Liên kết để phát triển

0
330

YênBái – Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca được thành lập tháng 8/2017. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTX không những đã tạo được công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao của huyện Trấn Yên. HTX không thể hoạt động 1 mình mà có được kết quả như ngày hôm nay, đó là nhờ vào sự liên kết với các đơn vị khác để cùng nhau phát triển” – Giám đốc HTX – Hà Văn Lân khẳng định.

chế biến tinh dầu quế ở Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca
chế biến tinh dầu quế ở Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca
Với lợi thế nằm trong vùng nguyên liệu quế có diện tích khoảng 5.000 ha đang trong thời kỳ khai thác nên năm 2018, HTX đã mua và thuê 10.000 m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động sản xuất như: nhà điều hành, xưởng sản xuất rộng 400m2, kho chứa nguyên liệu rộng 4.000 m2, kho chứa và đóng gói thành phẩm, nhà cân…
Cùng với đó, HTX đã đầu tư lắp đặt dây chuyền chưng cất tinh dầu quế, đường điện, hệ thống cứu hỏa, camera an ninh. Sau khi ổn định về cơ sở vật chất, để hoạt động ổn định và bền vững, HTX đã chủ động liên hệ và ký hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm quế với HTX 6/12 xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên và Công ty TNHH An Thịnh Cường Phát, huyện Văn Yên tổ chức thu mua nguyên liệu cành, lá quế phục vụ chưng cất tinh dầu quế và cũng bảo đảm sản phẩm cung cấp cho các đơn vị liên kết. Từ khi HTX đi vào hoạt động ổn định đã thu mua toàn bộ nguyên liệu quế, gỗ rừng trồng cho nhân dân trong xã và một số xã lân cận, tạo việc làm mới cho người lao động, nhất là các hộ dân trong xã sống chủ yếu dựa vào kinh tế đồi rừng.
Cùng với diện tích quế khá lớn thì xã Hồng Ca còn có diện tích trồng tre măng Bát độ với trên 1.000 ha. Tận dụng lợi thế này, cuối năm 2018, Ban Giám đốc HTX đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chế biến tre măng Bát độ. HTX đã liên kết với Công ty cổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm măng tre cho người dân. Hiện nay, mỗi năm HTX thu mua, sơ chế và chế biến được hơn 4.000 tấn măng tươi bán cho Công ty cổ phần Yên Thành để chế biến sâu và xuất bán sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan.
Biết tận dụng lợi thế từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương cùng với sự năng động, nhạy bén của lãnh đạo HTX và liên kết chặt chẽ với các HTX, doanh nghiệp để cung cấp, bao tiêu sản phẩm, HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Doanh thu của HTX trong 2 năm gần đây đạt trên 3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 500-600 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng và bao tiêu sản phẩm măng tre Bát độ, cành, lá quế cho hàng ngàn hộ dân xã Hồng Ca và các xã lân cận.
Ông Hà Văn Lân cho biết thêm: HTX luôn xác định phát triển kinh tế hộ thành viên, nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu hoạt động. Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh chúng tôi tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, điều kiện cần thiết để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh của HTX; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống sản xuất măng tre Bát độ và chưng cất tinh dầu quế bảo đảm sản lượng, chất lượng và các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu”.
Cùng với đó, HTX tích cực mời gọi thu hút đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp để phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ xây dựng hệ thống đường vận chuyển trong vùng nguyên liệu; vận động kết nạp thêm thành viên để tăng quy mô và nguồn lực cho HTX. Để hoạt động được bền vững, HTX đã quan tâm, chú trọng hướng dẫn cho người dân khai thác vùng nguyên liệu đúng kỹ thuật; tránh tận thu quá mức, khai thác ồ ạt, chặt, tỉa không khoa học, tác động xấu đến sự sinh trưởng và phát triển, dẫn đến giảm năng suất của cây trồng gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của đơn vị.
nguồn: Báo Yên Bái