Theo Báo Cáo của tổ chức Liên Minh Hợp Tác Xã Quốc Tế (ICA), doanh thu của ba trăm hợp tác xã lớn nhất thế giới năm 2008 là 1.600 tỉ $,
Theo tính toán của ICA dựa trên báo tài chính hàng năm của các hợp tác xã, con số trên sánh ngang với GDP của nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới.
Được đưa ra tại buổi chiêu đãi sau khi Liên Hiệp Quốc phát động Năm Quốc Tế Hợp Tác Xã, bản báo cáo cho biết tập đoàn tín dụng nông nghiệp Crédit Agricole Group là hợp tác xã lớn nhất thế giới, một tập đoàn ngân hàng bán lẻ lớn nhất ở Pháp, đã đạt doanh thu 103,58 tỉ. Một ngân hàng khác của Pháp, Groupe Caisse D’Epargne, tiếp bước với doanh thu 58,54 tỉ $.
Chủ tịch ICA, Dame Pauline Green nói: “Sự đa dạng và vững vàng của mô hình hợp tác xã xuất phát từ các nguyên tắc và giá trị của nó. Điều đó cho thấy vì sao các hợp tác xã đã luôn vững mạnh trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tạo ra việc làm cho hơn 100 triệu người khắp thế giới, tạo điều kiện cho xã hội phát triển thịnh vượng bên trong các nền kinh tế có tính cạnh tranh nhất thế giới.”
Bản báo cáo chia các hợp tác xã thành bảy lĩnh vực – Nông/Lâm, Ngân hàng/Tín dụng, Tiêu dùng/Bán lẻ, Bảo hiểm, Công nhân/Công nghiệp, Sức khỏe và Tiện ích và các Lĩnh vực khác. Bản báo cáo đưa ra các chi tiết cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã ảnh hưởng đến từng ngành như thế nào, và trong khi các hợp tác xã không phải là miễn nhiễm với các khó khăn tài chính thì tính linh hoạt của nó đã đáp ứng được các thị trường đang chuyển dịch và sự tin cậy của các thành viên đã giúp cho các loại hình doanh nghiệp này tồn tại và lớn mạnh.
Charles Gould, Tổng Giám Đốc ICA, nói tiếp: “Một số người nghĩ hợp tác xã là các doanh nghiệp nhỏ, có tính chất địa phương và trong nhiều trường hợp điều đó đúng. Nhưng có một số hợp tác xã là doanh nghiệp lớn tầm cở quốc gia hay khu vực trong khi một số khác là khổng lồ với hoạt động toàn cầu trị giá hàng tỉ USD. Cộng lại, khoảng một tỉ người có quan hệ với các hợp tác xã trong một vai trò nào đó như thành viên/khách hàng hay nhân viên/nhà cung cấp hay cả hai.
“Đó là một sức mạnh to lớn được liên kết lại đằng sau một triết lý kinh doanh độc đáo. Trong khi các công ty lớn đánh nhau để giành thị phần thì các hợp tác xã tiếp tục phát triển đều đặn, lợi ích toàn diện của nhiều người trên khắp thế giới được nâng cao, luôn giữ tinh thần đoàn kết chứ không bóc lột nhau vì các mục tiêu ích kỷ. Mọi người gắn bó với những phương cách kinh doanh lành mạnh, những hoạt động hữu ích và cách cạnh tranh nghiêm túc.”
Phần doanh thu lớn nhất của nhóm 300 Hợp Tác Xã hàng đầu thế giới thuộc về nước Pháp với 28%, kế đó là Mỹ với 16%, Đức 14%, Nhật 8%, Hà Lan 7%, Anh 4%, Thụy Sĩ 3,5%, Ý 2,5%, Phần Lan 2,5%, Hàn Quốc 2% và Canada 1,75%.
Nông nghiệp và lâm nghiệp
Nông lâm nghiệp là lĩnh vực lớn nhất với doanh thu 472 tỉ $, chiếm 28,85%, trong đó nước Nhật có doanh thu gần 110 tỉ $ do Liên Hiệp Xã Zen-Noh (Liên Hiệp Quốc Giá các Hợp Tác Xã Nông Nghiệp) và Zenkyoren tạo ra, chiếm hai vị trí đầu lĩnh vực này.
Theo Ông Won-Byung Choi, chủ tịch Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Quốc Tế (ICAO), cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đánh mạnh vào nông nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp. Người tiêu dùng khắp thế giới mua ít đi các nông sản cơ bản vì giá lương thực tăng cao, ngành chăn nuôi điêu đứng với giá thức ăn gia súc đắt đỏ còn hợp tác xã thì chịu cảnh thiếu vốn và giảm cơ hội kinh doanh.
Ngoài khủng hoảng tài chính, dấu hiệu càng lúc càng rõ hơn về biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến nông nghiệp, đặc biệt là người sản xuất. Hạn hán ở nhiều vùng như Nga và Nam Mỹ đã làm giảm đáng kể sản lượng lương thực, dẫn đến việc tăng giá và cấm xuất khẩu ngũ cốc. Lụt lội, lở đất ở nhiều vùng đã lấy đi sinh mạng của nhiều nông dân và tàn phá đất đai của họ.
