Yên Bái: Ngành chăn nuôi gặp “khó khăn kép”

0
602

Tổng đàn lợn của Yên Bái hiện có khoảng hơn 618.500 con, đàn gia cầm trên 6,2 triệu con. Tuy nhiên, giá lợn giống và nhất là thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 8 đợt liên tiếp từ cuối năm 2020 đến nay, mức tăng trung bình từ 10 đến 15%/đợt, cộng với người chăn nuôi phải chi phí cho vắc-xin, thuê nhân công, vật tư phòng dịch… khiến người chăn nuôi và ngành chăn nuôi đang gặp “khó khăn kép”.

Chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đang phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

 

 

Sau ảnh hưởng bởi bệnh, gia đình anh Nguyễn Văn Trọng, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn quyết định tái đàn. Nếu như trước đây, gia đình anh duy trì tổng đàn khoảng 50 con/lứa thì nay giảm còn 20 con/lứa và 5 con lợn nái.
Anh Trọng giãi bày: “Lợn giống không khan hiếm nhưng giá tăng so với trước đây, khoảng từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/con (từ 7 – 10 kg); giá lợn hơi có xu hướng giảm mạnh (hiện nay khoảng 62.000 đồng/kg) thì giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao khiến gia đình tôi cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác chỉ dám nuôi cầm chừng, không tăng số lượng đàn để tránh thua lỗ”.
Anh tính toán, mỗi con lợn từ khi bắt đầu nuôi đến khi xuất chuồng khoảng 6 tháng, tổng trọng lượng hơn 1 tạ, ăn hết hơn 9 bao cám. Với giá thức ăn như hiện nay sẽ chi phí hơn 3 triệu đồng, cộng với tiền giống khoảng 2,5 triệu đồng và các chi phí khác như tiêm vắc-xin, thuốc phòng bệnh, điện, nước… thì tổng chi phí khi xuất chuồng khoảng 6 triệu đồng. Giá bán khoảng 62.000 đồng/kg thì lợi nhuận không đáng kể, thậm chí thua lỗ.
Giá thức ăn tăng cao, người chăn nuôi dè dặt khi tái đàn.
Khảo sát tại các đại lý thức ăn chăn nuôi cho thấy, từ cuối năm 2020 đến nay, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 30% so với trước. Theo chị Nguyễn Thị Thảo – chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi như Công ty CP BB Sun Việt Nam, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Tập đoàn ADM, Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Vina… đồng loạt tăng giá bán, nguyên nhân đưa ra là giá nguyên liệu đầu vào tăng. Vì vậy, các cửa hàng bán lẻ cũng phải điều chỉnh tăng giá bán, tuy nhiên, chỉ tăng giá nhẹ, chấp nhận lợi nhuận ít để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.
Đến thời điểm này, mức chênh lệch đã lên đến hơn 45.000 – 50.000 đồng/bao (loại 25kg). Cũng theo chị Thảo, đã nhiều tháng nay, mức tiêu thụ sản phẩm đã giảm 50% so với trước, lượng hàng nhập về dù không bị hạn chế về số lượng, nhưng phía nhà phân phối yêu cầu phải đăng ký trước khoảng một tuần thì mới có hàng. Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá của các loại thịt gia súc, gia cầm, trứng giảm, khiến người chăn nuôi thua lỗ.
Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi tăng là do nguyên liệu đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, nước ta vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đang phải phụ thuộc tới 80% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ, EU, Nga…
Đây là khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, nên khâu kiểm soát khắt khe, thậm chí có thời điểm phải tạm dừng hoạt động khiến chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Ngoài ra, chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu vận tải biển và container.
Với thực trạng này, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên, tiếp đến là người chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Theo dự báo của ngành nông nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng, do vậy các sở, ngành, các địa phương cần có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi về vốn đầu tư, tạo điều kiện về đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng thương lái ép giá.
                                                                                                         Theo Báo Yên Bái