HTX Bình Thuận: Sản xuất đi liền với bảo vệ môi trường

0
638

Cùng nhau liên kết sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác đã giúp các thành viên HTX Trồng cây ăn quả và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (Bình Thuận, Văn Chấn, Yên Bái) gặt hái được những kết quả tích cực trong việc ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất đồng bộ và tìm đầu ra. Mô hình sản xuất của HTX cũng góp phần tích cực vào việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc và bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương.

Hoạt động theo Luật HTX 2012, HTX Bình Thuận đang phát huy tinh thần tự nguyện, dân chủ, tự chịu trách nhiệm, cùng có lợi, hợp tác và phát triển của các thành viên, trong đó có việc tự nguyện góp vốn, góp sức, phát huy sức mạnh tập thể, cùng nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa HTX đi lên theo hướng bền vững.

Nền tảng từ VietGAP

Đi vào hoạt động từ năm 2017, HTX Bình Thuận đang tập trung sản xuất cây ăn quả có múi (cam Canh, cam Sen, cam Sành, cam Vinh…) trên diện tích 56 ha theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP.

Theo Ban giám đốc HTX, Bình Thuận thành lập trên cơ sở diện tích cây có múi có sẵn của các hộ đơn lẻ trước đây. Tuy nhiên, do sản xuất nông hộ manh mún, không tuân thủ theo quy trình sản xuất khoa học, nên tình trạng được mùa mất giá diễn ra thường xuyên. Nhận thấy những khó khăn trên, ngay từ khi sản xuất, được sự tư vấn của các cấp ngành, đặc biệt là Liên minh HTX tỉnh, HTX đã tập trung nâng cao năng suất, chất lượng bằng tiêu chuẩn an toàn.

HTX đã phân chia theo các nhóm sản xuất. Các thành viên sẽ chuyển đổi, thực hiện canh tác trên diện tích đất gần nhau nhằm khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún trong sản xuất nông nghiệp làm ảnh hưởng tới năng suất lao động cũng như việc áp dụng các biện pháp cơ giới hóa vào sản xuất.

Những khó khăn về kỹ thuật đã được HTX giải quyết bằng cách chủ động đứng ra phối hợp tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ thành viên. Bên cạnh đó, các thành viên còn được tham quan mô hình sản xuất tiêu biểu, hiệu quả ở cả trong và ngoài tỉnh.

Ông Trần Văn Hoàng – thành viên HTX, cho biết được HTX hướng dẫn, gia đình ông mới thấy sản xuất theo quy trình an toàn có vai trò quan trọng đến giá trị sản phẩm, đầu ra, môi trường và sức khỏe. Nếu như trước đây, các hộ bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây theo cảm tính, thì nay tất cả cây trong vườn phải chăm sóc theo thời gian, liều lượng cụ thể để không còn dư lượng thuốc trong quả.

Không chỉ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dùng, quá trình sản xuất của HTX còn bảo vệ sức khỏe cho chính các thành viên. Ngoài thời gian tham gia sản xuất, các thành viên còn tranh thủ làm được nhiều việc khác.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, sản lượng thu hoạch các loại quả của HTX đạt trên 200 tấn, tổng doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng. Sản phẩm của HTX đã tạo được lòng tin cho doanh nghiệp và người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị lớn. Sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đều được dán tem truy xuất nguồn gốc QR Code…

Sản phẩm của HTX lên kệ hàng trong hệ thống siêu thị Big C

Chuyển hướng hữu cơ

Nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình sản xuất theo chuỗi, HTX đã huy động vốn của các thành viên, đồng thời tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng… để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm bằng cách chuyển một phần diện tích cây ăn quả có múi sang trồng theo hướng hữu cơ.

Nông nghiệp hữu cơ là nông nghiệp sạch, bền vững. Đây là một nấc thang mới đối với các thành viên. Khi chuyển dần sang hướng hữu cơ, các thành viên cũng phải dần tuân thủ các quy tắc sản xuất nghiêm ngặt hơn, nhưng bù lại đầu ra sẽ rộng hơn. Đây cũng là nền tảng để HTX hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất, từng bước đưa sản phẩm xuất khẩu.

Vì không sử dụng các chất hóa học độc hại (thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc biến đổi gen, thuốc kích thích sinh trưởng…) nên việc chuyển đổi sang trồng cam theo hướng hữu cơ có nhiều ưu điểm, như: Đất trồng được cải tạo, tơi xốp hơn, tăng khả năng giữ nước và thoát nước. Các chủng loại vi sinh vật có ích sẽ có điều kiện phát triển, từ đó nâng cao sức sống rễ cây, hạn chế mầm bệnh gây hại có trong đất.

Tuy nhiên, quá trình chăm sóc cam hữu cơ cũng có những công đoạn khiến các thành viên HTX vất vả và tốn chi phí hơn, như khâu làm cỏ. Tính trung bình, tiền công cắt cỏ trên 1 ha cao hơn tiền sử dụng thuốc diệt cỏ 3 – 5 lần. Thế nhưng, cách canh tác theo phương thức này lại rất thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các loài sâu hại, nấm bệnh, rệp sáp ít tấn công nên chi phí đầu ra giảm và giá bán cao hơn nhiều lần.

Phát triển trồng cây có múi theo hướng an toàn hay hữu cơ như mô hình sản xuất của HTX Bình Thuận giúp các thành viên, người nông dân hướng đến một nền nông nghiệp bền vững, bảo đảm môi trường. Đây là những tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển.

Nguồn: Thời báo kinh doanh