Hợp tác xã nông nghiệp sạch T and D (có địa chỉ tại thôn Bản Thái, xã Khao Mang, Huyện Mù Cang Chải) là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả thu hút thành viên, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mù Cang Chải hiện nay đã và đang góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Hiện, Hợp tác xã đã biết tận dụng các thế mạnh của địa phương và tập trung vào 2 lĩnh vực chính như khu chăn nuôi gà thịt được quy hoạch xây dựng quy mô, công tác phòng, chống dịch được đảm bảo. Đối với lĩnh vực sản xuất rau xanh với gần 3 ha được canh tác theo hướng hữu cơ với hệ thống máy cày đa năng, máy bơm, hệ thống tưới tự động và sử dụng chủ yếu phân bón hữu cơ; các sản phẩm rau, củ, quả xanh, sạch được cung cấp cho thị trường Thị trấn Mù Cang Chải và cho các trường học trên địa bàn huyện với giá bán thấp hơn thị trường. Cùng với đó, Hợp tác xã còn mở rộng thị trường cung cấp các loại rau, củ, quả sạch, hữu cơ với sản lượng khoảng 3 tấn/ngày cho một số doanh nghiệp khu công nghiệp của tỉnh Phú Thọ và thành phố Yên Bái.
Sau 6 năm hoạt động, Hợp tác xã đã có bước phát triển nhanh từ nguồn vốn ban đầu là 4 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên 6,5 tỷ đồng, số thành viên tăng gấp đôi so với khi thành lập, số lao động thường xuyên 20 người và gần 50 lao động thời vụ tại địa phương, trong đó trên 97% là người đồng bào dân tộc thiểu số (người Mông và người Thái) với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Phạm Quang Thọ-Giám đốc HTX nông nghiệp sạch T and D kiểm tra vườn su su của HTX được canh tác theo phương thức rau sạch hữu cơ
Có thể nói, nhờ có sự tham gia của Hợp tác xã nông nghiệp sạch T and D với cách làm hay, linh hoạt đã và đang giúp người dân và đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Khao Mang nói riêng và huyện Mù Cang Chải nói chung giảm nghèo theo hướng bền vững. Mô hình hoạt động hiệu quả của Hợp tác xã từng bước giúp bà con xóa bỏ tư duy canh tác và chăn nuôi lạc hậu, tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Được biết, thời gian tới Hợp tác xã sẽ mở rộng sản xuất theo chuỗi giá trị trên quy mô lớn tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao vai trò của thành viên và nhân dân tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp Hợp tác xã ổn định được đầu ra, phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững cho các thành viên và người dân nơi đây./.