Ông Won-Byung Choi cũng nêu ra thách thức mà các hiệp ước thương mại đặt ra cho các nông dân nhỏ. Ông nói “Lý thuyết thương mại không áp dụng vào nông nghiệp, một lĩnh vực an ninh sống còn đối với nhiều quốc gia. Hợp tác xã chính là một cách lựa chọn khác để giảm nhẹ tác động tiêu cực của thị trường tự do”. Ông còn nói thêm rằng ICAO sẽ hành động đặc biệt tích cực trong vai trò đại diện cho các hợp tác xã cũng như để đẩy mạnh sự phát triển của hợp tác xã.
Ngân hàng và các Liên đoàn Tín dụng
Ngân hàng và các Liên đoàn Tín dụng có doanh thu 430 tỉ $, chiếm 26,27%. Nước Pháp thống lĩnh với tổng doanh thu 248 tỉ $ thông qua bốn hợp tác xã Crédit Agricole Group (103,58 tỉ); Groupe Caisse D’Epargne (58,54 tỉ); Confédération Nationale du Crédit Mutuel (56,69 tỉ); và Groupe Banques Populaires France (29,39 tỉ).
Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các ngân hàng hợp tác xã đã bảo đảm được sự ổn định và an toàn tài chính cho hàng triệu người vì mô hình ngân hàng hợp tác xã không chú trọng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà thay vào đó là cung ứng các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho các thành viên.
Theo Ông Jean-Louis Bancel, Chủ tịch của ICBA – Hiệp Hội các Ngân Hàng Hợp Tác Xã Quốc Tế (một tổ chức thuộc lĩnh vực ngân hàng của ICA) – điều đó có được là nhờ các ngân hàng hợp tác xã có tầm nhìn dài hạn và không dựa vào thị trường tài chính để huy động vốn. Mô hình này dựa vào cách quản lý dân chủ, sự tham gia của thành viên, gần gủi với địa phương và thỏa mãn được các thành viên cũng như quyền lợi của khách hàng.
Ông Jean-Louis Bancel cũng cho biết là cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua cho thấy mô hình kinh doanh của các ngân hàng hợp tác xã đã tỏ ra phù hợp và xác đáng hơn bao giờ hết. Năm quốc tế hợp tác xã 2012 là cơ hội để ICBA quảng bá trên phạm vi toàn cầu rằng mô hình ngân hàng hợp tác xã chính là một đóng góp quan trọng vào sự thịnh vượng về kinh tế và xã hội của nhiều người và các cộng đồng của họ.
Tiêu dùng/Bán lẻ
Lĩnh vực Tiêu dùng/Bán lẻ của phong trào chiếm 21,6% doanh thu của 300 Hợp tác xã lớn nhất thế giới với doanh số tổng cộng là 354 tỉ $. Các hợp tác xã tiêu dùng chính hoạt động xuyên Châu Âu với Tập đoàn ReWe Group của Đức (49,6 tỉ $) và siêu thị bán lẻ khổng lồ E. Leclerc của Pháp (48,3 tỉ $) dẫn đầu lĩnh vực này.
Về các thách thức đối mặt với các hợp tác xã tiêu dùng, Ông Rodrigo Gouveia, Tổng thư ký của EURO COOP, cho rằng cần củng cố khu vực này bằng cách sáp nhập các hợp tác xã tiêu dùng lại với nhau, hoặc hợp tác xã mua lại các nhản hiệu tư nhân. Ông nói: “ Các hợp tác xã tiêu dùng là những doanh nghiệp do người tiêu dùng làm chủ, được quản lý dân chủ và hướng đến việc phục vụ các nhu cầu và ước vọng của các xã viên. Phải nhấn mạnh những tính chất khác biệt của hợp tác xã xét về các mặt giá trị, nguyên tắc hoạt động và đạo đức thực hành cho nhà cung cấp và người tiêu dùng thấy.”
Các hợp tác xã chăm sóc sức khỏe
Các hợp tác xã chăm sóc sức khỏe chiếm 1,65 phần trăm doanh thu của 300 Hợp tác xã lớn nhất thế giới, với doanh số 27 tỉ USD được tạo ra từ các hợp tác xã VGZ-IZA-Trias ở Hà Lan (12,3 tỉ USD); CZ, ở Hà Lan (7,34 tỉ USD); HealthPartners, ở Hoa Kỳ (3,03 tỉ USD); Group Health Cooperative Puget Sound, ở Hoa Kỳ (2,77 tỉ USD); Heartland Co-op, ở Hoa Kỳ (0,79 tỉ USD); và PAX Holding, ở Thụy Sĩ (0,72 tỉ USD).
