Thủy sản tăng cạnh tranh để vượt sóng gió

0
618

Ngành thủy sản Việt Nam sẽ được đẩy mạnh tái cấu trúc trong thời gian tới nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thành một ngành sản xuất hàng hóa có thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Ngành thủy sản đang được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp đến 3,43% GDP toàn quốc và 23,75% GDP của ngành nông nghiệp.

Năm 2018, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 7,7 triệu tấn và xuất khẩu (XK) đạt giá trị trên 9 tỷ USD; 10 tháng năm 2019 đạt kim ngạch XK 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có các sản phẩm thuỷ sản đứng đầu thế giới.

Phải xóa thẻ vàng

Mặc dù đang giữ vị thế dẫn đầu nhưng ngành thủy sản hiện vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề thách thức như quy mô ngành chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành chưa hợp lý; đầu tư cho hệ thống hạ tầng thủy sản còn thiếu đồng bộ; tổ chức sản xuất chưa hiệu quả; chất lượng và giá trị gia tăng còn thấp làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh trong tiêu thụ các sản phẩm thủy sản.

Ngoài ra, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng chưa được chú trọng; vốn đầu tư cho hạ tầng thủy sản còn khó khăn; chính sách cho phát triển thủy sản còn những bất cập.

Trong số nhiều khó khăn cần được khắc phục kể trên, vấn đề đang được nhiều đại diện trong ngành cũng như các đại biểu Quốc hội quan tâm nhất là làm sao để xóa “thẻ vàng” từ Ủy ban châu Âu (EC).

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Liên minh châu Âu (EU) có Luật IUU áp dụng chung cho 28 nước thành viên và tất cả các quốc gia khác khi muốn XK thủy sản vào thị trường này. Luật IUU cấm hành vi khai thác trái phép, khai thác không khai báo, khai báo không đúng, để bảo vệ tài nguyên biển.

Trước đây, Việt Nam do hạn chế về tiềm năng, năng lực khai thác ngư trường… nên có những sai phạm trong đánh bắt; tổ chức quản lý, khai báo sản phẩm không đúng yêu cầu…

Do đó, ngày 23/10/2017, EU chính thức rút “thẻ vàng” với Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả hải sản XK sang EU sẽ bị kiểm soát 100%, trong khi trước đó chỉ kiểm soát có xác suất.

Đáng chú ý, nếu xóa được “thẻ vàng”, thủy sản Việt Nam có thể rộng đường XK đi các nước, đặc biệt là thị trường EU. Nếu ngược lại, thậm chí bị nâng mức cảnh báo lên “thẻ đỏ” sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành thủy sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Nhận định được những lợi ích khi tấm “thẻ vàng” được gỡ bỏ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết kể từ khi bị EU rút “thẻ vàng”, Việt Nam đã tập trung triển khai nhiều biện pháp khắc phục, xử lý và đã được ghi nhận không còn vi phạm hành vi khai thác trái phép trên toàn bộ tuyến Thái Bình Dương và các quốc đảo.

Tuy nhiên, vi phạm vùng biển phía Nam vẫn còn hiện tượng này do công tác tổ chức quản lý của các doanh nghiệp (DN), ngư dân chưa được tốt, công tác kiểm tra giám sát trên các tuyến biển đã triển khai nhưng chưa đạt hiệu quả.

Tập trung tái cấu trúc

Bên cạnh những vấn đề liên quan đến quy định tại các quốc gia XK, một trong những vấn đề giúp hàng hóa cạnh tranh kể cả thị trường thế giới lẫn nội địa đó là giá thành của sản phẩm.

Những sản phẩm cùng chất lượng nếu có giá thấp hơn sẽ dễ dàng được người tiêu dùng lựa chọn và ngành thủy sản cũng không nằm ngoài quỹ đạo này.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh thực tế người tiêu dùng thế giới lựa chọn hàng Việt Nam vì hàng Việt có giá cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, để giữ được vị thế lâu dài, Việt Nam cần có thêm nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong giai đoạn tới, ngành thủy sản Việt Nam phải phát triển thành ngành sản xuất hàng hóa có thương hiệu, đáp ứng được khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới thông qua khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương.

Để làm được điều này, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành thủy sản trên cơ sở đánh giá đầy đủ nhu cầu thị trường trong nước và thế giới; gắn tái cơ cấu ngành thủy sản với điều kiện phát triển thủy sản của từng vùng, từng địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, ngành thực hiện gắn tái cơ cấu với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh.

Đặc biệt, chuyển từ nuôi trồng, khai thác theo phương thức truyền thống sang công nghiệp hóa, ứng dụng khoa học công nghệ. Chuyển mạnh sang nuôi trồng trên biển và coi đây là nhiệm vụ đột phá trong tái cấu trúc ngành thủy sản trong giai đoạn tới.

Nguồn: Thời báo kinh doanh.