Yên Bái: Hiệu quả từ liên kết giữa HTX và DN trong sản xuất nông, lâm nghiệp

0
636

Tại tỉnh Yên Bái, sự liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp (DN) và Hợp tác xã (HTX) đang là một xu hướng tất yếu trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập và tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay, sự liên kết này đang mang lại những giá trị đích thực

Mô hình liên kết giữa Công ty Cổ phần Yên Thành – thành viên của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái và Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Kiên Thành ký kết hợp đồng liên kết 10 năm để bao tiêu toàn bộ sản phẩm măng tre Bát Độ trên địa bàn là một điển hình cho câu chuyện này, được tỉnh Yên Bái khuyến khích phát triển.

Liên kết cùng phát triển

Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Kiên Thành là đơn vị nằm trong vùng nguyên liệu chính trong quy hoạch phát triển cây măng tre Bát Độ của tỉnh Yên Bái (tổng diện tích trên 5.000 ha). Thực hiện Hợp đồng liên kết, Công ty Cổ phần Yên Thành đầu tư cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch măng tre Bát Độ cho các thành viên Hợp tác xã và mua lại toàn bộ sản phẩm để chế biên và tiêu thụ.

unnamed-7850-1595832993.jpg

Công ty CP Yên Thành không chỉ là “đầu kéo” phát triển các hợp tác xã, kinh tế hộ trên địa bàn tỉnh, công ty  sẽ tiếp tục mở rộng địa bàn liên kết ra ngoài tỉnh. 

Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Kiên Thành đầu tư ứng trước phân bón cho các hộ thành viên, phối hợp với Công ty đầu tư xây dựng xưởng sơ chế măng tre Bát Độ với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng ngay tại trung tâm vùng nguyên liệu của xã để tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm của các hộ thành viên, tiến hành sơ chế theo quy trình và tiêu chuẩn đơn hàng của Công ty, tiết kiệm chi phí vận chuyển cho bà con, sơ chế kịp thời, bảo đảm nguyên liệu ổn định đầu vào cho Công ty.

Ngoài Hợp tác xã Kiên Thành, Công ty đã liên kết với Hợp tác xã Hoàng Nam, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Mông Sơn (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) để bao tiêu toàn bộ nguyên liệu từ gỗ, hình thành chuỗi liên kết khép kín từ thu mua, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, không qua khâu trung gian.

Từ năm 2010 trở lại đây, trung bình mỗi năm Công ty xuất ra thị trường hàng chục ngàn m3 gỗ ép cao cấp các loại, xuất khẩu khoảng 2.000 tấn măng tươi, gần 400 tấn măng khô sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản… Công ty còn giao khoán 150 ha để trồng măng tre Bát Độ cho bà con các xã thuộc huyện Yên Bình và 300 ha tại huyện Lục Yên; Cung ứng hàng trăm vạn cây giống tre măng Bát độ trên địa bàn tỉnh phục vụ nguyên liệu đầu vào cho Công ty.

Với quy mô ngày càng mở rộng, tổng doanh thu của Công ty đạt khoảng 30 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách Nhà nước trung bình trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho trên 200 công nhân với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định của pháp luật.

Công ty Cổ phần Yên Thành đặt trụ sở tại tổ 3, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Được thành lập năm 2005 với giấy phép kinh doanh, sản xuất các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu: Gỗ rừng trồng (gỗ ván bóc, gỗ dán, gỗ xẻ thanh nan …), măng lên men, măng muối, măng đóng hộp, măng khô; đầu tư trồng rừng, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, xuất nhập khẩu máy móc, vật tư, thiết bị …

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Công ty được Liên minh hợp tác xã tỉnh tạo điều kiện để tham gia các chương trình đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, đào tạo nghề cho người lao động, các lớp tập huấn về an toàn lao động – vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước; hỗ trợ về xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, tư vấn xây dựng dự án đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng ngành nghề, hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh…

Đồng hành cùng HTX phát triển

Ông Nguyễn Đức Dũng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Thành cho biết, hiện nay Công ty cổ phần Yên Thành có trên 20.000m2 nhà xưởng, sân bãi với đầy đủ dây chuyền thiết bị chuyên dụng để sản xuất gỗ bóc, gỗ ép và gỗ xẻ thanh nan. Các sản phẩm gỗ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc.

2-217972-2796-1595832993.jpg

Nhờ trồng măng tre Bát Độ mà nhiều hộ dân ở Yên Bái đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ngày một ổn định. 

Công ty còn có nhà máy chế biến măng xuất khẩu, 500 ha tre Bát Độ lấy măng cho thu hoạch ổn định. Sản phẩm măng khô của Công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, măng muối xuất khẩu sang thị trường Đài Loan… Để có thị trường xuất khẩu ổn định, Công ty luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm, chữ tín trong kinh doanh và đặc biệt coi trọng hiệu quả của công tác liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh liên doanh, liên kết là một xu thế tất yếu, Công ty không chỉ là “đầu kéo” phát triển các hợp tác xã, kinh tế hộ trên địa bàn tỉnh, năm 2020, công ty tiếp tục mở rộng địa bàn liên kết ra ngoài tỉnh.

Cùng với sự tư vấn, hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái, Công ty phối hợp với xã Xuân Nha (huyện Vân Kiều, tỉnh Sơn La) xây dựng và thực hiện phương án liên kết mở rộng 500ha vùng nguyên liệu măng Bát Độ tại xã Xuân Nha, bước đầu là thành lập hợp tác xã và xây dựng nhà xưởng chế biến măng.

Sau khi Hợp tác xã này đi vào hoạt động, công ty Cổ phần Yên Thành cam kết hỗ trợ đưa cán bộ sang hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đảm bảo quy chuẩn, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm măng tre Bát Độ của HTX để đáp ứng cho xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đức Dũng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Yên Thành nói rằng, trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục quan tâm, tập trung đẩy mạnh chuỗi giá trị liên kết bền vững giữa Công ty với các Hợp tác xã và hộ nông dân không chỉ trên địa bàn tỉnh Yên Bái mà sẽ mở rộng liên kết với các hợp tác xã ngoài tỉnh để nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp đồng thời nâng cao thu nhập cho chính doanh nghiệp mà cho cả hợp tác xã, thành viên và người lao động.

“Trước mắt, trong 2 năm (2021 và 2022), Công ty sẽ đầu tư mở rộng thêm 1.000 ha diện tích măng tre Bát Độ tại xã Xuân Nha, huyện Vân Kiều, tỉnh Sơn La.” ông Dũng nó

Nguồn: Thời báo kinh doanh