3 giải pháp phát triển kinh tế tập thể

0
198
Con đường duy nhất của kinh tế hộ
Bằng những nghiên cứu khoa học, thực tiễn, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, chuyên gia chính sách, Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã có những kiến giải để phát triển kinh tế tập thể ở Việt Nam.
Trước hết phải thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế thời gian qua, thực tiễn cho thấy: so với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tập thể ở Việt Nam chưa thực sự cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân như mong đợi.
Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương vừa mới ban hành đã chỉ rõ nguyên nhân đầu tiên trong các nguyên nhân của tình trạng yếu kém này là: “Nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ, thiếu thống nhất”.
Từ đó dẫn đến “việc tổng kết lý luận và thực tiễn về kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa kịp thời; khung khổ pháp lý trong đó có Luật Hợp tác xã còn nhiều vướng mắc, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán,…”. Sau “sự đổ vỡ toàn diện” của mô hình kinh tế tập thể kiểu cũ, một giai đoạn dài, mô hình kinh tế tập thể phù hợp với nền kinh tế thị trường không thực sự được chú trọng xây dựng.
Để cùng nhau nhìn nhận lại vai trò thực sự của kinh tế tập thể, đòi hỏi sự thay đổi tư duy, nhận thức, không phải của riêng người nông dân, cán bộ địa phương mà tất cả các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo.
Kinh tế hộ là lực lượng đem lại nền tảng cho kinh tế Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh.
Kinh tế hộ là lực lượng đem lại nền tảng cho kinh tế Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh.
Từ trước đến nay, mỗi khi nói đến phát triển kinh tế, mọi người thường nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp lớn,… nhưng cho đến nay, nền móng của nền kinh tế, điểm xuất phát của mọi thành phần kinh tế chính là kinh tế hộ, lực lượng kinh tế to lớn nhất đang đem lại sức mạnh nền tảng cho kinh tế Việt Nam.
Với 5,1 triệu hộ kinh doanh, thành phần kinh tế này đã làm ra của cải để đóng góp hơn 30% GDP, tạo ra gần 45% việc làm toàn xã hội, đóng góp của lực lượng kín tiếng này nhiều hơn khối doanh nghiệp FDI, nhiều hơn doanh nghiệp Nhà nước, nhiều hơn cả doanh nghiệp tư nhân. Thành tựu to lớn của lĩnh vực nông nghiệp về an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, ổn định chính trị xã hội,… cũng dựa chủ yếu trên sự đóng góp của 8,6 triệu hộ nông lâm ngư nghiệp.
Tất cả lực lượng quan trọng này xưa nay, vẫn chủ yếu hoạt động và phát triển một cách “tự phát”, nhỏ, lẻ. Trước đây trong quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa họ bị coi là đối tượng phải thay đổi, phải quản lý, hiện nay, trong quá trình công nghiệp hóa đô thị hóa vẫn dễ bị coi là lực lượng sẽ tiêu biến, sẽ chuyển đổi. “Quá trình lột xác” tất yếu diễn ra là số lượng hộ các hộ nhỏ ít đi, đưa người ra, tham gia vào các ngành nghề phi nông nghiệp, số còn lại có thể tích tụ quy mô, công nghệ,… khởi nghiệp thành doanh nghiệp nhỏ, rồi doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn.
Với hàng chục triệu đơn vị nhỏ lẻ, ít có điều kiện để tự tích lũy tái sản xuất mở rộng thì quá trình tiến hóa tự nhiên trên trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu quyết liệt, biến đổi khí hậu mạnh mẽ không thể diễn ra ổn định và hiệu quả nếu chỉ dựa trên sự can thiệp điều hành của Nhà nước hay quy luật tự nhiên của kinh tế thị trường. Bài học chung của các quốc gia phát triển thành công cho thấy cánh cửa mở ra cơ hội và cây cầu bắc tới tương lai duy nhất cho kinh tế hộ phải là kinh tế tập thể. Đây là giải pháp khoan sức cho dân, tích lũy nội lực hiệu quả nhất.
