Tạo sinh kế thoát nghèo trên vùng đất khó

0
175

Với mục tiêu giảm số hộ nghèo hằng năm, hạn chế tối đa tái nghèo và phát sinh nghèo, những năm vừa qua, huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã quyết liệt đưa các chính sách giảm nghèo bền vững vào cuộc sống. Đặc biệt, một số mô hình HTX đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.

 

Các HTX đã có bước phát triển nhanh, mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu, tạo công ăn việc làm cho lao động, liên kết cùng hàng nghìn hộ nông dân trong sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

“Trái ngọt” trong giảm nghèo

Nậm Khắt là một xã có điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn của huyện Mù Cang Chải. Sinh kế của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó cây trồng chủ lực vẫn là cây lúa, ngô.

 

Sau một thời gian tìm hiểu, HTX Sản xuất Nấm ăn và Nấm dược liệu Mù Cang Chải đã đưa cây cải mầm đá vào trồng thử nghiệm tại xã Nậm Khắt. Đầu năm 2022, rau cải mầm đá bắt đầu cho thu hoạch, đem lại nhiều tín hiệu khả quan.

 

Anh Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc HTX Sản xuất Nấm ăn và Nấm dược liệu Mù Cang Chải chia sẻ, qua nghiên cứu, HTX nhận thấy khí hậu ở Mù Cang Chải rất giống với Sa Pa (Lào Cai) nên đã quyết định đầu tư trồng thử nghiệm giống rau cải mầm đá với mong muốn cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng để dần thay thế sản phẩm rau nhập từ Trung Quốc.

-2348-1693365734.jpg

Một số mô hình HTX đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.

 

 

Trung bình mỗi cây rau mầm đá có trọng lượng 1,5 – 2 kg, sản lượng thu hoạch vụ đầu tiên đạt khoảng 30 tấn/ha, doanh thu khoảng 300 triệu đồng/ha. HTX chủ yếu xuất bán cho các trường học trên địa bàn huyện và tỉnh Sơn La, thành phố Hà Nội với giá từ 25 – 30 ngàn đồng/kg”.

Không những đem lại lợi nhuận, khi HTX Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải về đầu tư sản xuất nông nghiệp tại xã Nậm Khắt còn giải quyết được việc làm thường xuyên cho một bộ phận người dân bản địa.

HTX thuê lao động tại địa phương từ 8 – 10 người làm thường xuyên. Với kế hoạch mở rộng diện tích trồng lên 9 ha vào thời gian tới, khi đó cần 15 – 20 người liên tục với mức ngày công bình quân đạt 130 ngàn đồng/người.

Chị Hảng Thị Sú, một người dân tại xã Nậm Khắt không khỏi vui mừng khi được tham gia vào HTX Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải. Theo chị Sú, khi được vào làm tại đây có thu nhập cao hơn nhiều so với trước đây trồng lúa 1 vụ/năm. Hiện tại, mỗi tháng cả hai vợ chồng chị được HTX trả công khoảng 9 – 10 triệu đồng.

Ông Thào A Phềnh, Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết: “Bước đầu chúng tôi đánh giá mô hình trồng rau cải mầm đá chắc chắn mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, cao hơn so với trồng lúa. Địa phương sẽ tuyên truyền cho bà con nông dân ở trên địa bàn áp dụng kỹ thuật, học hỏi nhà đầu tư để mở rộng thêm diện tích, tăng thêm thu nhập trên một diện tích nông nghiệp để góp phần trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.

 

Nông nghiệp khởi sắc, nông dân thoát nghèo

Không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các tổ hợp tác, HTX trồng rau củ quả ở huyện Mù Cang Chải đang tích cực giúp thành viên, người dân giảm nghèo từ liên kết sản xuất cây rau màu.

 

Những năm gần đây, các tổ hợp tác, HTX ở huyện Mù Cang Chải không chỉ sản xuất một cách đơn thuần mà đã có sự đầu tư, mở rộng quy mô, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật theo hướng sạch, an toàn.

