Ông Đỗ Nhân Đạo – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh kiêm Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Yên Bái, cho rằng với tỉnh nghèo như Yên Bái, làm sao có thể bố trí 100 tỷ đồng vốn điều lệ tối thiểu theo Khoản 1, Điều 5 của Dự thảo Nghị định về Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã soạn Dự thảo Nghị định về Quỹ hỗ trợ phát triển HTX (Dự thảo Nghị định), với 8 chương 79 điều. Tuy đó là bước đi cải thiện lớn chính sách HTX, nhưng Yên Bái và hầu hết các tỉnh, thành phố đều phản hồi rằng một số quy định bất cập, nhằm xây dựng tổ chức quỹ vốn ưu đãi này phù hợp hơn với thực tiễn các loại hình kinh tế hợp tác (KTHT).
Vốn điều lệ quá lớn
Theo Khoản 1, Điều 5 của Dự thảo Nghị định, “Vốn điều lệ thực có tối thiểu phải có tại thời điểm thành lập Quỹ HTX là 100 tỷ đồng, do ngân sách cấp tỉnh cấp”. Và cũng tại Khoản 1, Điều 65, Quỹ HTX địa phương nào không đủ vốn điều lệ tối thiểu theo quy định sẽ thuộc diện phải giải thể.
Tổng hợp trên cả nước, ngoài Hà Nội và Tp.HCM, còn lại hầu hết các quỹ địa phương hiện nay đều có số vốn điều lệ dưới 100 tỷ đồng. Thậm chí, đại đa số các quỹ đều có tổng vốn điều lệ và vốn hoạt động dưới 20 tỷ đồng. Như vậy, nếu quy định như Dự thảo Nghị định, chắc chắn phải giải thể gần hết các quỹ địa phương (!)
“Với một tỉnh nghèo như Yên Bái, cân đối thu chi ở mức khoảng 20%, hầu như dựa vào hỗ trợ ngân sách Trung ương, làm sao ngân sách tỉnh có thể bố trí 100 tỷ đồng cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, kể cả trong thời gian 5 – 10 năm tới, chưa nói tới ngay sau khi Nghị định có hiệu lực thi hành”, ông Đỗ Nhân Đạo băn khoăn đặt vấn đề.
Hiện tại, ở Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Yên Bái, mặc dù được tỉnh rất quan tâm thành lập từ năm 2011, vốn điều lệ ban đầu ấn định 3 tỷ đồng, nhưng ngân sách tỉnh chỉ cấp ban đầu là 700 triệu đồng, sau mỗi năm cấp thêm 500 – 700 triệu. Phải sau 6 năm (đến 2017), Quỹ mới chính thức đủ và đạt số vốn điều lệ 3,496 tỷ đồng.
Toàn bộ khu vực KTHT tỉnh Yên Bái hiện có khoảng 1.000 THT và 308 HTX, với 27.163 thành viên, 539,8 tỷ đồng vốn điều lệ, tổng tài sản chỉ có 1.383 tỷ đồng, bình quân tổng doanh thu hàng năm chỉ đạt 2.700 – 2.900 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, theo ông Đỗ Nhân Đạo, nếu các Quỹ địa phương phải giải thể (không thể đáp ứng số vốn điều lệ 100 tỷ đồng), thì khu vực HTX vốn đang đói vốn chắc chắn càng khốn cùng hơn về vốn, chưa nói tới việc giải quyết các vấn đề tồn tại của các quỹ HTX địa phương không hề dễ dàng…
Ông Đỗ Nhân Đạo kiến nghị đối với Quỹ HTX địa phương ra đời trước Nghị định thì giữ nguyên vốn điều lệ, đồng thời yêu cầu UBND cấp tỉnh sớm nâng mức vốn điều lệ tối thiểu 10 tỷ đồng ở các quỹ thuộc địa phương đặc biệt khó khăn như Yên Bái, trong lộ trình thời gian 3 năm, kể từ khi Nghị định có hiệu lực thi hành.
HTX Công nghệ cao Tiến Minh khởi nghiệp cùng sự hỗ trợ kịp thời của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Yên Bái |
Phản hồi từ HTX
Năm 2017, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Yên Bái cho vay 20 HTX, các thành viên HTX. Từ đó, Quỹ đã ổn định việc làm cho 434 lao động, tạo việc làm mới cho 129 lao động với thu nhập 5 – 9 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, Quỹ cũng mở rộng cho vay các thành viên HTX và THT, đặc biệt đã hỗ trợ số vốn ưu đãi 300 triệu đồng, kịp thời đáp ứng nhu cầu giới trẻ vùng cao khởi nghiệp HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Minh (Tp.Yên Bái).
Sau hơn 6 năm vận hành, Quỹ đề cao việc quan trọng nhất là bảo toàn vốn. Nguồn vốn Quỹ quá eo hẹp, nhưng cách tổ chức hoạt động rất hiệu quả, được UBND tỉnh, các sở ngành và các HTX tin tưởng và hằng năm, Quỹ được tỉnh cấp vốn bổ sung vài trăm triệu đồng.
HTX Dịch vụ Tổng hợp Mông Sơn (Yên Bình), khi củng cố gặp khó về vốn đã vay Quỹ tỉnh 300 triệu đồng (trong tổng mức đầu tư 1,8 tỷ đồng). Từ đó, nhờ tiếp tục nhận được sự đồng hành, tư vấn hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, HTX này làm ăn hiệu quả hơn, đến nay không cần vay vốn và đạt tổng vốn hoạt động trên 4 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Văn Thịnh – Giám đốc HTX Mông Sơn, đa số các HTX đều không có tài sản chung, phải mượn tài sản của bên thứ 3 bảo đảm vốn vay. Thế nên, Dự thảo Nghị định cần điều chỉnh quy định để HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thuận lợi hơn, không quá phức tạp như các ngân hàng.
HTX Dịch vụ Tổng hợp Thắng Lợi là mô hình HTX mạnh của Yên Bái, từng thắng thầu nhiều dự án lớn, trong đó có dự án thi công nền móng cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Song, ngoài uy tín dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng, HTX này cũng vay nguồn Quỹ hỗ trợ HTX ở Trung ương 1,2 tỷ đồng để đầu tư thiết bị mua máy móc. Hiện nay đã hoàn trả nợ vay ngân hàng và Quỹ.
“Là đơn vị trực tiếp sử dụng vốn quỹ, tôi thấy Dự thảo Nghị định cần mở rộng hình thức, đối tượng cho vay cả nông nghiệp và phi nông nghiệp, nhất là quy định vốn điều lệ Quỹ là 100 tỷ đồng thì không thể thực hiện được. Mặt khác, cái tên Quỹ hiện đã trở thành niềm tin và chỗ dựa cho HTX, nếu đổi tên thành công ty TNHH thì đề cao hơn tính lợi nhuận, mất đi tính chất tương trợ HTX”, ông Nguyễn Hữu Ký – Giám đốc HTX Thắng Lợi, góp ý.
Nguồn http://thoibaokinhdoanh.vn