Mở đường và nâng đỡ kinh tế hộ là vai trò tối quan trọng của kinh tế tập thể. Ảnh: Hoàng Vũ.
Mở đường và nâng đỡ kinh tế hộ là vai trò tối quan trọng của kinh tế tập thể. Ảnh: Hoàng Vũ.
Hai nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và khó khăn là tạo điều kiện tích lũy cũng như chuyển đổi các tổ chức sản xuất kinh doanh từ kinh tế hộ sang doanh nghiệp để hình thành một nền kinh tế phi nông nghiệp là chính và điều hành quá trình chuyển đổi xã hội, môi trường của đa số nông dân từ nông thôn thành đô thị trong một thời gian ngắn chỉ có thể diễn ra khi giai cấp nông dân trở thành một giai cấp tự giác nhờ được tổ chức lại trong các loại hình kinh tế tập thể và các tổ chức cộng đồng.
Để đạt tới mục tiêu Việt Nam cường thịnh vào năm 2045, thì phải đảm bảo điều kiện để chuyển gần 25 triệu người đang sống ở nông thôn năm 2020 sang có được sinh kế và cuộc sống đô thị sau 25 năm. Mọi khát vọng về kinh tế công nghiệp, dịch vụ, tri thức… tương lai đều phải bắt nguồn từ bước tổ chức huy động tài nguyên để từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đồng có khả năng tích lũy từ nông nghiệp và lao động hôm nay trước khi tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt và xã hội già đi.
Mở đường và nâng đỡ kinh tế hộ là vai trò tối quan trọng của kinh tế tập thể. Con đường đi lên đó phải được xác định. Kinh tế tập thể  phải trở thành cánh cửa mở ra cơ hội phát triển, trở thành cây cầu để bắc qua khoảng cách ngăn trở cho kinh tế hộ. “Cây cầu” đó sẽ kết nối nền kinh tế nông nghiệp, xã hội nông thôn với nền kinh tế công nghiệp, xã hội đô thị của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta phải khẳng định rõ ràng điều này.
Một nhiệm vụ quan trọng khác của kinh tế tập thể  là chuyển đội ngũ lao động “phi chính thức” đông đảo hiện nay thành “chính thức”. Lực lượng này không có hợp đồng, không có bảo hiểm, không có chế độ bảo vệ… Theo thống kê, Việt Nam hiện có 18 -19 triệu lao động phi chính thức, nghĩa là gần 60% tổng số lao động chiếm ba phần tư việc làm của cả nền kinh tế. Đa số lực lượng lao động này làm việc trong trong kinh tế hộ. Bài học thành công nhất trên thế giới là phát triển kinh tế tập thể để chính thức hóa lao động phi chính thức.
Bảo vệ quyền lợi cho đại đa số những “cây súng trong chiến tranh, lá phiếu trong hòa bình, bàn tay giữ gìn môi trường” vừa là cách đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình công nghiệp hóa, vừa là nhiệm vụ yên dân vô cùng quan trọng trong bối cảnh thế giới biến động; là giải pháp huy động nguồn lực con người quý báu nhất của đất nước khi các nguồn lực tự nhiên khác đang đi đến giới hạn. Chỉ khi nào xác định rõ được vai trò, vị trí của kinh tế tập thể đối với sự phát triển của đất nước mới có thể bàn về giải pháp.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn và 3 giải pháp phát triển kinh tế tập thể. Ảnh: Tùng Đinh.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn và 3 giải pháp phát triển kinh tế tập thể. Ảnh: Tùng Đinh.
