Cây “vàng”  trên đất Thanh Ba

0
709

img-5788-1597969783
Người dân xã Hoàng Cương thu hoạch, sơ chế lấy sợi gai.

PTĐT – Đồng đất Thanh Ba vốn quen với cây chè, ngô, lúa, vậy mà nhiều nơi trên đồng đất ấy giờ ngút màu xanh của một loại cây trồng mới, đó là cây gai xanh. Loại cây trồng này được ví như cây “vàng”, bởi đã giúp nhiều người dân trong huyện có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng

Chúng tôi tìm về xã Hoàng Cương, nơi có diện tích trồng cây gai xanh lớn nhất của huyện. Được biết, Hoàng Cương là xã mới được sáp nhập trên cơ sở hình thành của 3 xã: Thanh Xá, Yên Nội, Hoàng Cương. Với đặc điểm đời sống của nhân dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng keo, bạch đàn và vườn tạp, hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2018, nhận thấy tiềm năng đất đai có thể chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế, với sự giúp đỡ của huyện Thanh Ba và Công ty CP Nông nghiệp An Phước, cây gai xanh được đưa vào trồng thử nghiệm tại xã. Qua 2 năm thử nghiệm, loại cây trồng này đã mang lại tín hiệu tích cực về hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Trên con đường về các khu trong xã, một màu xanh mướt của cây gai xanh đã hiện diện trên đất sườn đồi ra đến cả vùng đất bãi. Trên những cánh đồng gai, người dân cặm cụi, cần mẫn thu hoạch, ai ai cũng tươi vui, phấn khởi vì cây sinh trưởng tốt, tiêu thụ nhanh và giá thành ổn định. Vừa nhanh tay cắt gai, bà Nguyễn Thị Loan ở khu 2 vừa phấn khởi: Cuối năm 2018, thực hiện chủ trương dồn đổi ruộng đất, gia đình đã mạnh dạn nhận diện tích 5ha đất xấu, khó canh tác để trồng cây gai xanh. Lúc đầu, gia đình trồng thử nghiệm 1ha, đến tháng 3/2019 được thu hoạch lần 1 với sản lượng hơn 8 tạ, bán được gần 37 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 20 triệu đồng. Từ vụ thứ 2, chỉ sau 2 tháng được thu hoạch 1 lần mà sản lượng được nâng lên, đạt 1 tấn/ha. Năm thứ 2 trở đi, cây gai cho thu hoạch từ 1-1,3 tấn khô/vụ/ha.  Như vậy, trung bình cứ 1 năm được thu hoạch từ 4-5 lần. Hiện nay, gia đình tôi đã mở rộng diện tích trồng cây gai xanh lên 3ha, 2ha còn lại gia đình trồng gai giống để giao cho các địa phương khác trong huyện. Theo tính toán của gia đình, trừ chi phí, bình quân 1ha trồng gai xanh cho thu lãi từ 120-150 triệu đồng.

Là một trong những cán bộ, đảng viên đi đầu trong việc đưa cây gai xanh vào canh tác, ông Phạm Minh Phụng- Trưởng khu 10 chia sẻ: Cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình tôi đã đi đầu trong việc nhận trồng 1,5ha trên đất đồi, trong đó trồng thử nghiệm 4 sào cây gai trên diện đất đồi. Qua các lứa thu hoạch thấy hiệu quả rõ rệt, cao gấp 3 lần cây ngô và 4 lần cây sắn nên gia đình đã mở rộng diện tích 1,5ha.

Khoát một vòng tay như muốn ôm trọn cánh đồng trồng cây gai xanh, trong niềm hứng khởi, ông Phạm Đức Dũng – Chủ tịch UBND xã Hoàng Cương cho hay: “Đầu năm 2018, khi huyện chủ trương đưa cây gai xanh về trồng thí điểm tại xã, nhiều hộ dân còn chưa hẳn tin tưởng về hiệu quả. Qua thực tế tại một số địa phương ở ngoài tỉnh thấy cây trồng này mang lại hiệu quả rõ rệt nên chúng tôi đã tuyên truyền, vận động để người dân tin tưởng và hiệu quả cũng đã chứng minh được từ thực tế. Từ 1ha trồng thử nghiệm vào đầu năm 2018 đến hết tháng 4 năm 2020, xã đã phát triển lên gần 11,83ha. Bình quân, 1ha sẽ thu được 1 tấn khô, bán với giá được 44 triệu đồng; 1 năm cây sẽ cho thu 5 lứa. Cây sinh trưởng và phát triển trong vòng 10 năm. Như vậy, mỗi ha cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, cao gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa và các loại cây rau màu khác. Hơn nữa, cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, chỉ cần đất không ngập úng là phù hợp”. Để tạo đầu ra ổn định, từ năm 2019, Hợp tác xã Gai Cường Thịnh thành lập và đi vào hoạt động, tổ chức liên kết giữa hợp tác xã, hộ gia đình và Công ty CP nông nghiệp An Phước nhằm hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

t9-03-1597969800
Cây gai xanh góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân trong huyện.

Rời Hoàng Cương, chúng tôi về xã Võ Lao, Khải Xuân, Hanh Cù, Đông Thành cũng là những địa phương có nhiều diện tích trồng gai xanh. Trong màu xanh ngút ngàn của những cánh đồng gai xanh, bà Trần Thị Quyên – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Ba nhớ lại: “Lúc đầu tuyên truyền, vận động người dân trồng cây gai xanh còn gặp khó khăn do tâm lý ngại chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, được sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên xung phong đi trước, làm trước và sau khi có hiệu quả thực tế thì người dân đã thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất bãi cao, đất màu đồi thấp, vườn nhà, đất ruộng cao hạn để trồng cây gai xanh”.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 20/12/2019 của HĐND huyện Thanh Ba về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện, đến nay, toàn huyện đã phát triển trồng cây gai trên địa bàn 5 xã là Hoàng Cương, Võ Lao, Khải Xuân, Hanh Cù, Đông Thành với tổng diện tích 25ha. Huyện đã hỗ trợ 50% giá giống, tương ứng là 600 nghìn đồng/sào. Công ty CP nông nghiệp An Phước đã ký quỹ bảo lãnh tại Ngân hàng CP Bưu điện Liên Việt là cứ 500 triệu đồng/20ha trồng mới trong trường hợp nếu như Công ty không thu mua sản phẩm cho người dân.

Ông Nguyễn Trung Tình- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trong thời gian tới huyện tập trung mở rộng diện tích trồng cây gai xanh ở các xã Hoàng Cương, Mạn Lạn, Hanh Cù, Chí Tiên, Khải Xuân, Quảng Yên, Võ Lao, Đông Lĩnh, Đại An và Vân Lĩnh. Đồng thời, rà soát các diện tích đất ven đồi, đất rộc, đất sản xuất lúa, ngô hiệu quả thấp, đất vườn tạp, đất ven đường, đất khó khăn về nguồn nước canh tác cây hàng năm… khuyến khích chuyển đổi sang trồng cây gai xanh, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững trên địa bàn”.

Cây gai xanh trên đồng đất Thanh Ba đã cho hiệu quả thiết thực mà người dân đã nhìn thấy. Điều quan trọng là các cấp ủy, chính quyền huyện cần quyết liệt hơn nữa để nông dân thay đổi từ nhận thức đến hành động, tích cực tham gia trồng và phát triển cây gai xanh đạt hiệu quả cao, xây dựng cuộc sống ngày thêm ấm no.

Ánh Dương