Yên Bái: Hợp tác xã – “trụ đỡ” cho kinh tế hộ

0
201

Từ khi hoạt động theo Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, các HTX đã phát huy hiệu quả trong việc đổi thay nếp nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết “4 nhà”, đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định, phát huy vai trò “trụ đỡ” cho kinh tế hộ.

Các thành viên HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông, lâm nghiệp Lâm Giang thu hoạch củ cải trắng.

Các thành viên HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông, lâm nghiệp Lâm Giang thu hoạch củ cải trắng.

 

 

Được thành lập cuối năm 2020, với ngành nghề chính là trồng củ cải trắng và nuôi ong lấy mật, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, HTX Sản xuất kinh doanh (SXKD) dịch vụ nông – lâm nghiệp Lâm Giang (viết tắt là HTX Lâm Giang) đã khẳng định được vai trò “trụ đỡ” cho các thành viên. Hiện nay, HTX có 15 thành viên, với thu nhập gần 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trương Công Thức – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX cho biết: “Hiện, HTX có 10 sào đất để trồng giống rau củ cải Hàn Quốc. Theo tính toán, một sào thu được 2,5 tấn củ cải với giá trung bình 3.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí HTX thu về 5,5 triệu đồng. Như vậy, với 10 sào củ cải HTX có lãi 55 triệu đồng/vụ; tổng cộng 4 vụ/năm, mỗi năm lãi 220 triệu đồng”.
Hiện, toàn bộ sản phẩm củ cải trắng sau thu hoạch của HTX đã được Cơ sở rau củ quả Đức Thủy, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội bao tiêu.
Cùng đó, HTX tận dụng diện tích rừng tự nhiên và 28 ha nhãn trên địa bàn xã để đầu tư nuôi ong lấy mật và ong giống. Mỗi năm thu nhập từ nuôi ong lấy mật và ong giống sau khi trừ chi phí, HTX thu lợi là 480 triệu đồng. Mô hình trồng củ cải trắng và nuôi ong lấy mật của HTX Lâm Giang đã góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, khơi dậy tính tự chủ, liên kết làm kinh tế của các thành viên.
Tại huyện Trấn Yên, HTX Cây ăn quả Hưng Thịnh chính thức được thành lập, đi vào hoạt động với 12 thành viên. Các thành viên đã liên kết với nhau sản xuất sản phẩm bảo đảm chất lượng, hiệu quả kinh tế cao trên diện tích 36 ha; trong đó, có 15 ha bưởi Diễn, 5 ha chanh và 16 ha quýt Đường canh. HTX hiện có 2 sản phẩm là quýt Đường canh, bưởi Diễn đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao.
Bình quân mỗi năm HTX thu trên 300 tấn quả các loại, thu nhập trung bình của mỗi thành viên ước đạt trên 200 triệu đồng/năm. Thời gian tới, HTX có hướng phát triển thêm thành viên và đưa toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX cũng như một số hộ lân cận trồng theo quy trình VietGAP để giữ vững uy tín trên thị trường.
Toàn tỉnh hiện có trên 5.640 tổ hợp tác và trên 580 HTX; trong đó, có tới trên 350 HTX nông – lâm nghiệp thủy sản, chiếm 60,3% tổng số HTX, tăng 15,8% so với năm 2020. Tổng số thành viên gần 8.500 người; số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 5.200 người, doanh thu bình quân của HTX khoảng 1,5 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân đạt khoảng 350 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân đạt 4,5 – 5,0 triệu đồng/người/tháng.
Thực tế cho thấy, từ khi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, các HTX đã phát huy hiệu quả trong việc đổi thay nếp nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết “4 nhà”, đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định.
Nhiều HTX đã chủ động tổ chức tốt các hoạt động SXKD. Toàn tỉnh có trên 50% các HTX trong lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp hoạt động hiệu quả do nắm bắt được thị trường và lợi thế địa phương để tổ chức SXKD, chủ yếu là các HTX trồng và chế biến nông lâm sản.
Các HTX chủ động liên kết với các doanh nghiệp đầu tư, trang bị máy móc, đào tạo kỹ thuật chế biến và bao tiêu sản phẩm cho HTX. Một số sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài, tiêu biểu như sản phẩm chè của HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, huyện Văn Chấn; HTX chè Tân Hương, huyện Yên Bình; sản phẩm măng tre Bát độ của HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, huyện Trấn Yên; sản phẩm quế vỏ và tinh dầu quế của HTX Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Công Tâm, huyện Văn Yên…
Có thể khẳng định, các HTX đang là mô hình tổ chức kinh tế phù hợp, góp phần giải quyết nhiều hạn chế của kinh tế hộ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại chỗ, thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương.
Đặc biệt, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), các HTX, tổ hợp tác đang là những nhân tố tích cực nhất tại mỗi địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Theo ông Đỗ Nhân Đạo – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: “Nhiều HTX nông lâm nghiệp đã làm tốt vai trò trụ đỡ trong liên kết tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên. Từ đó, thúc đẩy hình thành các mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với những sản phẩm chủ lực, có quy mô lớn và có sức lan tỏa, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự tăng trưởng kinh tế – xã hội của tỉnh”.
Theo Báo Yên Bái