Ngày Hợp tác xã quốc tế năm nay được kỷ niệm vào ngày 6 tháng 7 năm 2013 với chủ đề: “Hợp tác xã vững tiến trong thời kỳ khủng hoảng”. Chủ đề của thông điệp này ra đời vào đúng thời điểm mọi người đang đánh giá các mô hình doanh nghiệp khác đối mặt thế nào với những cuộc chiến kinh tế toàn cầu hiện nay.
Các mô hình doanh nghiệp do chủ đầu tư sở hữu đang trải qua những bất ổn về kinh tế, xã hội và môi trường trong khi mô hình hợp tác xã chứng tỏ được mình qua thời gian và một lần nữa khẳng định sự bền vững trong giai đoạn khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng tài chính là một ví dụ điển hình của sự nguy hiểm trong việc muốn đạt được lợi nhuận ngắn hạn hơn là sự tồn tại lâu dài. Những cuộc khủng hoảng toàn cầu mà chúng ta đã trải qua bắt nguồn từ một mô hình kinh doanh lấy lợi nhuận đặt lên trước nhu cầu của con người; một mô hình tìm kiếm việc tư nhân hóa lợi nhuận nhưng không quan tâm đến tổn thất về mặt xã hội. Có một minh chứng rõ ràng rằng sự đa dạng về hình thức sở hữu đã góp phần vào sự ổn định hơn của khu vực tài chính. Với việc lấy nhu cầu con người làm trọng tâm, hợp tác xã đã thích nghi với các cuộc khủng hoảng hiện nay một cách bền vững và nhân rộng một mô hình “chia sẻ giá trị” riêng của mình. Hơn thế nữa, mô hình hợp tác xã không trở thành nạn nhân dễ bị tác động của tư bản hóa trong hơn hai mươi năm qua, thời kỳ mà hoạt động tài chính là chỉ số chính để đánh giá một doanh nghiệp hoạt động tốt hay không. Nói một cách đơn giản, hợp tác xã là tổ chức tập thể hướng đến sự phát triển bền vững nhằm tối ưu hóa lợi ích cho các bên liên quan mà không tối đa hóa lợi nhuận cho bất kỳ cá nhân nào.
Điều này cũng có nghĩa là vào những thời điểm khó khăn thì lực lượng lao động được xem là sự sống còn đối với hợp tác xã, chứ không chỉ phụ thuộc vào một số cán bộ chủ chốt của hợp tác xã .
Một lĩnh vực khác bị người dân trên thế giới chỉ trích đó là việc đóng cửa nhiều ngân hàng lớn. Đây là các tổ chức thường được xem là an toàn về đầu tư và tiền gửi nhưng lại cho thấy hoạt động yếu kém. Các hợp tác xã tín dụng thường được đánh giá là yếu kém thì lại hoạt động tốt hơn nhiều.
Hợp tác xã tiết kiệm và tín dụng, ngân hàng hợp tác xã và quỹ tín dụng tăng trưởng nhanh, duy trì dòng tín dụng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, duy trì sự ổn định giữa các khu vực đồng thời gián tiếp tạo việc làm. Nó là sự kết hợp duy nhất giữa sở hữu của thành viên, cùng nhau kiểm soát và chia sẻ lợi ích và đó là điều tiên quyết cho sự phục hồi của hợp tác xã và mang lại nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Với việc các hợp tác xã tài chính chiếm một phần đáng ngạc nhiên trong hoạt động ngân hàng toàn cầu, do vậy điều quan trọng là mọi người cần hiểu rõ hơn nữa về mô hình này.
Báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) do Giáo sư Johnston Bircall viết đã nghiên cứu sâu các HTX tài chính từ khi ra đời tại Đức vào những năm 1850 cho đến nay.
Ông Bircall trả lời phỏng vấn của ILO về việc trước thời kỳ khủng hoảng các nhà kinh tế nói rằng hợp tác xã tài chính bị ràng buộc nhiều do vậy hoạt động không hiệu quả bằng các ngân hàng do nhà đầu tư sở hữu vì hợp tác xã tài chính không thưởng cổ tức cho nhà quản lý của mình. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đã chứng minh rằng hợp tác xã tài chính ít rủi ro hơn các ngân hàng thương mại cổ phần bởi vì những nhà quản lý của các hợp tác xã tài chính không lấy lãi cổ phần.
“Tính ổn định và ngăn ngừa rủi ro đã được xây dựng trong kế hoạch hoạt động của hợp tác xã tài chính. Hợp tác xã tạo ra lợi nhuận và cần phải có nếu không thì hợp tác xã sẽ không phải là tổ chức kinh doanh. Nhưng lợi nhuận mà hợp tác xã tạo ra thì được đưa vào quỹ dự phòng do vậy hợp tác xã rất mạnh về tài chính và dường như không gặp bất cứ vấn đề gì khi có yêu cầu về vốn của các nhà quản lý”.
“Quỹ tín dụng là một lĩnh vực khác của thị trường tài chính mà chúng ta có thể nhận thấy rằng quỹ tín dụng thậm chí không bị suy giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Quỹ tín dụng không quan tâm đến cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng; quỹ tín dụng vẫn giữ mức tăng trưởng chậm, đều và không nóng vội”.
Lợi thế khác của hợp tác xã trong thời kỳ khủng hoảng mà chúng ta không nên bỏ qua, đó là phương diện xã hội. Khi nền kinh tế bị co hẹp và áp lực đặt lên vai chính phủ để giảm bớt phúc lợi xã hội, hợp tác xã thường tạo ra sự an toàn vô giá cho người dân. Trong thời gian ngắn, các hợp tác xã góp phần tích cực vào phương diện xã hội theo cách mà các doanh nghiệp đơn thuần không làm được. Hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc cung các dịch vụ như trung tâm chăm sóc sức khỏe thường trước đây do Nhà nước hoặc công ty bảo hiểm tư nhân thực hiện hoặc chỉ cung cấp cho một số đối tượng do ngân sách nhà nước eo hẹp. Tất nhiên, chúng ta không thể bỏ qua lợi thế quan trọng khác của các hợp tác xã tiêu dùng: khả năng cung cấp thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân với chi phí thấp hơn – mô hình này thực sự cần thiết cho người tiêu dùng khi tiền lương của họ bị giảm hoặc không có.
Ngày Hợp tác xã quốc tế năm nay cho chúng ta cơ hội để tuyên truyền về tất cả những hoạt động mà hợp tác xã đã làm trong giai đoạn khó khăn cũng như trong giai đoạn thuận lợi và nhân đôi những quyết tâm của chúng ta để đảm bảo rằng mô hình doanh nghiệp dựa trên các giá trị này vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm và hỗ trợ hơn nữa trên toàn thế giới. Hợp tác xã là mô hình vẫn luôn tồn tại và phát triển qua thời gian.
Nguồn http://news.vca.org.vn/