Bài 4: Xây dựng thương hiệu “Gà Yên Bái”

0
334

Trên địa bàn huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái còn có một điển hình về kinh tế hợp tác góp phần tạo việc làm, ổn định thu nhập cho người dân, trong đó có đến gần 1/3 là đồng bào dân tộc. Đó là HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp MQ, xã Minh Quán.

4 năm qua, HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp MQ đã thực sự trở thành “điểm tựa” phát triển kinh tế cho các thành viên và hàng trăm hộ dân trên địa bàn với đông đảo là người dân tộc Tày, Mường, Cao Lan sinh sống.

Liên kết để nâng cao hiệu quả

Xã Minh Quán là địa phương thuần nông. Trước đây, các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, quy mô manh mún, nhỏ lẻ.

Từ năm 2012, các hộ chăn nuôi gà bắt đầu liên kết thành lập một tổ hợp tác. Đến tháng 3/2018, tổ hợp tác nâng cấp lên HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp MQ với 10 thành viên tham gia.

IMG-3113-JPG-2991-1617705293.jpg

Trang trại gà Mông của HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp MQ.

 

 

Nhờ đó, hiệu quả chăn nuôi tăng lên rõ rệt, số lượng đàn, đầu con phát triển mạnh và xã đã có hàng chục trang trại nuôi gà với quy mô từ 3.000 – 10.000 con/lứa.

Anh Nguyễn Văn Nam, ở thôn 4, bắt đầu nuôi gà từ năm 2011 với số lượng 200 con/lứa. Qua tuyên truyền, vận động của xã, năm 2012 anh tham gia vào tổ hợp tác chăn nuôi gà và mở rộng quy mô lên 1.000 con/lứa.

 

“Khi HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp MQ được thành lập, tôi là một trong những thành viên đầu tiên tham gia. Việc liên kết trong chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đó là được hỗ trợ về kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, đầu ra sản phẩm ổn định”, anh Nam chia sẻ.

Hiện, gia đình anh Nam đang duy trì nuôi 1 trang trại với số lượng 3.000 con/lứa, mỗi năm nuôi từ 2 – 3 lứa, mang lại nguồn thu nhập từ 130 – 150 triệu đồng.

Cũng tham gia chăn nuôi gà từ tổ hợp tác và là thành viên đầu tiên của HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp MQ, anh Đặng Minh Hoàng cho biết, khi tham gia vào HTX, anh đóng góp 100 triệu cổ phần để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang trại, đường sá đi lại từ đường lên đồi để vào khu chăn nuôi, điện, nước… Ngoài ra, mỗi năm gia đình anh chăn nuôi 3 lứa gà với khoảng 15.000 con, thu nhập gần 200 triệu đồng.

IMG-3104-JPG-1557-1617705294.jpg

Anh Nguyễn Tiến Sơn (phải) – Giám đốc HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp MQ và anh Đặng Minh Hoàng – thành viên HTX trao đổi về định hướng phát triển HTX trong thời gian tới.

 

 

Anh Nguyễn Tiến Sơn, Giám đốc HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp MQ cho biết, khi tham gia vào quy trình sản xuất của HTX từ khâu lựa chọn con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi được thống nhất chung một đầu mối. Đó là cùng một lựa chọn là giống gà Minh Dư, Lạc Thủy và gà Mông, sử dụng thức ăn chăn nuôi VietHop của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Tân Việt nên gà lớn tương đối đồng đều, đảm bảo việc xuất chuồng theo đúng kế hoạch của đơn vị thu mua.

Mở rộng quy mô chăn nuôi

Từ khi thành lập HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp MQ đến nay, việc chăn nuôi của các thành viên thuận lợi hơn, không xảy ra dịch bệnh lớn hay gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Bên cạnh hỗ trợ nhau về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi thì việc tham gia HTX đã giúp các thành viên nâng cao ý thức chăn nuôi, hạn chế tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh, chất kích thích.

Theo Giám đốc Nguyễn Tiến Sơn, thời gian mới thành lập, HTX có vốn điều lệ 1 tỷ đồng và 10 thành viên, đến nay vốn điều lệ là 1,7 tỷ đồng. Với 3 ha đất được xã giao, sau 4 năm, HTX đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng khu chăn nuôi tập trung quy mô 35.000 con gà thịt mỗi lứa.

Năm 2020, dù dịch bệnh Cobid-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chung, nhưng do ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần phát triển chăn nuôi MB (Thường Tín, Hà Nội), sản lượng bao tiêu 120 tấn gà tươi sống/tháng, thời gian hợp đồng 2 năm nên không ảnh hưởng đến quá trình chăn nuôi của HTX.

Cũng để đảm bảo việc cung cấp nguồn hàng đảm bảo sạch, an toàn và đủ về số lượng, HTX đã liên kết với 32 hộ gia đình trên địa bàn toàn xã với tổng đàn gà lên đến hơn 100.000 con, doanh thu hàng năm đạt gần 20 tỷ đồng và tạo việc làm cho 40 lao động.

IMG-3119-JPG-6737-1617705294.jpg

Sau thời gian nuôi nhốt, gà của HTX MQ được thả trên đồi để đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn VietGAP.

 

 

Đáng phấn khởi là trong số 32 hộ liên kết, có 10 hộ là đồng bào dân tộc Tày, Cao Lan, Mường sinh sống trên địa bàn cùng tham gia. Nhiều hộ sau liên kết đã được tập huấn khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, phòng và trị bệnh cho gia cầm và phương pháp chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Nhờ sản phẩm sạch, chất lượng cao, lại được ký kết bao tiêu nên giá cả đầu ra đảm bảo, qua đó giúp các thành viên liên kết có thu nhập ổn định nên họ tin tưởng làm theo.

Việc người dân chủ động liên kết trong chăn nuôi gà đã cho thấy hiệu quả rõ rệt như giúp giảm thiểu những rủi ro, tăng lợi nhuận, vừa thúc đẩy phong trào chăn nuôi ở địa phương phát triển theo hướng mở rộng quy mô, hiệu quả.

Năm 2020, HTX đã xuất bán hơn 80.000 con gà với sản lượng gần 150 tấn, doanh thu đạt hơn 7 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 13 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.

Không dừng lại ở việc chăn nuôi quy mô lớn, hiện HTX chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp MQ còn hướng tới việc chế biến các sản phẩm từ thịt gà để bán ra thị trường nhằm nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu “Gà Yên Bái”.

 

Theo VNbusiness