Cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ các hợp tác xã khôi phục và phát triển sản xuất

0
253

Sáng ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Thay mặt Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường tham dự Hội nghị.

Huy động các nguồn lực hiện có để duy trì, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh

Trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước thành lập mới 1069 hợp tác xã (HTX), 8 liên hiệp HTX (LHHTX) và 422 tổ hợp tác (THT). Đến nay, toàn quốc có tổng số 26.593 HTX (17.363 HTX nông nghiệp; 8.042 HTX phi nông nghiệp; 1.188 Quỹ tín dụng nhân dân); 106 LHHTX; 119.670 THT.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, hơn 8 triệu thành viên và người lao động trong các HTX, LHHTX, THT (gọi chung là HTX) đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, huy động các nguồn lực hiện có để duy trì, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các HTX tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng, là lực lượng chủ lực cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, đặc biệt là các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Báo cáo của Liên minh HTX các tỉnh, thành phố cho thấy, phần lớn HTX đang gặp khó khăn chung do chi phí sản xuất tăng (chi phí nhân công, vật tư đầu vào, logistic…); sản phẩm, hàng hóa tồn đọng, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn về logistic, nơi tiêu thụ, giá cả; doanh thu, thu nhập của HTX, thành viên và người lao động giảm, đặc biệt là 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; Hơn 90% HTX giảm doanh thu, thu nhập, phải cắt giảm lao động; Khoảng 60% HTX gặp khó khăn về tài chính, dòng tiền; Gần 40% HTX tạm ngừng hoạt động, chủ yếu là các HTX phi nông nghiệp, đặc biệt là các HTX hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vận tải hành khách và du lịch; Thị trường các yếu tố đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…) và đầu ra cho nông sản do các HTX sản xuất (thanh long, vải, xoài, thủy sản …) phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, trong khi đó, thị trường này thời gian qua rất thiếu ổn định; Lao động bị cắt giảm, nghỉ việc không lương chiếm hơn 50% tổng số lao động.

“Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thời gian qua đã ban hành kịp thời nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các HTX nắm bắt, tiếp cận, thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương về an sinh xã hội, thuế, phí, hỗ trợ tín dụng,… đặc biệt là các chính sách hỗ trợ có tính bao quát, toàn diện được quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19″ – Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Hỗ trợ bà con HTX, THT tiêu thụ nông sản tại hệ thống siêu thị. Ảnh: Internet

 

 

Liên minh Hợp tác xã Việt nam cũng đã huy động tổng hợp các nguồn lực trong và ngoài hệ thống để hỗ trợ các HTX khắc phục khó khăn, duy trì, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh: (1) Triển khai Chương trình kết nối cung – cầu, tiêu thụ hàng hóa do các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi cung ứng; đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội – Chương trình 503 (Chương trình đã hỗ trợ HTX tiêu thụ hơn 50.000 tấn nông sản, thủy, hải sản các loại; cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, nhất là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội); (2) Hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX từ Trung ương đến địa phương nắm sát tình hình hoạt động và yêu cầu của các HTX, kịp thời tái cơ cấu nợ, giãn nợ, ra hạn nợ, cho vay mới,… để giúp các HTX khắc phục khó khăn về vốn, đầu tư khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh; (3) Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao KHCN, xúc tiến thương mại, đào tạo bồi dưỡng, đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của HTX, tổng hợp, báo cáo, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ với Chính phủ, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương; Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố và các HTX xây dựng phương án khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh thích ứng với diễn biến của dịch bệnh Covid-19; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, góp sức cùng hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành các mục tiêu do Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Thích ứng an toàn, linh hoạt, phục hồi và phát triển kinh tế

Kết luận Hội nghị sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đưa chính quyền gần dân hơn, gần doanh nghiệp hơn; doanh nghiệp, người dân đến với chính quyền gần hơn. Với các giải pháp dựa trên cơ sở thực tiễn, khoa học, chúng ta có thể yên tâm, tự tin để chuyển đổi trạng thái, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế. Thời gian tới, chúng ta cần có giải pháp căn cơ, chiến lược hơn trong phòng phòng dịch, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cường, nâng cao năng lực ngành y tế và phát triển ngành công nghiệp dược.

Để có thể yên tâm, tự tin để chuyển đổi trạng thái, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương:

(1) Ưu tiên tiêm vắc xin cho thành viên và người lao động trong HTX tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu (HTX nông nghiệp, HTX vận tải, HTX thương mại và dịch vụ); thành viên và người lao động của HTX vệ sinh môi trường; các thương lái tham gia thu mua, đóng gói, vận chuyển nông sản, hàng hóa của các HTX (lực lượng này hiện thu mua, vận chuyển khoảng 85% khối lượng nông sản của các HTX);

Ưu tiên tiêm vắc xin cho thành viên và người lao động trong HTX tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Ảnh: Internet

 

 

(2) Chính phủ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành các chính sách cụ thể, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ;

(3) Sớm có phương án khôi phục hoạt động của các chợ truyền thống, chợ đầu mối; hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến để thông qua đó khôi phục chuỗi cung ứng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho HTX;

(4) Có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất, nhập khẩu với thị trường Trung Quốc;

(5) Có chính sách hỗ trợ các HTX: ổn định giá vật tư đầu vào, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin mở rộng thị trường; khuyến khích tiếp nhận, tạo việc làm cho lực lượng lớn lao động thời gian qua phải di chuyển từ các thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung về nông thôn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động;

(6) Thực hiện gói tín dụng từ chính sách tiền tệ hoặc bảo lãnh của Nhà nước từ chính sách tài khoá với lãi suất thấp, thời hạn từ 1 – 2 năm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX dự trữ nguyên liệu, nông sản;

(7) Thực hiện các giải pháp về chính sách tài khoá để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, vừa giúp tạo việc làm trong ngắn hạn, vừa tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn;

(8) Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ để tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; điều hành linh hoạt tỷ giá, phù hợp điều kiện của thị trường để tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.

 

Theo Liên minh HTX Việt Nam