Trung Quốc thắt chuẩn, nông sản ùn ứ

0
560

Không chỉ siết nhập tiểu ngạch, Trung Quốc còn liên tục thay đổi các quy định trong nhập khẩu chính ngạch khiến nhiều mặt hàng nông thủy sản Việt Nam trở tay không kịp, lâm cảnh ùn tắc, có mặt hàng thậm chí còn không thể xuất khẩu sang thị trường này.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu (XK) lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch XK nông thủy sản, trong khi nông thủy sản chiếm 30% tổng kim ngạch XK hàng hóa các loại sang thị trường này.

“Đến hẹn” lại ùn ứ

Trung Quốc là thị trường đứng đầu về cao su, rau quả và sắn các loại; thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; thứ 4 về chè; thứ 5 về thủy sản; thứ 9 về cà phê…, đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trong 9 tháng đầu năm 2019, XK rau quả ước đạt 2,84 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp trong năm nay (từ tháng 5), kim ngạch XK rau quả giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Những ngày gần đây, tình trạng nông sản (chủ yếu là mặt hàng thanh long) ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) khiến doanh nghiệp (DN) lao đao. Đáng chú ý, thanh long là một trong 9 loại hoa quả tươi của Việt Nam được XK chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Vậy tại sao tình trạng dồn ứ vẫn xảy ra?

Theo ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, cửa khẩu phụ Tân Thanh là cửa khẩu chủ yếu XK nông sản, đặc biệt là hoa quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Theo thông lệ, cứ vào dịp cuối năm, hàng hóa sẽ tăng đột biến, nhưng từ quý III/2019, lượng nông sản, hoa quả XK giảm nhiều so với cùng kỳ, số lượng phương tiện chở hàng xuất nhập khẩu khoảng 80-150 xe/ngày.

Đặc biệt, từ ngày 15/10 đến nay, lượng hàng dồn về cửa khẩu Tân Thanh tăng đột biến (khoảng trên 250 xe/ngày), chủ yếu là mặt hàng thanh long do đang vào chính vụ.

Bên cạnh đó, từ ngày 12/10, lực lượng Hải quan Trung Quốc đưa vào áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu, lực lượng chức năng Trung Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát tại cổng kiểm soát số 1 đối với phương tiện ô tô, kể cả xe không hàng và xe có hàng.

“Thời gian kiểm tra mất khoảng 6 – 7 phút/ xe, trong khi trước đây chỉ khoảng 2 phút/xe. Do đó, lượng xe tối đa trong ngày chỉ khoảng 120 – 150 xe, dẫn đến không đáp ứng được lưu lượng hàng về tại cửa khẩu”, ông Hải cho hay.

Từ ngày 15/10 đến nay, mỗi ngày đều tồn khoảng 400 xe, cao điểm ngày 18/10 chỉ XK được 182 xe, tồn khoảng 500 xe. Tính đến 21h ngày 24/10, tại cửa khẩu Tân Thanh còn ùn khoảng 300 xe hàng.

Trên thực tế, đối với mặt hàng trái cây, Trung Quốc đã áp dụng các yêu cầu về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc từ rất lâu đối với các nước khi XK vào thị trường này, trong đó có các nước ASEAN. Với Việt Nam, do đặc thù về thương mại biên giới lâu đời với Trung Quốc, nên Trung Quốc áp dụng các quy định về đóng gói, ghi nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm muộn hơn so với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, dù những quy định mới của phía Trung Quốc đã được các ngành chức năng của Việt Nam liên tục phổ biến nhưng các DN XK, các cơ sở thu mua lẫn nông dân lại chưa thực sự chú ý, quan tâm thực hiện, dẫn đến tình trạng hàng nhiều nhưng XK gặp khó khăn.

Theo các chuyên gia, so với các nước trên thế giới, kim ngạch XK nông sản của Việt Nam nằm trong nhóm đầu. Tuy nhiên, giá trị thu về có thể nhỏ hơn, do công nghệ bảo quản, các loại giống chưa tốt bằng nhiều nước khác.

Bộ Công Thương cho biết giá trị XK mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua.

“Thực tế, từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu. Điều này đã phần nào tác động đến tiến độ XK nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh yếu tố về cung cầu thị trường như đối với một số mặt hàng cụ thể như gạo, sắn”, Bộ Công Thương cho biết.

Bộ Công Thương nhấn mạnh hiện vẫn còn không ít DN trong nước chưa kịp thời cập nhật hoặc tuy đã biết thông tin nhưng chưa thực sự quan tâm, thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, XK và cách thức tiếp cận thị trường phù hợp với các quy định và xu thế phát triển của thị trường Trung Quốc, dẫn đến tình trạng hàng hóa không thể thông quan và gây ùn ứ tại cảng, cửa khẩu.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có vấn đề đảm bảo truy xuất nguồn gốc chưa tốt.

“Ngoài ra, còn có trục trặc về giấy tờ. Bao bì in một đằng, giấy tờ khai một nẻo, nên kiểm dịch hải quan Trung Quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát…, dẫn đến chậm thông quan”, ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, Trung Quốc đang hướng vào việc xuất nhập khẩu chính ngạch và việc này sẽ giúp “rèn các DN Việt Nam đi vào khuôn khổ”.

Bên cạnh đó, trong quá trình cơ quan chức năng xử lý việc ứ đọng hàng hoá tại cửa khẩu thời gian qua cũng phát hiện mặt hàng chôm chôm Việt Nam xuất sang Trung Quốc có cả hàng Thái Lan. Những vi phạm như vậy cũng làm ảnh hưởng đến kiểm tra hàng hóa.

Tại sao hàng Thái không xuất thẳng sang Trung Quốc mà “mượn đường” qua Việt Nam, theo ông Nguyên, có thể nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc cần đơn hàng lớn, trong khi nhà cung cấp Việt Nam không đủ, nên lấy hàng của Thái Lan bù vào.

Lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng trước đây có tình trạng trái cây của Thái Lan tạm nhập về Việt Nam rồi tái xuất đi Trung Quốc, nhưng kim ngạch vẫn tính vào XK của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay phía Trung Quốc yêu cầu xuất chính ngạch nên việc này không làm được.

Ngoài những nguyên nhân chủ quan đến từ các DN, còn có nguyên nhân khách quan đến từ hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống logistics chưa được đầu tư quy mô, bài bản do nguồn lực của các tỉnh biên giới còn khó khăn, DN đầu tư còn hạn chế. Trong khi đó, phía Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu hàng nông sản qua 3 cửa khẩu: Cốc Nam, Tân Thanh, Hữu Nghị gây nên tình trạng ùn ứ hàng hóa XK tại một số thời điểm.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành thống nhất với Trung Quốc cho phép nhập khẩu các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu khác của Lạng Sơn như: Chi Ma, Na Hình, Bình Nghi… để tăng khả năng thông quan cho nông sản.

Nguồn: Thời báo kinh doanh.