Cây dược liệu đổi thay tư duy sản xuất đồng bào vùng cao

0
298

Không chỉ cho thu nhập cao, cây dược liệu còn giúp đổi thay tư duy, tập quán canh tác của bà con, là điều kiện để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững

 

Thu nhập gấp 3 – 4 lần trồng ngô, sắn

Ông Thào Quán Thành ở thôn Sán Trá (xã Lùng Cải, huyện Bắc Hà, Lào Cai) cho biết, trước đây diện tích đất canh tác của gia đình chỉ trồng cây ngô, cây sắn. Cho đến năm 2017, trong một lần đi tập huấn và tận mắt thấy hiệu quả của trồng dược liệu thì năm 2019 ông quyết định chuyển sang trồng dược liệu.

Ngày xưa trồng lúa, trồng ngô theo phương pháp truyền thống, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên hiệu quả không cao. Có vụ mất mùa do mưa đá hoặc bão lũ, đặc biệt có vụ ngô bị mốc, hỏng chỉ cho con lợn, con gà ăn.

Củ cát cánh của người dân Bắc Hà cho chất lượng tốt. Ảnh: ĐH.

Củ cát cánh của người dân Bắc Hà cho chất lượng tốt. Ảnh: ĐH.

 

“Từ khi trồng dược liệu, mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này đủ chi phí sinh hoạt gia đình và mua sắm những vật dụng cần thiết như tivi, tủ lạnh, xe máy…”, ông Thành cho biết.

Hiện gia đình ông trồng 3 ha tam thất nam, 5 ha địa liền. Cả 2 loại cây này trồng từ cuối tháng 11 năm trước kéo dài đến tháng 12 năm sau là cho thu hoạch.

Các cây này bản chất là cây có ngoài đồi rồi nay chỉ trồng trên diện tích lớn, thương phẩm. Do phù hợp thổ nhưỡng điều kiện khí hậu nên cây sinh trưởng tốt, ông Thành thông tin thêm.

Quá trình trồng dược liệu, người dân phải tuân thủ các quy trình, kỹ thuật nghiêm ngặt. Trước đó, toàn bộ diện tích trồng đều được các doanh nghiệp dược liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm với bà con tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước tưới để kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu hóa chất trong đất, đảm bảo không có chất độc hại.

Thay vì tự do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc trừ cỏ như trồng ngô, trồng sắn trước đây, khi chuyển qua trồng cây dược liệu, toàn bộ quá trình chăm sóc, bà con phải tuân theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, không được sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, các chất cấm… Nhờ đó, môi trường sinh thái ngày càng được cải thiện.

Gia đình ông Ngải Seo Phà ở thôn Lả Dì Thàng (xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà) hiện trồng 5 ha cát cánh, 3 ha địa liền, 2 ha tam thất nam. Ông Phà cho biết, hiện nay gia đình đã xây được ngôi nhà mới.

Đây là niềm mơ ước của những hộ dân vùng cao bởi thu nhập của họ rất thấp, chưa kể tới chi phí để xây nhà ở vùng này khá cao do địa hình, đường sá vận chuyển vật liệu rất tốn kém.

Ông Phà cho biết, khi chuyển sang trồng dược liệu, cùng một diện tích trên đất trồng ngô trước đây nhưng thu nhập gấp 3 – 4. Nhà có 4 người lớn hiện nay chủ yếu ở nhà chăm sóc số dược liệu đã trồng, không phải đi làm xa, làm thuê bên Trung Quốc như trước kia.

Cán bộ kỹ thuật hỗ trợ bà con Bắc Hà trồng dược liệu ngay tại đồng ruộng. Ảnh: ĐH.

Cán bộ kỹ thuật hỗ trợ bà con Bắc Hà trồng dược liệu ngay tại đồng ruộng. Ảnh: ĐH.

 

 

Bà Nguyễn Thị Huê, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết, Trung tâm đã phối hợp với một số tổ chức và UBND các xã đã thành lập các tổ nhóm, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người dân qua cán bộ khuyến nông.

