Hợp tác xã Kiến Thuận – điển hình liên kết chuỗi

0
379

 Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (viết tắt là HTX Kiến Thuận), xã Bình Thuận là một trong những điển hình cho sự nhạy bén trong kinh doanh, đổi mới phương thức sản xuất và hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè bền vững ở huyện Văn Chấn.

Hợp tác xã Kiến Thuận thu mua chè nguyên liệu cho người dân.
Hợp tác xã Kiến Thuận thu mua chè nguyên liệu cho người dân.
HTX Kiến Thuận được thành lập năm 2004, đến năm 2015 thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX và tập trung đầu tư sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sau khi chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới, HTX Kiến Thuận đã tiến hành ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và bao tiêu sản phẩm với từng thành viên HTX và các hộ dân liên kết.
Hiện nay, HTX hoạt động với 54 thành viên và 35 hộ liên kết. Các hộ thành viên và liên kết được HTX hoạch định chiến lược phát triển, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu đầu ra với giá cao hơn giá thị trường 300 – 500 đồng/kg. Cuối năm, dựa trên hiệu quả xuất khẩu, HTX sẽ hỗ trợ bà con 150.000 – 300.000 đồng/hộ/tháng, đến nay tổng diện tích vùng nguyên liệu của HTX khoảng 300 ha và đang liên tục gia tăng theo từng năm.
Để đạt chất lượng xuất khẩu với các đối tác nước ngoài như Unilever Việt Nam yêu cầu chất lượng sản phẩm vô cùng khắt khe.
Cụ thể, vùng nguyên liệu phải cách ly với các yếu tố gây ô nhiễm (chuồng trại, nguồn nước ô nhiễm…); quy trình chăm sóc phải đạt chuẩn GlobalGAP (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nguồn nước… phải đạt chất lượng) nên HTX rất chú trọng đến vấn đề này. Do đó, HTX Kiến Thuận đã xây dựng bản đồ địa giới, đánh dấu rõ ràng vị trí từng hộ thành viên để tạo thuận lợi trong việc quản lý.
Bên cạnh yêu cầu nghiêm ngặt trong việc ghi nhật ký chăm sóc chè, HTX đã thành lập những tổ cơ động để kiểm tra và kiểm soát hoạt động của các hộ thành viên. Nhờ đó, chất lượng chè luôn được bảo đảm theo đúng quy chuẩn quốc tế.
Ông Đỗ Văn Lừng – Giám đốc HTX Kiến Thuận cho biết: “Chỉ một sai sót nhỏ trong quy trình chăm sóc, thu hái thôi HTX cũng có thể chịu phạt rất nặng từ đối tác. Đặc biệt, hàng năm có chuyên gia Công ty Unilever Việt Nam đến kiểm tra, lấy mẫu thử, nên sản phẩm của HTX luôn được bạn hàng đánh giá cao”.
Cùng với đó, HTX đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, để xây dựng 2 nhà máy chế biến chè đen xuất khẩu, 1 máy tách cẫng chè kỹ thuật số, máy tách màu ISORT 4GT công nghệ Hàn Quốc với tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng, nâng công suất hoạt động của HTX từ 500 kg lên 700 kg thành phẩm/giờ.
Hiện nay, HTX đang sản xuất, kinh doanh và chế biến chè đen, chè xanh xuất khẩu với các mặt hàng: Loại Pekoe; Loại OP; Loại FBOP; Loại P; Loại OPA; Loại PS; Loại BPS; Loại F; Loại D; SP tận thu, tổng sản lượng 800 tấn. Sau khi đổi mới trang thiết bị, chất lượng sản phẩm hàng hóa được nâng cao, tạo điều kiện để HTX đàm phán ký kết các hợp đồng được thuận lợi.
Việc sản  xuất  theo công nghệ quốc tế và xuất khẩu đã gia tăng đáng kể giá trị gia tăng của sản phẩm. Năm 2019, doanh thu của HTX đạt gần 30 tỷ đồng, tạo thu nhập ổn định từ 5 – 7 triệu đồng/tháng; đóng góp ngân sách Nhà nước khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Sự chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới là bước ngoặt đưa HTX Kiến Thuận từ “lượng” sang “chất”. Cụ thể, theo báo cáo so sánh trước và sau khi chuyển đổi của HTX cho thấy, số lượng thành viên giảm từ 60 hộ xuống 54 hộ, tổng sản phẩm từ 1.500 tấn xuống còn 800 – 900 tấn chè thành phẩm, doanh thu giảm từ 30 tỷ đồng xuống 21 tỷ đồng.
“Mặc dù các con số đi xuống nhưng đây lại là tín hiệu vui. Thay vì chạy theo số lượng, HTX đã và đang chú trọng vào chất lượng. Các thị trường xuất khẩu đã dần ổn định, với giá trị gia tăng cao, doanh thu giảm nhưng thu nhập của người lao động được nâng cao và thị trường ổn định hơn. Đặc biệt, từ khi thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị với sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX được thành viên và người trồng chè rất ủng hộ”, Giám đốc HTX – Đỗ Văn Lừng lý giải.
Từ những thành công trong liên kết chuỗi không những HTX Kiến Thuận tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ tới các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp của tỉnh mà còn giúp người dân gắn bó với cây chè, góp phần nâng cao thu nhập của các hộ thành viên và người trồng chè.
Nguồn : Báo Yên Bái