Báo Đáp hình thành chuỗi liên kết nghề dâu tằm

0
886

Những năm qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên chủ động phối hợp với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc (Công ty Dâu tằm tơ) đẩy nhanh tiến độ hợp đồng liên kết, tạo sự thống nhất về phương pháp và trách nhiệm mỗi bên trong hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm kén, tạo thu nhập bền vững cho người dân.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp huyện Trấn Yên hướng dẫn kỹ thuật nuôi tằm cho nông dân xã Báo Đáp.
Bà Nguyễn Thị Chín, thôn Tân Long gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm (TDNT) đã hơn 5 năm nay, nhưng chỉ nuôi nhỏ lẻ với 2 sào dâu và bình quân mỗi năm chỉ thu được hơn 3 tạ kén. Việc bán kén phụ thuộc vào tư thương, lúc lên giá, lúc xuống, giá khá bấp bênh. 
Đầu năm 2018, bà tham gia vào tổ hợp tác dâu tằm liên kết với Công ty Dâu tằm tơ, được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, con giống đảm bảo và bao tiêu sản phẩm ổn định nên đầu năm 2018, bà mạnh dạn chuyển hơn 4 sào ruộng sang TDNT, nâng diện tích dâu lên gần 7 sào. 
Bà Chín cho biết: “Trước đây chưa tham gia vào tổ hợp tác, tôi chỉ nuôi quy mô nhỏ bởi sợ nếu làm nhiều không có đầu ra. Được tham gia vào tổ hợp liên kết, Công ty cam kết bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định nên tôi mạnh dạn mở rộng quy mô. Lứa tằm tới, tôi sẽ nuôi khoảng 4  – 5 vòng tằm mỗi lứa để mỗi năm bình quân thu khoảng 1 tấn kén, cho thu lãi khoảng 70 triệu đồng”. 
Ông Lê Mạnh Tiến, thôn Đồng Trạng cũng cho biết: “Tham gia vào tổ hợp tác, các hộ có quyền lợi như nhau như được hỗ trợ giống dâu, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà nuôi tằm. Quan trọng hơn là được tập huấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cả ổn định. Nhờ vậy, các hộ nuôi tằm yên tâm hơn về chất lượng con giống và đầu ra cho sản phẩm”. 
Nghề TDNT được phát triển mạnh tại xã Báo Đáp từ năm 2010. Tuy nhiên, thời gian qua, người dân chủ yếu nuôi thủ công theo kinh nghiệm; việc tiêu thụ kén cũng phụ thuộc vào thị trường, tư thương với giá bấp bênh; giống tằm cũng vậy nên hiệu quả kinh tế không cao. 
Để đưa nghề TDNT phát triển thành nghề bền vững, trên cơ sở của Đề án Phát triển dâu tằm tơ huyện Trấn Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, xã Báo Đáp đã chủ động cùng với Công ty Dâu tằm tơ đẩy nhanh tiến độ hợp đồng liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp; thành lập các tổ hợp tác TDNT để cung ứng trứng, sản xuất tằm con cung cấp cho hộ nuôi tằm lớn, cung cấp thuốc, vật tư nuôi tằm, thu mua kén, vệ sinh môi trường giữa hộ dân với tổ hợp tác và doanh nghiệp. 
Nhờ vậy, diện tích dâu tằm của xã đã có gần 84 ha. Cả xã có 296 hộ tham gia TDNT, 22% số hộ đã tham gia vào tổ hợp tác và hình thành mối liên kết sản xuất –  tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân. Nhờ đó, nâng sản lượng kén năm 2018 lên gần 106 tấn, mang lại giá trị kinh tế trên 11 tỷ đồng, cho giá trị gần 200 triệu đồng/ha. 
Ông Trần Quang Trung – Chủ tịch UBND xã Báo Đáp cho biết: hiện tại, xã đã thành lập được 3 tổ hợp tác dâu tằm với 65 hộ dân tham gia. Các tổ trưởng là người đại diện cho các thành viên trong tổ ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ. 
Thông qua tổ hợp tác, Nhà nước cùng với doanh nghiệp đã hỗ trợ cho 2 hộ nuôi tằm con 50 triệu đồng/hộ để xây nhà nuôi tằm; hỗ trợ 58 hộ nuôi tằm lớn 58 bộ né ô vuông; hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật về TDNT cho các hộ dân và quan trọng hơn cả là bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định bình quân 100.000 đồng – 120.000 đồng/kg kén. 
Năm 2018 mới là năm khởi đầu cho chương trình chuỗi liên kết giá trị sản phẩm giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học với người dân và bước đầu đã thu được kết quả khả quan. Thông qua liên kết đã thay đổi tư duy người dân về chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; tạo chuyển biến rõ nét nhận thức về quy trình kỹ thuật trong sản xuất và bảo vệ môi trường…
Trấn Yên: Xây dựng 3 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm
Thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, trong những năm gần đây, huyện Trấn Yên đã tích cực hỗ trợ các địa phương, cơ sở sản xuất, chế biến và doanh nghiệp xây dựng chuỗi nông sản. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai 3 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 – 2020.
Cụ thể gồm: Dự án liên kết phát triển trồng dâu nuôi tằm và chế biến kén tằm gắn với tiêu thụ sản phẩm do Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc thực hiện; Dự án liên kết phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm măng Bát độ do Công ty TNHH Vạn Đạt thực hiện và Dự án liên kết phát triển trồng rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Nghiên cứu rau hoa quả Trung ương thực hiện.  
                                                                                                                     Thanh Tân