GIẢI PHÁP NÂNG CAO GIÁ TRỊ CHO SẢN PHẨM CHÈ VIỆT

0
593

Hiện nay, Việt Nam là một trong 5 nước xuất khẩu (XK) chè nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, giá trị XK còn thấp, chỉ khoảng thứ 10 thế giới. Và, giá trị đó lại càng thấp hơn so với tiềm năng của sản phẩm chè của Việt Nam.

Thực trạng ngành chè hiện nay còn rất nhiều điều để bàn, trong đó nổi lên ba vấn đề chính.

Ba vấn đề của ngành chè

Thứ nhất, sản phẩm chè của chúng ta phần nhiều vẫn còn là dạng thô, là nguyên liệu chỉ mới sơ chế, chưa phải là thành phẩm cao cấp. Giá bán chè trong nước, đặc biệt là giá XK thấp hơn nhiều so với giá trung bình trên thế giới và thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng mà chúng ta có thể khai thác từ cây chè và sản phẩm chè.

Thứ hai, chất lượng chè nói chung còn thấp. Chúng ta được biết đến nhiều trên thế giới trước hết vì ta nhiều chè, giá lại rẻ chứ chưa phải là chè chất lượng cao. Nói đến chất lượng, không chỉ đòi hỏi chè phải ngon mà yêu cầu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao. Kể cả thị trường quốc tế lẫn trong nước, về cơ bản chúng ta vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn này, dẫn đến chè có giá trị thấp hoặc đang bị làm mất giá trị.

Vấn đề thứ ba liên quan đến HTX, đến những người nông dân đang trực tiếp trồng, sản xuất chè là họ được hưởng phần rất ít trong giá mà cây chè hay sản phẩm chè đem lại. Và chính điều này, đã làm giảm động lực cải thiện ngành chè theo hướng gia tăng chất lượng.

Nói cách khác đa phần nông dân chưa tham gia hay tham gia chưa nhiều, chưa sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm chè. Giá trị sản phẩm chè do vậy bị kéo xuống rất thấp, thiệt cho quốc gia, thiệt cho ngành chè và trước tiên cho người nông dân, hộ trồng chè.

Trước kia, kinh tế phát triển thấp, cung không đủ cầu. Vì vậy phải gia tăng sản xuất, phải tăng năng suất cây trồng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa, chuyên môn hóa sản xuất kinh doanh.

Đến khi kinh tế phát triển mạnh, hội nhập thế giới, thì sản lượng cung đã vượt cầu. Cần phải kích cầu theo nghĩa rộng, tìm ra nhu cầu mới để có hướng cho những sản phẩm có giá trị mới ra đời và đáp ứng nhu cầu mới đó. Sản phẩm chè không chỉ ngon, nhìn đẹp mắt, mà phải sạch, phải an toàn.

Mô hình Chuỗi giá trị sản phẩm chè của HTX chè Tân Hương

Chuỗi giá trị sản phẩm

Tương tự như lương thực, thực phẩm khác, các sản phẩm chè được hình thành từ rất nhiều công đoạn khác nhau từ đồng ruộng, đồi chè cho đến mâm cơm, bàn uống nước. Có thể gọi đó là chuỗi giá trị vì qua mỗi công đoạn sản xuất – chế biến – tiêu thu, giá trị của sản phẩm chè sẽ tăng lên. Về nguyên tắc, chuỗi giá trị càng dài càng tốt. Và, càng tiếp cận trực tiếp đến người tiêu dùng cuối cùng bao nhiêu, chuỗi giá trị càng có cơ hội tăng lên và tăng nhiều lần.

Phần nhiều nông sản chúng ta bán ra, XK, nhưng là sản phẩm thô, ít giá trị. Vì thế, tuy khối lượng có rất lớn thì người nông dân vất vả sản xuất đầu tiên ra sản phẩm lại được hưởng rất ít trong “chiếc bánh giá trị” của sản phẩm. Muốn người nông dân cải thiện thu nhập, được hưởng nhiều hơn từ giá trị sản phẩm cuối cùng thì phải kết nối họ vào chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm.

Để có được sản phẩm chè thành phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng, cần qua rất nhiều công đoạn như: trồng, chăm bón, thu hái, sơ chế, chế biến thành phẩm, bảo quản, đóng gói, nghiên cứu (xúc tiến thị trường, kênh phân phối, XK), bán lẻ, tiêu dùng….

Cho đến nay, còn một bộ phận lớn nông dân trồng và sản xuất chè mới chỉ tham gia vào rất ít trong các công đoạn sản xuất, kinh doanh nói trên. Nông dân chủ yếu là trồng, thu hoạch, sơ chế hoặc sản phẩm vẫn còn khá thô, chưa phải là thành phẩm cao cấp. Các công đoạn sau như chế biến thành phẩm chất lượng cao, đóng gói bảo quản, làm thương hiệu, tiêu thụ thì hoàn toàn tự phát, phụ thuộc nhiều vào tư thương, cơ sở thu mua, vào các nhà XK…

Ngoài ra, các công đoạn sản xuất kinh doanh chè chưa liên kết, gắn liền thành chuỗi liên hoàn, chưa có nhiều giá trị gia tăng thêm. Đặc biệt để sản phẩm chè có thể trở thành một thương hiệu nổi tiếng, giá trị thương mại cao thì cần xây dựng thương hiệu từ tất cả các công đoạn của cả chuỗi giá trị.

Phạm Quang Vinh

Giám đốc dự án

DGRV Việt Nam

Nguồn http://thoibaokinhdoanh.vn/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here