuất – kinh doanh tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi. Các tỉnh: Lạng Sơn có 6 HTX; Cao Bằng có 4 HTX; Quảng Ninh có 70 HTX; Lào Cai 20 HTX, 28 công ty tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi…

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng Hà Nội với tổng số người cư trú lên tới 10 triệu người là thị trường tiêu thụ nông sản rất lớn. Ngoài ra, Hải Phòng, Quảng Ninh cùng các khu công nghiệp tại Thái Nguyên, Bắc Ninh cũng là những thị trường tiềm năng.

Do đó, 8 tỉnh, thành phố cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, đánh giá nhu cầu thị trường từ đó đề ra quy mô, chất lượng sản phẩm gắn với nhu cầu của các thị trường này, trước mắt là thị trường của Hà Nội.

Để tạo chuỗi liên kết giá trị bền vững, bản thân các HTX cũng cần không ngừng đổi mới, chú trọng hơn nữa đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu về nông sản sạch, an toàn thực phẩm.

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng muốn làm lớn cần xây dựng các HTX, Liên hiệp HTX đủ lớn, làm đầu kéo để kéo các HTX nông nghiệp khác vào cùng tham gia chuỗi.

Về phía Liên minh Trung ương, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cho biết sẵn sàng dành các nguồn lực tốt nhất hỗ trợ cho các Liên minh xây dựng chuỗi. Chuỗi siêu thị Coopmart cũng cam kết hỗ trợ các HTX tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống của mình.

“Hiện nay, xây dựng HTX gắn với chuỗi đang là nhiệm vụ chính trị, nhưng muốn chuỗi liên kết bền vững thì phải tiêu thụ được các sản phẩm của chuỗi. Tức là biến nhiệm vụ chính trị thành lợi thế kinh doanh mới có thể thành công”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Tại hội thảo, đại diện các HTX chia sẻ kinh nghiệm, bàn giải pháp tiếp tục thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá của HTX. Theo đó, các HTX cần được tư vấn, hướng dẫn cách tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn cho cán bộ, thành viên HTX; tăng cường mở rộng chương trình phối hợp giữa các tỉnh, thành phố và tổ chức quốc tế, phi chính phủ; đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tiêu biểu…

Theo VCA