3 giải pháp phát triển
Bất kỳ một nền kinh tế nông nghiệp, một quốc gia đang phát triển nào cũng đều phải đương đầu với nhiều hạn chế, yếu kém của kinh tế tập thể… Khoảng cách rất lớn về kinh tế như thiếu vốn, thiếu đất đai, thiếu khoa học công nghệ, thiếu kỹ năng, thiếu thị trường…, rào cản xã hội về lao động di cư, lao động phi chính thức, về hạn chế cư trú đô thị, về phát triển cộng đồng nông thôn… đòi hỏi phải có các chính sách và đổi mới cơ chế, tổ chức đủ sức đột phá, vượt qua được những cản trở trên thì mới có thể tích lũy nội lực, tạo sức mạnh bên trong của nền kinh tế thực quốc dân.
Sức mạnh trên là nền tảng phát triển kinh tế quyết định mà vốn đầu tư nước ngoài, nguồn khoa học công nghệ, thị trường quốc tế rộng mở  không thể một mình làm được. Muốn tạo được sức mạnh đó, tổ chức kinh tế tập thể trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải tạo ra được vị thế, quyền lực cho giai cấp lao động lớn nhất đất nước hôm nay, chủ động thay đổi mình thành giai cấp trí thức, công nhân kỹ thuật, doanh nhân,… mở đường cho cư dân nông thôn đi vào tương lai.
Tôi nghĩ thế này, một khi đã nhận thức được vai trò của kinh tế tập thể là nền tảng, bệ đỡ, bệ phóng của kinh tế hộ thì cũng cần xác định rằng không có một nhà nước nào dù giàu có đến đâu, không có những doanh nghiệp mạnh mẽ đến đâu, không có tổ chức quốc tế nào dù nhiệt tình đến đâu để có thể viện trợ, đầu tư, trợ cấp cho cả một khối đông hàng chục triệu hộ nông dân phát triển đi lên được.
Có ba giải pháp để từng bước một đẩy mạnh kinh tế tập thể: 1 là mở ra cơ hội phát triển bình đẳng; 2 là nâng cao năng lực, quyền lực, cho tổ chức kinh tế tập thể; 3 là tham gia cung cấp dịch vụ công.
Cụ thể, kinh tế tập thể phải mở cánh cửa cơ hội thị trường hàng hóa và dịch vụ, tiếp cận tài nguyên cơ bản, thông tin cần thiết cho kinh tế hộ. Chính sách hỗ trợ, nguồn lực đầu tư phải đảm bảo bình đẳng giữa đô thị và nông thôn, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế với nhau.
Xưa nay vấn đề năng lực kinh tế tập thể thường được quy về việc đào tạo, dạy nghề. Mỗi ngành, địa phương, tổ chức,… đều xin chính sách, xin quỹ đào tạo, mở trường mở lớp… Thực tế là tiền đưa cho thầy, cho trường và cấp bằng, chứng chỉ là xong còn nhu cầu thực sự thế nào, học cái gì, ứng dụng vào thực tiễn thế nào chưa thực sự được chú trọng. Đặc biệt đào tạo lực lượng quản lý, lãnh đạo trong hợp tác xã. Thiếu nhất người lãnh đạo có tâm, có tầm, có trình độ, tổ chức sản xuất còn khó nói gì đến đương đầu với chủ thầu, doanh nghiệp…
Lãnh đạo tổ chức kinh tế tập thể phải là “thủ lĩnh cộng đồng” được nhân dân tín nhiệm vì giỏi dang, đức độ, đáng tin cậy và có trách nhiệm. Ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Israel… có nhiều trường chuyên đào tạo, mục đích nhằm làm sao mỗi cộng đồng, tổ chức phải có những người lãnh đạo cộng đồng như vậy. Toàn bộ tiền đào tạo, nâng cao năng lực từ lãnh đạo đến nhân viên đều được giao cho kinh tế tập thể, giao cho cộng đồng. Người chủ sẽ biết nên đào tạo cái gì, học cái gì, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.
