Nâng cao giá trị sản phẩm chè Yên Bái

0
344

Trước đây, Yên Bái có diện tích chè đứng thứ hai toàn quốc với hơn 12.000 ha. Cây chè thực sự là cây xóa đói giảm nghèo cho hàng vạn nông dân các huyện: Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên.

Nông dân xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn thu hái chè bằng máy.

Nông dân xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn thu hái chè bằng máy.

 

Đến nay, do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là chuyển đổi cây trồng khác, không trồng thay thế diện tích chè già cỗi nên giảm còn hơn 7.600 ha; trong đó, có 7.200 ha cho sản phẩm, sản lượng búp tươi đạt hơn 74.000 tấn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đinh Đăng Luận cho biết: “Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Trong đó, phê duyệt Đề án Phát triển chè vùng cao, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè đặc sản; gắn phát triển vùng chè shan tuyết cổ thụ tại các xã: Suối Giàng, Sùng Đô, Nậm Mười, huyện Văn Chấn; Phình Hồ, Bản Mù, Xà Hồ, huyện Trạm Tấu với phát triển du lịch sinh thái”.
Hết năm 2020, toàn tỉnh trồng mới hơn 538 ha, giữ ổn định diện tích chè vùng cao đạt 3.000 ha. Trong đó, gần 500 ha chè Shan công nghiệp (chè Shan trồng mật độ 16.000 cây/ha), sản lượng đạt 9.300 tấn, giá trị đạt hơn 52 tỷ đồng.
Nằm ở độ cao hơn 1.500 m, khu du lịch Suối Giàng được đầu tư hồ nước tạo cảnh quan môi trường cùng với diện tích hơn 423 ha chè Shan; trong đó, có 40.000 cây chè cổ thụ độ tuổi từ 100 năm trở lên, được xếp trong tốp sáu giống chè thủy tổ của thế giới. Do là chè hữu cơ, nên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), sản lượng chè búp tươi đạt từ 400 – 500 tấn/năm.
Chị Lâm Thị Kim Thoa – Giám đốc HTX chè Suối Giàng cho biết: “Trải qua nhiều thăng trầm, ngoài việc vận động các hộ có diện tích thu gia nhập HTX thì HTX còn thuyết phục các hộ thành viên, người dân bảo tồn rừng chè cổ thụ, thu hái đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài việc mở rộng thêm ngành nghề để tạo thêm việc làm, HTX cũng tập trung nâng cao trình độ, kỹ năng trồng, chăm sóc, chế biến chè”.
Tháng 5/2013, nhãn hiệu chè Suối Giàng – Yên Bái được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận cho thương hiệu “Tuyết Sơn Trà”.
Đến nay, HTX đã có sáu loại sản phẩm mang tên “Tuyết Sơn Trà” có chất lượng tốt, được đóng gói với các mẫu mã đẹp, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong, ngoài nước. Năm 2019, được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt bốn sao.
Hiện, UBND xã Suối Giàng đã thành lập “Không gian trà Suối Giàng” nhằm đưa văn hóa ẩm thực, thưởng lãm trà gắn với tập tục sinh hoạt của đồng bào Mông như: Cách thu hái, sao chè, pha trà, quảng bá chè Shan tuyết đến với thị trường trong nước và quốc tế.
Xã Hán Đà, huyện Yên Bình – nơi có hồ Thác Bà rộng gần 20.000 ha, tạo độ ẩm thích hợp cho sinh trưởng của cây chè xanh. Có thời điểm diện tích chè huyện Yên Bình lên đến gần 2.000 ha và nay chỉ còn hơn 750 ha.
Ông Trần Tường – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hán Đà cho biết: “Cây chè thực sự là cây xóa nghèo. Hiện, xã có hơn 200 ha chè giống mới, sản lượng 2.000 tấn/năm, với giá bình quân chè búp tươi từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, nông dân hằng năm có gần 15 tỷ đồng từ chè. Nhờ áp dụng thuốc BVTV đúng quy trình, thôn Trác Đà xây dựng được 20 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP; xã có hơn 200 máy vò chè mi ni; toàn bộ chè búp tươi thu hái được chế biến tại chỗ, có đủ bao bì, tem nhãn xác thực nguồn gốc, chè xanh Hán Đà đạt tiêu chuẩn OCOP ba sao, được người tiêu dùng tin tưởng.
Với kinh nghiệm của người làm chè gần 30 năm, ông Nguyễn Trọng Hữu – Giám đốc Công ty TNHH Chế biến chè Hữu Hảo cho biết: “Sản phẩm chè vùng cao đặc sản loại đặc biệt “một tôm” hiện có giá 2 triệu đồng/kg; chè xanh xuất khẩu đạt bình quân 2 USD/kg; chè đen đạt 1,2 USD/kg. Người làm chè vùng thấp canh tác hằng năm cho thu về 60 triệu đồng/ha; chè vùng cao đạt 100 triệu đồng/ năm. Như vậy, thu nhập cao hơn một số cây trồng khác”.
