Bán hàng không niêm yết giá và bài học trong kinh doanh cho HTX

0
179

Bán hàng không niêm yết giá, bán tùy hứng là cách bán hàng truyền thống, chỉ phù hợp với môi trường chợ, cửa hàng truyền thống. Đối với các HTX, doanh nghiệp nhỏ, nếu xác định kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp cần niêm yết giá và thực hiện bán hàng theo giá niêm yết để hạn chế những hậu quả không mong muốn.

 

Ngày 2/8, Cục Quản lý thị trường TP. Hải Phòng đã ban hành quyết định xử phạt hành chính một hộ kinh doanh có hành vi nâng giá khi cho khách du lịch thuê ghế ngồi tại khu du lịch Đồ Sơn cao gấp 4-5 lần, đồng thời yêu cầu trả lại số tiền chênh đã thu của khách du lịch.

“Bẫy giá” khách hàng

Trước đó, UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã làm việc và xử phạt hành chính đối với một người bán hàng rong với lỗi bán hàng không niêm yết giá khi có ý định bán túi táo loại quả nhỏ cho khách du lịch nước ngoài với giá 200.000 đồng.

 

Gần đây, trên mạng xã hội cũng xôn xao việc một chủ quán tại một điểm du lịch nổi tiếng ở Thanh Hóa có bài đăng “dằn mặt” một khách hàng sau khi vị khách này có bài viết với nội dung mua 1 chai nước Lavie 350ml với giá 10.000 đồng. Điều đáng nói là chủ quán này cho rằng việc bán chai nước với giá như vậy là hoàn toàn bình thường, và còn “khuyên” nếu không muốn mất 10.000 đồng cho một chai nước 350ml thì tốt nhất khi đi du lịch, khách hàng nên tự mang đồ ăn, nước uống từ nhà đi…

-4057-1722589574.jpg

Niêm yết giá hàng hóa giúp người tiêu dùng cân đối tài chính, dễ dàng đưa ra quyết định mua hàng.

 

Có thể thấy, gần đây có không ít sự việc liên quan đến tình trạng nâng giá cao vọt và bán hàng với nhiều loại giá khác nhau nhằm lợi dụng, “chặt chém” khách hàng của chủ cơ sở sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, việc nhiều chủ cơ sở sản xuất kinh doanh tăng giá, không niêm yết giá được họ cho là lẽ hoàn toàn tự nhiên và khách hàng phải là người chịu mức giá cao đó.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo bà Nguyễn Thị Thu Liên, Hiệp hội thực phẩm Minh bạch AFT, là do quy định pháp luật về các hình thức xử phạt đối với hành vi nâng khống giá, hay bán hàng không niêm yết giá còn quá nhẹ.

Chẳng hạn đối với hành vi không niêm yết giá bán công khai hàng hóa theo quy định nhằm chặt chém khách du lịch chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000-1.000.000 đồng đối với cá nhân, còn đối với đơn vị thì mức xử phạt chỉ tăng gấp đôi. Mức này, theo bà Liên, là hoàn toàn không đủ sức răn đe và chưa đưa được buôn bán, kinh doanh vào khuôn khổ.

Vì thế, hình thức bán hàng không niêm yết giá vẫn thường xuyên xảy ra. Và vì vậy, năm nào, đặc biệt là vào mỗi mùa du lịch, tình trạng đăng đàn, tố cáo hay xử phạt hành vi chặt chém, bán giá quá cao vẫn xảy ra.

Lợi trước mắt, hại lâu dài

Tuy mức độ xử phạt với hành vi nâng giá, bán hàng không niêm yết giá, giá cả không rõ ràng chỉ bị phạt vi phạm hành chính khá nhẹ, nhưng bà Liên vẫn khuyến cáo các doanh nghiệp nhỏ, HTX nên coi đây là bài học để rút kinh nghiệm.

