Ai thao túng giá thịt lợn?

0
633

Bộ NN&PTNT cho biết, từ tháng 2/2020, nguồn cung lợn đã tăng cao, vậy tại sao giá lợn hơi vẫn áp sát mốc 90.000 đồng/kg, ai đang thao túng thị trường này?

Ngày 13/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ra “tối hậu thư” yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn phải kéo giảm giá lợn hơi xuống dưới mốc 75.000 đồng/kg. Ngay sau đó, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi cam kết sẽ giảm giá như yêu cầu.

Áp sát ngưỡng 90.000 đồng/kg

Những ngày sau đó, giá lợn hơi đã chứng kiến những đợt giảm mạnh, quay đầu về mức 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chưa được bao lâu, hơn một tuần nay, giá lợn hơi bắt đầu tăng trở lại.

Theo khảo sát ngày 4/3, giá lợn hơi ở các tỉnh phía Bắc trong khoảng 85.000 – 88.000 đồng/kg; khu vực miền Trung, Tây Nguyên vượt ngưỡng 80.000 đồng/kg. Cùng với đó, thủ phủ chăn nuôi lợn phía Nam có giá từ 75.000 – 79.000 đồng/kg.

Người tiêu dùng đang phải mua thịt lợn giá cao 

Chị Phương (tiểu thương buôn thịt lợn tại Hà Nội) cho biết, giá thịt lợn vẫn phổ biến trong khoảng trung bình 150.000 đồng/kg – giá có thể cao hơn hoặc thấp hơn tuỳ loại. Sở dĩ giá thịt lợn không giảm là do giá lợn hơi chỉ giảm được vài ngày đã bắt đầu tăng trở lại.

Với mức giá như vậy chắc chắn người tiêu dùng đang chịu thiệt. Bởi theo tính toán, giá thành chăn nuôi trung bình của Việt Nam trong khoảng 35.000 đồng – 40.000 đồng/kg.

Vì vậy, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 mới diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ NN&PTNT và các địa phương cố gắng giảm giá lợn hơi xuống. Hiện tại, giá lợn hơi cao sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng.

Thủ tướng nhấn mạnh, giá lợn 75.000 đồng/kg là vẫn cao so với giá thành chăn nuôi 35.000 đồng/kg. Do vậy, giá lợn hơi cần phải giảm nữa, nhất là các tập đoàn lớn, chiếm sản lượng lớn và khâu trung gian giết mổ chiếm tỷ lệ quá cao.

Hài hòa lợi ích, phát triển bền vững

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 5/2, tổng đàn lợn cả nước đạt trên 24 triệu con, trong đó có khoảng 2,7 triệu con lợn nái. Sau khi dịch tả lợn châu Phi qua đỉnh điểm vào tháng 5/2019, việc tái đàn đã được triển khai ngay tại các địa phương. Tuy nhiên, thời gian phục hồi đàn lợn cần khoảng 5-7 tháng.

Do vậy, từ tháng 1/2020, thị trường đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn, dự báo sản lượng sẽ tăng cao từ tháng 2 và nguồn cung thịt lợn cho cả năm đạt khoảng 4 triệu tấn.

Lý giải nguyên nhân vì sao giá lợn hơi tăng cao, đại diện một doanh nghiệp chăn nuôi cho rằng tác động của dịch Covid-19 có thể khiến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thịt lợn tăng lên. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng thương lái gom hàng, chờ cửa khẩu thông thương, bán lợn sang Trung Quốc, hiện thị trường này đang rất khan hàng mặt hàng thịt lợn.

“Nông hộ và cả doanh nghiệp lớn chăn nuôi lợn ở Việt Nam không phải là đối tượng tự làm giá bán trên thị trường, mà do khâu phân phối nên giá lợn từ chuồng trại đến người tiêu dùng có mức chênh lệch giá lên đến 25-45% do phải qua nhiều tầng lớp”, đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Trong bối cảnh giá lợn hơi tăng cao, các chuyên gia khuyến nghị cần phải đẩy mạnh nhập khẩu thịt (thịt lợn, gà, bò) để đáp ứng nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho biết, nếu tính từ tháng 11/2019 (khi có chỉ đạo của Chính phủ về nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn), đến hết tháng 1/2020, cả nước mới nhập trên 17.400 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn.

Đồng thời, cần phải có giải pháp quyết liệt để kéo giá lợn hơi về đúng giá trị thực tế. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng nếu giá lợn mà để mức quá cao sẽ gây mất cân đối giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng, cũng như không thể là điều kiện tốt, điều kiện thuận lợi để ngành chăn nuôi phát triển một cách nhanh và bền vững.

“Chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thị trường thì không can thiệp nhưng vai trò của Nhà nước vẫn phải khẳng định và quan trọng nhất là tổ chức sản xuất tốt, nguồn cung phải dồi dào, chế biến phải sâu, đó chính là vai trò của Nhà nước. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp với tinh thần yêu nước, với trách nhiệm cũng phải cùng vào cuộc với Chính phủ giảm giá lợn để đảm bảo phát triển bền vững, chia sẻ lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng”, ông Tiến nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, bảo vệ thị trường chăn nuôi bền vững. “Nếu giá lợn cứ tăng thì người tiêu dùng quay lưng lại, thiếu gì các loại gà ngon, thủy sản ngon, trứng ngon? Nếu người dùng ăn mãi những món đó sẽ quen dần, đến lúc không ăn thịt lợn nữa. Chưa kể, lợi nhuận cao quá, thực phẩm khác nhập vào mà không kiểm soát được, sau này muốn lấy lại thị trường thì mất đà, ý nghĩa bền vững là ở chỗ đó”, ông Cường nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, “quan trọng nhất là muốn ăn nhiều phải biết ăn dè, ăn vừa phải. Sản xuất vừa phải sẽ lâu dài, chứ tăng quá thì không được”.

Theo Thời báo kinh doanh