Tùy vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương nhưng giá mua mía làm sao cho bù đắp đủ các chi phí đã bỏ ra và cộng thêm khoảng 10% để người nông dân có thể tồn tại và tiếp tục trồng mía.
Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết ngành mía đường Việt Nam đang khẩn trương chuẩn bị cho công tác vào vụ ép mía 2019 – 2020. Dự kiến vào trung tuần tháng 10/2019 một số nhà máy thuộc đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào vụ ép.
Tuy nhiên, ngành đường đang gặp phải những trở ngại chưa từng có trong lịch sử của ngành, khi lượng đường tồn kho từ vụ trước vẫn đang còn nhiều dưới tác động của đường nhập lậu, gian lận thương mại, giá bán đường quá thấp và áp lực từ việc thực thi cam kết ATIGA kể từ ngày 1/1/2020.
VSSA đã có công văn số 106/CV-HHMĐ gửi Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn xin chỉ đạo về định hướng giá thu mua mía cho vụ sản xuất 2019 – 2020 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo.
Do đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp khi triển khai giá mua mía và giá bán đường niên vụ 2019 – 2020 cần bảo đảm giá mua mía nông dân có thể sống được với cây mía vì nếu nông dân không tiếp tục trồng mía thì sẽ không còn nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động chế biến.
“Đề nghị các doanh nghiệp tùy vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương để cùng với nông dân xây dựng giá mua mía sao cho bù đắp đủ các chi phí đã bỏ ra có cộng thêm khoảng 10% để người nông dân có thể tồn tại và tiếp tục trồng mía”, VSSA nhấn mạnh.
Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp tùy vào tình hình tài chính thực tế để xây dựng giá bán đường hợp lí, bảo đảm hài hòa lợi ích nông dân, nhà máy và người tiêu dùng và tuyệt đối không bán phá giá dưới giá thành sản xuất.
Cũng theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam việc thực hiện theo khuyến cáo này là vô cùng khó khăn nhưng sẽ không còn lựa chọn nào khác để duy trì ngành đường Việt Nam.
Nguồn: vietnambiz