Quế Văn Yên – món quà trời ban giúp người dân xóa đói giảm nghèo

0
226

Là một trong “tứ bảo đông y” và là nguyên liệu mỹ phẩm, gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn, quế Văn Yên được cho là giống quế tốt nhất Việt Nam, có hàm lượng tinh dầu cao thứ 2 ở Việt Nam.

Thu hoạch quế Văn Yên.Thu hoạch quế Văn Yên.
Ghé thăm huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, điều khiến người ta ấn tượng nhất chính là cây quế. Đi đâu cũng gặp quế, nhà nào cũng có quế.
Cây quế dường như đi vào không chỉ đời sống vật chất, mà còn gắn bó với cuộc sống tinh thần của người dân Văn Yên.
Món quà “trời ban”
Quế là một sản phẩm dùng làm gia vị rất được ưa chuộng không chỉ tại Việt Nam mà còn trên cả thế giới. Sản phẩm chủ yếu được khai thác từ vỏ thân, vỏ cảnh và tinh dầu được chưng cất từ vỏ hoặc lá.
Trong y học, quế được dùng để chữa trị các triệu chứng về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, quế có thể được sử dụng làm nước hoa, kem dưỡng da. Quế cũng được dùng làm gia vị chế biến thức ăn, giúp kích thích tiêu hóa, làm hương liệu trong nhiều lĩnh vực sản xuất.
Với mùi thơm đặc trưng và màu sắc đẹp mắt, quế cũng được sử dụng trong trang trí nội thất, làm đồ mộc, đồ gia dụng, được nhiều người ưa thích.
Huyện Văn Yên được biết đến là thủ phủ của cây quế, với diện tích và sản lượng lớn nhất cả nước, lên tới 16.000ha.
Là một trong “tứ bảo đông y” và là nguyên liệu mỹ phẩm, gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn, quế Văn Yên được cho là giống quế tốt nhất Việt Nam, có hàm lượng tinh dầu cao thứ 2 ở Việt Nam (sau quế Trà My).
Từ xa xưa cây quế đã được người Dao, huyện Văn Yên trồng. Người Dao quan niệm khi những đứa con đến độ tuổi lao động (từ 10 tuổi trở lên) không kể trai hay gái đều được bố mẹ hướng dẫn cách trồng và chăm sóc quế. Đến 15 tuổi bố mẹ sẽ “để lối” cho con hay nói cách khác là để một phần diện tích trồng quế của bố mẹ cho người con tự trồng, chăm sóc và thu hoạch.
Với đức tính chịu khó, cần cù và những kinh nghiệm trồng quế của ông cha truyền lại như kỹ thuật chọn giống, ươm giống, trồng cây, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản…những người con của đất quế khi lập gia đình đều có số tài sản nhất định giúp tạo lập cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên, những năm trước đó, vỏ quế thu hoạch chủ yếu được các gia đình dùng làm quà biếu cho người thân hoặc bán cho thương lái với giá thấp, vì thế không ai coi quế là nguồn thu chính.
Cho đến những năm gần đây, cây quế đã trở thành cây trồng chủ lực có giá trị cao, là nguyên liệu quý để sản xuất trong ngành dược liệu, mỹ phẩm, chế biến đồ mỹ nghệ, nên người dân ở Văn Yên ai cũng coi quế là lộc trời ban.
Tiềm năng khai thác đa dạng
Thời điểm cuối năm, bắt đầu từ tháng 8, nông dân trồng quế trên địa bàn huyện Văn Yên vào mùa thu hoạch để cung cấp nguyên liệu tích trữ cho các nhà máy, cơ sở chưng cất tinh dầu.
Phơi quế. 
Từ vỏ, gỗ, lá đến gốc rễ quế đều có giá trị sử dụng nên cây quế được coi là cây trồng đa lợi ích, cho giá trị kinh tế cao, các sản phẩm quế trên thị trường tương đối ổn định.
Huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái hiện có gần 50.000 ha diện tích đất trồng quế. Với khí hậu và đất đai phù hợp cây quế sinh trưởng và phát triển tốt mỗi năm huyện xuất ra thị trường trong nước và quốc tế khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại, sản lượng cành lá quế khoảng 63.000 tấn/năm, sản lượng tinh dầu khoảng 300 tấn/năm, sản lượng gỗ quế gần 51.000 m3/năm.