 

Trong thời đại hiện nay, khách hàng khi phải mua hàng với giá quá cao so với thực tế sẽ không chịu “ngồi yên”. Họ có thể ngay lập tức trực tiếp đối chất để đòi lại công bằng. Nhưng thực chất, công bằng thường ít khi nghiêng về phía người mua, nhất là khi hàng hóa đã được sử dụng. Và lúc này, người bán hàng đang nắm đằng chuôi.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không phải cứ khi đơn vị bán hàng nắm đằng chuôi là có thể coi là đã “thắng”. Bởi hiện nay là thời công nghệ rất phát triển, khi phải chịu uất ức, người mua hàng sẵn sàng lên mạng xã hội, vào các hội nhóm, diễn đàn để “bóc phốt” người bán. Và chỉ cần một thời gian ngắn, thông tin đó tràn ngập trên không gian mạng với những bình luận tiêu cực sẽ khiến người bán hàng không niêm yết giá hoặc bán hàng không đúng chuẩn mực sẽ gặp nhiều rắc rối.

 

Lúc này, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh sự việc, báo chí vào cuộc, người dùng mạng xã hội bình luận khiến mức độ lan truyền thông tin càng rộng hơn nữa. Khi đó, người bán hàng sẽ không chỉ bị phạt, bị ảnh hưởng đến thương hiệu mà có khi phải đóng cửa hàng trước áp lực truyền thông.

 

Theo các chuyên gia, trong kinh doanh hàng hóa, sự tẩy chay của khách hàng hay vấn đề khủng hoảng truyền thông là điều khó có thể khỏa lấp, sửa chữa, nhất là khi các HTX, doanh nghiệp nhỏ đang yếu về vấn đề xử lý khủng hoảng truyền thông như hiện nay. Với cá nhân người bán hàng, khi bị rơi vào lùm xùm thì họ có thể dừng bán hàng, nhưng với HTX, doanh nghiệp khi xác định xây dựng thương hiệu mà bị rơi vào khủng hoảng truyền thông thì rất khó lấy lại niềm tin đối với khách hàng.

 

Do đó, khi xác định đi theo con đường chuyên nghiệp, muốn phát triển thương hiệu thì dịch vụ phải chuyên nghiệp. Dịch vụ chuyên nghiệp đồng nghĩa với việc cần phải thực hiện bán hàng niêm yết giá.

 

Bà Đỗ Thùy Trang, Chủ hệ thống cửa hàng quần áo tại Hà Nội cho biết, bán hàng niêm yết giá đi liền với nói không với mặc cả. Chính vì vậy, đơn vị này cũng đã mất nhiều khách vì thực hiện niêm yết giá.

 

Bán hàng niêm yết giá tạo ra môi trường mua – bán văn minh. Đặc biệt trong thời đại hiện nay, khi bán hàng niêm yết giá, các đơn vị kinh doanh sẽ có những chương trình tích điểm để khách hàng nhận được ưu đãi xứng đáng nên khách hàng không phải lo ngại vấn đề bị mua hớ hay chịu phần thiệt. Chính vì vậy, nhiều đơn vị xác định bán hàng chuyên nghiệp, muốn xây dựng môi trường bán hàng văn minh, chuyên nghiệp thì cũng sẽ xác định có thể mất một số khách nhất định trong một thời gian đầu nhưng điều này sẽ mang lại hiệu quả lâu dài, tránh kiện tụng hay rơi vào tranh chấp giá cả.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Liên cho rằng, bán hàng không niêm yết giá có thể mang lại cho đơn vị kinh doanh lợi nhuận ở thời điểm trước mắt nhưng xét về lâu dài thì rất khó. Vì hiện nay, khách hàng thế hệ trẻ rất nhiều, công nghệ cũng rất phát triển. Nhiều người vẫn thích mua hàng theo hướng hiện đại hơn và được phục vụ dịch vụ chuyên nghiệp nhiều hơn. Do đó, HTX cần tận dụng điều này để có thể cạnh tranh lành mạnh nhằm tồn tại và phát triển bền vững.

 

 

Nguồn Tạp chí kinh doanh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here