Đặc biệt, từ việc trồng dược liệu, đã giúp chị em phụ nữ, nhất là đồng bào thiểu số có chính kiến trong việc lựa chọn loại trồng cây gì để mang lại hiểu quả kinh tế cao hơn cho gia đình họ.

 

Thay đổi tư duy, tập quán sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững

Ông Sùng Seo Sếnh, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Cồ Dề Chải (huyện Bắc Hà) – đơn vị thu mua dược liệu của bà con cho biết: Cứ 2 – 3 tháng, HTX tập huấn nhắc lại quy trình cho những hộ tham gia trồng dược liệu một lần.

Những loại cây dược liệu rất phù hợp điều kiện tự nhiên, thời tiết ở Bắc Hà. Tuy nhiên, khi thu hoạch, bà con phải lưu ý không được để lẫn lộn các loại cây và những dụng cụ dùng để đựng hoặc vận chuyển phải đảm bảo sạch sẽ và khô ráo.

“Hiện nay, HTX đã bắt đầu triển khai mô hình tưới nhỏ giọt, tưới phun sương trên diện tích trồng dược liệu. Đây công nghệ tưới của Israel đã được làm mô hình ở HTX và sẽ triển khai xuống diện tích trồng của các hộ dân”, ông Sếnh nói.

Hiện nay, tại Bắc Hà, mô hình hợp tác đồng đầu tư trồng dược liệu được triển khai phổ biến với số lượng lớn nông dân tham gia. Có 35 tổ nhóm liên kết sản xuất cây dược liệu với 722 hộ gia đình và 1.622 người hưởng lợi, trong đó chủ yếu là người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ đó tạo được vùng trồng dược liệu được ổn định với diện tích khoảng 100 ha, trong đó 26 ha đã được cấp Giấy chứng nhận GACP (Tiêu chuẩn trồng và thu hái dược liệu của Bộ Y tế).

Tại Bắc Hà, hiện có 2 HTX tham gia hỗ trợ bà con trồng, chăm sóc và tiêu thụ dược liệu. Trong đó, HTX Cồ Dề Chải đã xây dựng được xưởng sơ chế chuyên dành cho dược liệu, là nơi tổ chức các buổi giao lưu học tập kinh nghiệm về dược liệu cho người dân trong số các hộ dân.

Không chỉ cải thiện thu nhập, trồng dược liệu đã góp phần cải thiện môi trường sinh thái bền vững, tạo điều kiện xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: ĐH.

Không chỉ cải thiện thu nhập, trồng dược liệu đã góp phần cải thiện môi trường sinh thái bền vững, tạo điều kiện xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: ĐH.

 

 

 

HTX Công nghệ cao Lùng Phình hỗ trợ quy trình trồng, chăm sóc, thu hái dược liệu, quản lý nhà sấy năng lượng mặt trời; hỗ trợ người dân sấy cả nông sản khi họ có nhu cầu… Tại đây, một số mô hình rau củ, dâu tây đã được triển khai để kết nối và tập hợp các thành viên còn lại của các hộ tham gia trồng dược liệu.

Ông Nguyễn Duy Giang, Giám đốc HTX Công nghệ cao Lùng Phình cho biết: Mô hình trồng cây dược liệu đã thực sự làm thay đổi một phần tư duy và cách nghĩ của người dân, tạo sự chuyển biến, thay đổi cách làm trong việc trồng trọt và chăm sóc cây, bao gồm cả cây rau màu và một số cây dược liệu.

Nhiều hộ đã tự tin chuyển đổi từ trồng cây truyền thống như ngô, rau hoặc vườn tạp sang trồng cây dược liệu. Một số diện tích trước đây bỏ hoang do không có nguồn nước, sau khi được đầu tư khoan giếng, lập ao chứa nước hoặc hỗ trợ dây ống dẫn nước đã được dùng để trồng những loại dược liệu mới…

Việc trồng cây dược liệu cũng đồng thời phải đi đôi với việc tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, hạn chế được sự lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV, các hóa chất độc hại, là nền tảng quan trọng để tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái…

 

 

Đăng Hải – Thùy Anh/theo Nông nghiệp Việt Nam