Khi quyền lực và lợi ích của hợp tác xã được nâng lên thì không ai là không muốn tham gia. Ảnh: Hoàng Vũ.
hi quyền lực và lợi ích của hợp tác xã được nâng lên thì không ai là không muốn tham gia. Ảnh: Hoàng Vũ.
Bài học thành công của chính sách Khoán 10 và Chỉ thị 100 không phải nhờ ngân sách Nhà nước chia cho dân mà là nhờ trao quyền cho người dân sử dụng đất, sử dụng tư liệu sản xuất, tự do bán nông sản làm ra… Vậy thì với giai đoạn này nhiều người sẽ hỏi, người nông dân cần cái gì, thiếu cái gì? Vẫn là thị trường, là vốn, là đất đai… những vấn đề căn bản vẫn là trao quyền quản lý và sử dụng  cho người dân thông qua kinh tế tập thể.  Và tổ chức kinh tế tập thể mới khác với tổ chức  hợp tác xã cũ là hoàn toàn thuộc quyền quản lý của nhân dân, do dân bầu, do dân đóng góp.
Bài học phát triển kinh tế tập thể ở các quốc gia thành công gắn với cho giao quyền cho vay tín dụng, thậm chí một số quốc gia ở Đông Bắc Á đã giao Ngân hàng NN-PTNT cho các hợp tác xã. Tiếp đến là một số dịch vụ công như khuyến nông, các dịch vụ quản lý, phân phối đầu vào, đầu ra khác. Như vậy thì quyền lực của người nông dân, của hợp tác xã, kinh tế tập thể là rất mạnh. Người nông dân có quyền giám sát các doanh nghiệp bán vật tư đầu vào, giá cả, chất lượng ra sao, có quyền kiểm soát đầu ra bằng việc liên kết với các chuỗi siêu thị bán hàng giá gốc. Khi quyền lực và lợi ích của hợp tác xã được nâng lên như thế thì không ai là không muốn tham gia cả.
Bản chất của kinh tế tập thể là cộng đồng
Nghị quyết 20 lần này cũng đề cập đến vấn đề thử nghiệm giao việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các tổ chức kinh tế tập thể, xác định các tổ chức kinh tế tập thể là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân… Tôi cho rằng quan điểm này hết sức tuyệt vời và ở các nước phát triển họ cũng đã làm. Đây là bước tiến rất quan trọng để hợp tác xã có tài sản, có đất đai, có thêm nhiều dịch vụ, có lợi nhuận…. Sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã là thông qua những hoạt động đó chứ không phải bằng cách chia chính sách hỗ trợ. Để làm sao hợp tác xã bước vào “cuộc chơi” thị trường phải có sức mạnh tương đương, thậm chí phải mạnh hơn các hình thái kinh tế khác thì hộ nông dân mới có thể dựa vào đó để tiến lên.
Kinh tế tập thể giữ vai trò bổ sung cho sức mạnh của Nhà nước, của thị trường. Ảnh: Tùng Đinh.
Kinh tế tập thể giữ vai trò bổ sung cho sức mạnh của Nhà nước, của thị trường. Ảnh: Tùng Đinh.
Điều cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh, quay trở lại với bản chất của hợp tác xã, của kinh tế tập thể là cộng đồng. Kinh tế tập thể không phải chỉ là cánh tay nối dài của nhà nước, không phải chỉ là đối trọng với các thành phần kinh tế khác trong kinh tế thị trường. Kinh tế tập thể giữ vai trò bổ sung cho sức mạnh của nhà nước, của thị trường, huy động lòng yêu thương, sự tin cậy, hỗ trợ đùm bọc lẫn nhau của loài người và đây chính là sức mạnh tuyệt đối của kinh tế tập thể, của hợp tác xã, của cộng đồng cho phép thực hiện sứ mệnh đặc biệt của nó trong quá trình phát triển.
Theo Cổng TTĐT Liên minh HTX Việt Nam