Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái hướng dẫn chuyển đổi hợp tác xã trên địa bàn tỉnh sang loại hình tổ chức khác

0
722
CTTĐT – Tại công văn số 1854/UBND-TH ngày 12/7/2019 gửi các sở, ban, ngành của tỉnh; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh hướng dẫn chuyển đổi hợp tác xã trên địa bàn tỉnh sang loại hình tổ chức khác.

Theo đó, nếu tổ chức và hoạt động của hợp tác xã không phù hợp với quy định của luật hoặc có nhu cầu chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác và không rơi vào tình trạng “mất khả năng thanh toán” như quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014 thì thực hiện các bước chuyển đổi dưới đây:

Bước 1: Tiến hành đại hội thành viên

Tổ chức đại hội thành viên và ra nghị quyết về việc chuyển đổi hợp tác xã: Chuẩn bị đại hội thành viên theo quy định tại Điều 31, 32 và 33 Luật Hợp tác xã 2012 và khoản 2 Điều 32 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ; Đại hội thành viên biểu quyết và ra nghị quyết về việc giải thể tự nguyện để thực hiện chuyển đổi hợp tác xã theo quy định tại Điều 34 Luật Hợp tác xã 2012.

Bước 2: Thực hiện giải thể tự nguyện

Hợp tác xã giải thể tự nguyện theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Hợp tác xã năm 2012. Thủ tục giải thể tự nguyện tiến hành theo khoản 1 Điều 19 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Hội đồng giải thể thực hiện các công việc được quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 54 Luật Hợp tác xã năm 2012, tham khảo theo trình tự như sau:

Lập báo cáo kiểm kê, đánh giá toàn bộ tình hình hoạt động và tài chính của hợp tác xã theo quy định tại Thông tư số 83/2015/TT-BTC ngày 28/5/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với hợp tác xã và Thông tư số 31/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính, lưu ý các nội dung sau đây: Xác định và phân loại các khoản nợ phải thu, nợ phải trả (bao gồm: nợ bảo hiểm xã hội; nợ người lao động; nợ các tổ chức, các nhân khác; nợ thuế, v.v.); danh sách chủ nợ và người vay nợ; nguồn gốc nợ và giá trị nợ. Lập danh sách thành viên, người lao động, các nghĩa vụ của hợp tác xã đối với các đối tượng trên. Lập danh sách các hợp đồng kinh tế, các nghĩa vụ của hợp tác xã với các đối tượng trên (ngoài hợp đồng lao động).

Xây dựng phương án xử lý tài sản, vốn, các khoản nợ, thanh lý các hợp đồng kinh tế của hợp tác xã và thông báo công khai cho thành viên, người lao động, cá nhân và các tổ chức có liên quan về thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng, xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã theo Điều 49, Luật Hợp tác xã 2012 và Thông tư số 31/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn khi hợp tác xã giải thể, phá sản.

Nếu các thành viên, người lao động, cá nhân và các tổ chức có liên quan đến hợp tác xã chấp thuận phương án giải thể tự nguyện, Hội đồng giải thể lập biên bản nhất trí phương án giải thể tự nguyện với các nhóm đối tượng trên.

Tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động của các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã tại cơ quan đăng ký hợp tác xã nơi đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã (nếu có) theo Điều 16 Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo  tình hình hoạt động của hợp tác xã và khoản 1 Điều 2 Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT ngày 08/4/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (có hiệu lực từ ngày 28/5/2019).

Hợp tác xã gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hợp tác xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính.

Cơ quan đăng ký hợp tác xã ra xác nhận về việc giải thể tự nguyện của hợp tác xã theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sửa đổi tại khoản 12 Điều 1 Thông tư số 07/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bước 3: Thành lập tổ chức mới theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp thành viên có nhu cầu ra khỏi hợp tác xã trước thời hạn giải thể tự nguyện thì thực hiện theo quy định tại Điều 51 Luật Hợp tác xã 2012 và phải giải quyết xong trước khi tiến hành giải thể tự nguyện hợp tác xã. Đối với các thành viên khác, sẽ được hoàn trả giá trị tài sản còn lại theo tỷ lệ vốn góp trên tổng số vốn điều lệ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 49 Luật Hợp tác xã 2012.

Các vấn đề liên quan đến tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn: Đối với các tài sản không chia, tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn, trong đó có nguồn gốc từ hỗ trợ của nhà nước thì xử lý theo Điều 3, Điều 4, Điều 5 Thông tư số 31/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn khi hợp tác xã giải thể tự nguyện phá sản. Các tài sản còn lại của hợp tác xã đã được báo cáo kiểm kê, nếu không phát sinh tranh chấp, khiếu nại thì tiến hành thanh lý theo Điều 49, Luật Hợp tác xã 2012.

Các vấn đề về chính sách hỗ trợ của Nhà nước: Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho hợp tác xã hết hiệu lực kể từ thời điểm hợp tác xã thông báo giải thể tự nguyện.

Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu để áp dụng tại Công văn này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì sẽ áp dụng theo các văn bản mới đó.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo bằng văn bản về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan hướng dẫn giải quyết.