Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện NQ 13 về KTTT

0
592

Chiều ngày 14/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Hội nghị với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Lãnh đạo Quốc hội; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Các cơ quan của Đảng; Các cơ quan của Quốc hội: Các tổ chức chính trị, xã hội; Một số doanh nghiệp lớn điển hình có đầu tư, liên kết trong lĩnh vực KTTT, HTX; Các hiệp hội, ngành hàng;Cơ quan báo chí, truyền thông.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại các đầu cầu địa phương có các Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì; Lãnh đạo các Sở, Ban, ngành liên quan tại các địa phương…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Hội nghị tổng kết toàn quốc được tổ chức dựa trên Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019 nhằm đánh giá kết quả triển khai và tình hình phát triển KTTT sau 15 năm thực hiện Nghị quyết. Chỉ rõ kết quả đạt được và nội dung còn hạn chế, rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đồng thời xác định phương hướng, mục tiêu, nội dung, biện pháp cụ thể trong những năm tiếp theo.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, hợp tác xã phát biểu khai mạc hội nghị

Tính đến nay, cả nước có 101,4 nghìn THT (58,5 nghìn THT trong lĩnh vực nông nghiệp và 42,9 nghìn THT phi nông nghiệp), tăng 587 THT (khoảng 0,58%) so với năm 2003, thu hút 1,34 triệu thành viên tham gia; 22.861 HTX (13.856 HTX nông nghiệp, 1.183 Quỹ Tín dụng nhân dân và 7.822 HTX phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia; 74 LH HTX tăng 49 LH HTX so với năm 2003

Số lượng HTX tăng khoảng 59% so với năm 2003, trong khi số thành viên HTX giảm khoảng 5,6% so với năm 2003. Trong giai đoạn này, số lượng HTX thành lập mới là 20.841 HTX, giải thể 11.473 HTX…

Doanh thu bình quân của một HTX năm 2018 đạt 4.477,3 triệu đồng/HTX, tăng gấp khoảng 4,2 lần so với năm 2003, trong đó doanh thu bình quân của HTX với thành viên cũng tăng từ 698,6 triệu đồng/năm năm 2003 lên 3.280,7 triệu đồng/năm năm 2018, tăng gấp khoảng3,7 lần so với năm 2003; chiếm khoảng 73% trong doanh thu bình quân của 1 HTX.

Cùng với doanh thu, lãi bình quân của một HTX tăng từ 74 triệu đồng/HTX/năm 2003 lên 240,5 triệu đồng/HTX/năm 2018 (tăng khoảng 225%). Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX cũng được tăng lên từ 15,7 triệu đồng/năm năm 2003 lên 36,6 triệu đồng/năm 2018 (tăng khoảng 133%).

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì hội nghị

Nhìn chung, sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, khu vực HTX đang phục hồi và phát triển khá ổn định. Số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là HTX nông nghiệp. Quy mô, vốn và các lĩnh vực hoạt động của HTX được mở rộng, nhiều HTX có quy mô toàn xã, huyện. Nhiều loại hình HTX mới được thành lập như HTX môi trường, HTX trường học, HTX y tế…

Trình độ cán bộ quản lý HTX được nâng cao. Một số HTX có đội ngũ cán bộ tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của HTX. Thông qua HTX, các hộ thành viên có điều kiện tham gia và được hỗ trợ của Nhà nước, của các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Nhờ đó, thu nhập của người lao động cũng như của thành viên, hộ thành viên được cải thiện, góp phần giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Trưởng BCĐ đổi mới, phát triển KTTT, HTX; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là Hội nghị quan trọng để củng cố niềm tin và đổi mới cách làm; qua đó, phát huy tốt hơn và tiếp tục nâng cao vai trò thực chất của KTTT trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta. Về cơ bản đã đạt được đồng thuận về vai trò, ý nghĩa mang tầm chính trị, văn hoá của HTX là đóng góp vào việc xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, cùng chia sẻ sự thịnh vượng, vì lợi tích thiết thực của mỗi thành viên trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng.

KTTT, HTX có sự phát triển khá mạnh về cả lượng và chất, hỗ trợ cho gần 6 triệu hộ thành viên, chủ yếu là các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh, tạo ra số lượng lớn việc làm, xây dựng các liên kết phát triển mới trong nông nghiệp, cùng với các loại hình doanh nghiệp tạo ra một diện mạo nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém để cùng nhau khắc phục.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết cần xác định rằng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển KTTT thông qua việc tạo khung pháp luật, ban hành các chính sách hỗ trợ, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội.

Quang cảnh hội nghị

Phát triển KTTT phải xuất phát từ nhu cầu của người dân; Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển HTX, tổ hợp tác; Rà lại các chính sách tạo thuận lợi về đào tạo lao động, chính sách đất đai, chính sách tài chính-tín dụng, chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng… xem những gì có thể sửa để tạo thuận lợi hơn cho KTTT, HTX, tổ hợp tác phát triển.

Phương châm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” phải tiếp tục được quan tâm cụ thể hơn đối với HTX để tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm tiếp cận nguồn lực, cơ hội kinh doanh, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực.

Phải khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình HTX, đó là lợi thế về xã hội và lợi thế về số đông để tạo ra sự thay đổi sâu sắc, căn bản về phương thức sản xuất trong nông nghiệp và đời sống nông thôn.

Trên cơ sở báo cáo tổng kết, những kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và HTX tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và các cơ quan liên quan tổng hợp, hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhân dịp này, các cá nhân và tập thể đã được nhận Huân chương lao động Hạng ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho những đóng góp thực hiện triển khai Nghị quyết số 13 trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX.

Một số hình ảnh tại hội nghị:

Nguồn: Trung tâm Thông tin- Tuyên truyền