Tăng cường quản lý kinh doanh thương mại điện tử

0
30

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn Yên Bái những năm gần đây phát triển mạnh mẽ, đang từng ngày “lấn át” kinh doanh truyền thống và trở thành một kênh phân phối, mua sắm được nhiều người lựa chọn, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, kinh doanh, buôn bán TMĐT còn có những khó khăn, hạn chế trong quản lý cần được tháo gỡ.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử.

 

 

Thực tế cho thấy, kinh doanh TMĐT cũng như thị trường TMĐT ngày càng được mở rộng và dần trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, về quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số quốc gia.
Thị trường TMĐT ở Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng ngày càng được mở rộng, đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia với sự tăng trưởng mạnh. Hoạt động TMĐT là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Thực tế cho thấy, tiện ích từ TMĐT đã trực tiếp giúp người bán hàng tiếp cận đối tượng khách hàng một cách nhanh chóng, tiết kiệm các chi phí hơn nhiều với bán hàng truyền thống hay thương mại thông thường như mặt bằng, nhân công, điện, nước… Không chỉ có vậy, người mua còn dễ dàng tìm được các mặt hàng mong muốn, có nhiều lựa chọn cho cùng phân khúc về giá cả, chất lượng, không phải đi lại, chỉ cần ngồi nhà cũng có thể lựa chọn được hàng hóa cần mua.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích mang lại thì mua hàng trên nền tảng TMĐT tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Người bán hàng thường lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội (Zalo, Facebook, TikTok) hay bán hàng theo hình thức phát trực tiếp hoặc đăng bán bằng lời, hình ảnh…
Các điểm bán hàng này có địa chỉ cụ thể hoặc không có địa chỉ cơ sở sản xuất kinh doanh, khách hàng lựa chọn qua hình ảnh và chốt đơn mua trực tiếp hoặc qua tin nhắn… cho nên khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng rất may rủi, may thì được hàng hóa chất lượng như quảng cáo, như hình ảnh thật, không may thì mua phải hàng hóa kém chất lượng, không như mong muốn, hàng nhái, hàng giả… Khi mua phải hàng kém chất lượng, người mua liên lạc lại với người bán, trang bán hàng thì thường bị chặn liên lạc, hoặc không trả lời.
Anh N.V.T ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái chia sẻ: “Nhân dịp sinh nhật con gái vừa tròn 18, tôi vào xem TikTok thấy quảng cáo bán giầy thương hiệu Adidas khá đẹp và bắt mắt, cam kết hàng chính hãng với giá 1,8 triệu đồng một đôi. Xem đi xem lại thấy rất đẹp nên quyết định chốt đơn, chuyển tiền. Hai ngày sau, hàng giao tại nhà. Sau khi kiểm tra, đôi giầy đó không phải hàng chính hãng mà chỉ là một đôi giầy hàng phổ thông được bày bán tại các “siêu thị mặt đất” với giá 120.000 đồng. Tôi gọi lại ngay cho người bán hàng thì đã bị chặn số không thể liên lạc được”.
Câu chuyện như anh N.V.T không còn là chuyện hiếm mà còn có nhiều trường hợp chốt đơn, chuyển tiền xong không nhận được hàng và cũng chẳng có hồi âm… Việc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường mạng là một vấn đề khó khăn, nan giải với bất cứ địa phương nào chứ không riêng gì Yên Bái.
Những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý kinh doanh TMĐT. Các ngành, các cấp phải vào cuộc một cách tích cực, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT hoặc ứng dụng công nghệ số để kinh doanh. Ngành thuế tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.
Ngành thuế phối hợp với Bưu điện, Viettel để thu thập danh sách các tổ chức, cá nhân có hoạt động buôn bán hàng thông qua chuyển phát thu tiền hộ (ship cod) khá tốt với hàng ngàn cá nhân, tổ chức với giá trị giao dịch hàng chục tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 54 cá nhân kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai thuế với doanh thu kê khai 10,607 tỷ đồng và đã nộp ngân sách trên 219 triệu đồng.
Tuy đã có sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự phối hợp hiệu quả của các ngành chức năng nhưng thực tế cho thấy công tác quản lý kinh doanh TMĐT vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, thời gian tới, các ngành chức năng chuyên môn cần vào cuộc với trách nhiệm cao nhất để cùng với lực lượng quản lý thị trường, ngành thuế nắm bắt được danh sách các tổ chức, cá nhân có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT không đăng ký, kê khai, nộp thuế cũng như xử lý kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Người tiêu dùng trang bị cho mình kỹ năng mua hàng trên môi trường mạng, nhất là khi mua hàng cần yêu cầu lấy hóa đơn để làm cơ sở chứng minh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Theo Báo Yên Bái

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here