Quế trồng từ 4 năm trở lên là bắt đầu cho chặt tỉa, bán cũng được vài trăm nghìn đồng một mét khối để làm củi. Quế từ 5 năm tuổi trở lên là có thể bóc vỏ, thu lá. Cây càng nhiều tuổi thì lợi nhuận càng cao.
Vài năm trở lại đây, khi diện tích quế ở tỉnh Quảng Nam bị thu hẹp thì quế ở Văn Yên càng lên ngôi. Giá nguyên liệu thô rất cao, người dân thu nhập tốt nên hiện nay, tất cả các xã của huyện đều trồng quế, cung cấp nguyên liệu chế biến và các dịch vụ phụ trợ ăn theo như sản xuất cây giống, bóc ván ép… cho gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn hoạt động.
Nhận thấy, loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao, người Dao, người Tày, người H’Mông… ở khắp 27 xã, thị trấn đều nhận đất trồng quế. Hằng năm diện tích quế trồng mới và trồng vào diện tích đã khai thác từ 1.800ha đến 2.000ha/năm.
Cây quế từ cây xóa đói giảm nghèo giờ đây là cây làm giàu cho bà con trong huyện, nguồn thu từ cây quế mang lại cho người dân Văn Yên mỗi năm trên 700 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4 triệu đồng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo đà cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và bảo vệ môi trường.
Huyện Văn Yên đã xây dựng chỉ dẫn địa lý Quế Văn Yên cho 8 xã vùng Quế từ năm 2010 (gồm Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Tân Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng).
Quế Văn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ tháng 1/2010 và được Vương quốc Thái Lan bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ tại Thái Lan từ năm 2020.
Đặc biệt, từ ngày 1/8/2020, quế Văn Yên, tỉnh Yên Bái là một trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)
Hướng tới hình thức sản xuất hữu cơ
Hiện nay, theo quy hoạch sản xuất quế an toàn theo hướng hữu cơ tại các vùng trồng quế trọng điểm của tỉnh, diện tích được cấp chứng chỉ quế hữu cơ đạt chuẩn quốc tế trên 4.500 ha bằng 450% so với kế hoạch đề ra là 1.000ha.
Bóc vỏ quế.
Thực tế cho thấy, xu hướng sản xuất quế sạch, an toàn là tất yếu, có tính bền vững cao, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng và chế biến quế mà góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho dân vùng trồng quế.
Điển hình trồng và sản xuất quế sạch, quế hữu cơ dẫn đầu tỉnh Yên Bái là huyện Trấn Yên, chất lượng quế ở đây được xếp vào hàng đầu cả nước bởi hàm lượng tinh dầu cao. Toàn huyện hiện có 8.000 ha quế sản xuất theo hướng hữu cơ; trong đó, có 2.000 ha quế hữu cơ đạt chuẩn quốc tế.
Ngoài việc chọn giống quế chuẩn có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, cây sạch bệnh thì trong quá trình trồng, chăm sóc phải được áp dụng phương pháp canh tác đặc biệt, đó là không phun thuốc trừ cỏ mà tiến hành phát cỏ; không bón phân hóa học khi cây quế từ 4-5 tuổi trở lên, nhất là không tỉa cành để đảm bảo lượng tinh dầu không giảm sút.
Quế trồng theo phương pháp hữu cơ không chỉ nâng cao tỷ lệ lượng tinh dầu quế mà còn có chất lượng tinh dầu vượt trội, đáp ứng yêu cầu của khách hàng quốc tế. Đặc biệt giá bán rất cao đã giúp công ty tái đầu tư và mua lại nguyên liệu của người dân.
Đánh giá việc trồng quế theo hướng hữu cơ, ông Nhâm Xuân Trường, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Yên Bái cho biết, cây quế trồng theo phương pháp hữu cơ đã mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn định và là cây làm giàu cho người dân nhiều địa phương của tỉnh Yên Bái.
Bên cạnh đó, cây quế còn là cây đa lợi ích, góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen quý của cây bản địa.
Theo Vietnam+