Theo tiến sĩ José Carlos Guisado, chủ tịch Liên hiệp các hợp tác xã chăm sóc sức khỏe quốc tế IHCO, một trong những thách thức mà các hợp tác xã sức khỏe phải đối mặt là các công thức thiết kế và thực hiện để liên kết với các hệ thông y tế quốc gia. Ông nói : “Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, chi phí y tế công cộng là gánh nặng rất lớn đối với các chính phủ và trong một số trường hợp khó có thể bảo đảm tính bền vững của hệ thống này. Tình thế đó mở ra cánh cửa để các hợp tác xã sức khỏe hoạt động với tư cách bổ sung hay thay thế cho hệ thông y tê công cộng tùy tình hình cụ thể; tuy nhiên, ngành lập pháp phải có cảnh báo để người dân tham gia vào các hợp tác xã và đẩy mạnh mô hình doanh nghiệp hợp tác xã này.”
Bảo hiểm
Khu vực bảo hiểm chiếm 6,38% doanh thu của 300 Hợp tác xã lớn nhất thế giới với 102,07 tỉ USD. Eureko, Hà Lan có doanh số lớn nhất với 28,39 tỉ USD, tiếp đó là Nationwide Mutual Insurance Company của Hoa Kỳ với 26,42 tỉ USD; các vị trí kế tiếp là Groupama ở Pháp với 21,72 tỉ USD, R+V Versicherung AG ở Đức với 13,90 tỉ USD, và Debeka Group ở Đức với 11,64 tỉ USD.
Liên đoàn quốc tế các hợp tác xã và doanh nghiệp hỗ tương về bảo hiểm ICMIF là tổ chức phụ trách việc xuất bản các Báo cáo về 500 doanh nghiệp hỗ tương và hợp tác xã bảo hiểm. Báo cáo này bao gồm nhiều đơn vị hỗ tương không nằm trong 300 hợp tác xã lớn nhất thế giới vì ICA chỉ tính đến những hợp tác xã và doanh nghiệp hỗ tương về bảo hiểm có nguyên tắc hoạt động và các giá trị phù hợp với ICA.
Shaun Tarbuck, Tổng giám đốc của ICMIF, cho biết là trong năm 2008 lần đầu tiên các doanh nghiệp hỗ tương và hợp tác xã thuộc lĩnh vực bảo hiểm đã ghi được doanh số bảo hiểm trên 1.000 tỉ USD, đưa thị phần của tổ chức này lên 24% doanh thu bảo hiểm thế giới (22% là bảo hiểm nhân thọ và 27% là bảo hiểm phi nhân thọ). Ba doanh nghiệp hỗ tương/hợp tác xã phát triển mạnh nhất đều là thành viên của ICMIF. Shaun Tarbuck nói :“Nếu coi ICMIF là một tổ chức cổ động cho những phương cách hoạt động tốt nhất và luôn phấn đấu nâng cao các tiêu chuẩn thì đây là một kết quả rất tích cực, nó cho thấy các doanh nghiệp hỗ tương/hợp tác xã có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh thông qua ICMIF, thực hiện sứ mệnh ‘vươn ra toàn cầu bằng sức mạnh địa phương’”.
Các hợp tác xã của Công nhân, Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp và Người sản xuất dịch vụ
Các hợp tác xã của Công nhân, Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp và Người sản xuất dịch vụ đã tạo ra doanh số 35 tỉ USD thông qua năm hợp tác xã, chiếm 2,16% doanh thu của 300 Hợp tác xã lớn nhất thế giới. Năm hợp tác xã thuộc khu vực này là Mondragon Corporation ở Tây Ban Nha với 23,34 tỉ USD, Gedex (Gedimat) ở Pháp với 2,84 tỉ USD, PROMAFRANCE (Bigmat) ở Pháp với 1,95 tỉ USD, Consorzio Cooperative Costruzioni ở Italy với 1.7 tỉ USD, SACMI ở Italy với 1.63 tỉ USD.
Đối với các hợp tác xã, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng bất ngờ như đối với các doanh nghiệp khác trên toàn thế giới. Vài hợp tác xã trong khu vực xây dựng chẳng hạn, đã không cảm nhận được tác động của sự suy thoái mãi đến một năm sau khi nguồn cung cấp cho các dự án mới bị khô cạn chủ yếu do thâm hụt ngân sách nhà nước. Bruno Roelants, Tổng Thư Ký CICOPA, một tổ chức trực thuộc ICA, đã nói: “Các hợp tác xã đã tỏ ra khéo léo hơn, đã được vũ trang tốt hơn để đương đầu với các yếu tố lạ và bất ngờ.”
Cấu trúc của các hợp tác xã làm cho việc triệu tập những người chủ – cũng là những người lao động – được nhanh chóng và nhờ thế đi đến các quyết định cần thiết để phản ứng một cách linh hoạt trước một môi trường tài chính đang thay đổi. Nhờ đó, xét về hoạt động kinh doanh và cung cấp việc làm, các hợp tác xã dịch vụ và hợp tác xã công nghiệp toàn thế giới tỏ ra kiên cường hơn so với các doanh nghiệp khác có cùng tầm cở, cùng quốc gia và cùng lĩnh vực.
Nguồn: ICA