 

Tiêu biểu là mô hình sản xuất của HTX Hội Nông dân Mù Cang Chải, thị trấn Mù Cang Chải, đi vào hoạt động từ năm 2019, dưới sự định hướng của các cấp ngành, các thành viên đã chú trọng sản xuất rau trong nhà màng theo tiêu chuẩn an toàn từ khâu chọn đất, nước tưới, làm đất, trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế sản phẩm… HTX cũng đã hoàn thiện xong khu vực sơ chế, kho bảo quản lạnh, khu bày bán sản phẩm với kinh phí trên 1 tỷ đồng.

 

Chị Giàng Thị Thanh Mơ, Phó Giám đốc HTX cho biết: Rau của bà con muốn đi vào các cơ quan sự nghiệp thì cần có một đơn vị đứng ra thu mua, đảm bảo. Bởi vậy HTX thành lập với mục tiêu không chỉ trở thành nơi sản xuất mà còn tiêu thụ sản phẩm, tạo thu nhập cho nông dân, đồng thời cũng hình thành thói quen, tập quán canh tác đúng kỹ thuật, đúng quy trình cho mọi người.

 

Cũng lựa chọn trồng rau an toàn, Tổ hợp tác trồng nông sản sạch ở xã Dế Xu Phình đã đầu tư trồng rau trong nhà màng với diện tích 1.000 m2. Hiện, các thành viên Tổ hợp tác đầu tư vào trồng rau trái vụ để thu hút người mua, như: bắp cải, cải mèo, cà chua, rau gia vị…

 

Chị Lý Thị Cha, Tổ trưởng Tổ hợp tác chia sẻ, trồng rau trong nhà màng khắc phục được sự ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường, thời tiết, sâu bệnh đối với nông sản, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm. Bởi vậy, bản thân các thành viên Tổ hợp tác cần phải thay đổi để hình thành cho mình tập quán canh tác, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

-3000-1693365734.jpg

Các HTX ở Mù Cang Chải đã mang lại hiệu quả bền vững, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con địa phương.

 

 

Chị Lý Thị Cha cho biết, với quy mô 1.000 m2, Tổ hợp tác thu về trung bình 50 triệu đồng mỗi vụ. Tính ra, việc trồng rau cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng ngô.

 

Hiện, Mù Cang Chải đã hình thành được một số mô hình liên kết chuyên sản xuất rau an toàn như HTX rau hoa Nậm Khắt, HTX nông nghiệp sạch T&D… Các HTX, tổ hợp tác đã góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động cho đồng bào nơi đây, góp phần từng bước xóa đói, giảm nghèo ở vùng đất khó.

 

Giảm nghèo gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội

Ông Lê Trọng Khang, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải chia sẻ, là một trong số những huyện đặc biệt khó khăn, hưởng chế độ đặc thù theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, với hơn 90% dân số là đồng bào H’Mông sống ở nông thôn miền núi, cho nên công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Mù Cang Chải luôn được ưu tiên hàng đầu.

 

Thông qua các HTX, huyện Mù Cang Chải đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, những cánh đồng vốn chỉ trồng lúa một vụ kém hiệu quả đã trở thành những cánh đồng cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

 

Đây là hướng đi mới, cách làm năng động trong chuyển hướng tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, qua đó mang lại hiệu quả bền vững, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con nơi đây.

 

Thời gian tới, huyện Mù Cang Chải tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích trồng rau cải mầm đá, trồng rau, hoa trên những diện tích lúa một vụ kém hiệu quả và nhân rộng các mô hình này trên địa bàn toàn huyện.

 

Trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Mù Cang Chải giảm dần, nhiều hộ đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều mô hình kinh tế giỏi được nhân rộng.

 

“Bên cạnh việc nâng cao ý thức tự lực vươn lên cho đồng bào, huyện đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… để phát triển kinh tế – xã hội. Huyện thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hỗ trợ hộ nghèo về dân sinh và tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, nhà ở, giải quyết việc làm và đào tạo nghề… Các chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống đã mở ra cơ hội cho hàng ngàn người nghèo ở huyện Mù Cang Chải có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, từng bước cải thiện điều kiện sống. Huyện Mù Cang Chải phấn đấu đến năm 2025 cơ bản thoát nghèo và đến năm 2030 không còn là huyện nghèo của cả nước”, ông Lê Trọng Khang cho hay.

 

 

Theo VNBusiness

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here