Một yếu tố quan trọng cho xuất khẩu là khâu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nên mỗi lô hàng được kiểm nghiệm 4 lần tại cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh đúng yêu cầu của phía bạn hàng (kiểm tra 470 hoạt chất, dư lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc BVTV…) nên hàng năm, Công ty xuất gần 2.000 tấn chè thành phẩm đều được bạn hàng chấp nhận, tạo uy tín trên thị trường.
Năm 2020, Công ty xuất khẩu đạt 2 triệu USD và là đơn vị được lựa chọn “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín 2020”, được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Chè nguyên liệu ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ được đầu tư thâm canh tốt. 
Một thực tế tại Yên Bái trong những năm qua cho thấy diện tích cây chè sụt giảm gần 5.000 ha là do một phần diện tích chè già cỗi nên năng suất thấp và dân phá bỏ trồng cây khác.
Quy hoạch vùng của tỉnh thiếu đồng bộ, nông dân do chủ động về quyền sử dụng đất nông nghiệp nên thấy cây gì bán được giá là trồng và sẵn sàng phá bỏ cây cũ.
Bởi thế, cả một vùng chè xanh rộng lớn của huyện Văn Chấn trước đây, nay được trồng thay thế bởi cây ăn quả như: Cam, quýt và cây lấy gỗ lớn, nên diện tích giảm khá nhiều.
Gần đây, Yên Bái lại cho phép trồng thử nghiệm cây mắc ca vào diện tích chè Shan mật độ cao ở xã Gia Hội và cho rằng đây là cây tạo bóng mát cho cây chè.
Như vậy, việc chăm sóc, dùng thuốc BVTV cho hai loại cây ăn quả và cây lấy lá là hoàn toàn khác nhau, dễ xảy ra xung đột về sinh trưởng giữa chè và các cây khác, ảnh hưởng đến sản phẩm chế biến của cây chè.
Mặt khác, một bộ phận người làm chè chưa thực hiện nghiêm việc sử dụng thuốc BVTV; chi phí vật tư, nhân công, nguyên nhiên vật liệu tăng cao, giá bán còn thấp, thị trường tiêu thụ chưa bền vững.
Thiết bị, cơ sở hạ tầng chắp vá không đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm chủ yếu là bán thành phẩm, sản phẩm thô, không đủ khả năng xuất khẩu trực tiếp mà phải bán cho các đơn vị chế biến trong nước để đấu trộn bán cho các thị trường dễ tính, giá rẻ, kéo theo đời sống, thu nhập của người trồng chè thấp… làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây chè.
Để phát triển bền vững cây chè, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh  Nguyễn Thế Phước cho biết: “Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc quy hoạch, bảo vệ và phát triển cây chè Shan tuyết đặc sản chè theo hướng an toàn, bền vững, canh tác hữu cơ. Nâng cao giá trị hàng hóa của sản phẩm và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu chè Suối Giàng, hỗ trợ các hộ, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh chè làm giàu từ cây chè. Gắn việc bảo vệ và phát triển vùng chè với phát triển khu du lịch sinh thái của cộng đồng dân tộc Mông”.
Phát triển cơ sở hạ tầng đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch và các tiêu chí trong đề án xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tiếp tục hướng dẫn nông dân tiến hành đốn chè vào tháng 12 hàng năm, khi đốn cần tránh làm cho cành bị vỡ, dập.
Hái chè đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng “một tôm hai lá, một cá hai chừa”. Khuyến khích việc sử dụng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh vào trong sản xuất, bảo vệ chất lượng sản phẩm và xây dựng thành công các vùng chè an toàn VietGAP và hữu cơ.
Kỹ sư Phạm Đình Vinh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV – người gắn bó lâu năm với cây chè trăn trở: “Để nâng cao giá trị sản phẩm chè, cần nâng cao năng suất, chất lượng chè búp tươi; phát triển bền vững các mối quan hệ giữa trồng chè, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bảo đảm an toàn thực phẩm khâu chế biến; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; tiếp tục làm tốt việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và sở hữu trí tuệ; phấn đấu 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng tỷ lệ sản phẩm chè xanh, chè đặc sản, giảm tỷ trọng sản phẩm chè đen.
                                                                                      Nguồn Báo Yên Bái