Văn Chấn: Liên kết để nâng cao giá trị nông sản

0
885

Là huyện có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, Văn Chấn có nhiều loại nông sản đặc sản thế mạnh như: cam, quýt, chè Shan tuyết, quế, gạo nếp Tan Tú Lệ, gạo Mường Lò.

Thành viên HTX Cam Hồng Sơn thu hoạch cam.
Năm 2020 đến với nông dân Văn Chấn thật nhiều niềm vui. Ngoài niềm vui được mùa thì các sản phẩm nông sản chủ lực đã và đang khẳng định được giá trị và được khách hàng gần xa biết đến. Đó là kết quả từ nỗ lực liên kết quảng bá của huyện, sự chủ động tích cực của nhân dân trong việc ứng dụng giống và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm nông sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sau nỗ lực xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận chè Shan tuyết Suối Giàng, năm 2019, sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng tiếp tục được tỉnh Yên Bái đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Với đánh giá đạt cấp độ 4 sao, sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng hứa hẹn là một sản phẩm nông sản tiềm năng có giá trị cao đã và đang vươn ra tầm thế giới.
Để có được sản phẩm có chất lượng, những năm qua, cùng với ý thức của đồng bào Mông giữ vững vùng nguyên liệu sạch, Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng đơn vị được cấp chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm Tuyết Sơn Trà – Suối Giàng đã tích cực đầu tư đổi mới công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm chè chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.
HTX đã tạo được mối liên kết chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, người dân trong việc quản lý, bao tiêu sản phẩm; đồng thời, có mối liên kết để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm.
Bà Lâm Thị Thoa – Giám đốc HTX Suối Giàng cho hay: “Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã xác định sản xuất ra các sản phẩm chất lượng và xây dựng thương hiệu chè Suối Giàng là mục tiêu hàng đầu. Vì vậy, ngoài việc quan tâm giữ vững vùng nguyên liệu, chúng tôi đặc biệt quan tâm đầu tư công nghệ, thiết bị máy móc để có sản phẩm sạch và chất lượng cao. Chúng tôi đang nỗ lực để đa dạng hóa các sản phẩm, mở rộng thị trường để khẳng định chất lượng nhãn hiệu sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng”.
Là huyện có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, Văn Chấn có nhiều loại nông sản đặc sản thế mạnh như: cam, quýt, chè Shan tuyết, quế, gạo nếp Tan Tú Lệ, gạo Mường Lò… Xác định phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa là hướng đi quan trọng giúp nhân dân nâng cao giá trị nông sản, huyện đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân mở rộng sản xuất.
Cùng với việc triển khai có hiệu quả các đề án hỗ trợ nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện đặc biệt quan tâm hướng dẫn nhân dân sản xuất nông sản sạch, tăng cường liên kết trong sản xuất.
Thông qua việc xây dựng các HTX, tổ hợp tác và tạo chuỗi liên kết cho một số sản phẩm nông sản chủ lực đã tập hợp nông dân cùng sản xuất, liên kết các đơn vị sản xuất để hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Trong năm, huyện đã thành lập mới 10 HTX, trên 315 tổ hợp tác và xây dựng thành công chuỗi giá trị cho sản phẩm cam Văn Chấn.
Chia sẻ về việc liên kết trong sản xuất của HTX Cây ăn quả Bình Thuận, anh Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc HTX cho biết: “Hiện nay, nói là sản phẩm cam, quýt thừa cũng đúng mà thiếu cũng đúng bởi thị trường đang thiếu rất nhiều sản phẩm có chất lượng, nhưng nhiều hộ trồng cam, quýt vẫn khó bán. Khi vào HTX, chúng tôi không chỉ tập hợp, động viên nhau phát triển cây ăn quả theo hướng chất lượng mà còn tạo ra số lượng sản phảm đủ lớn, có chất lượng đáp ứng yêu cầu khách hàng”.
Với việc triển khai có hiệu quả các đề án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tăng cường liên kết trong sản xuất, ngành nông nghiệp huyện đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch năm 2019.
Một số chỉ tiêu đạt cao như: sản lượng lương thực có hạt đạt trên 65.100 tấn, sản lượng chè búp tươi đạt 52.000 tấn, sản lượng quả tươi đạt trên 14.600 tấn. Đặc biệt, các sản phẩm cam, quýt chất lượng cao, gạo nếp Tan Tú Lệ, chè Shan tuyết Suối Giàng, gạo Mường Lò tiếp tục khẳng định được tên tuổi và có giá trị ngày càng cao.
Với mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng nông sản hàng hóa, tiếp tục xây dựng các mối liên kết, chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, huyện Văn Chấn đang chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các xã, thị trấn động viên nhân dân liên kết trong sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng và đồng nhất.
Trước mắt, trong năm 2020, huyện đang tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo nếp Tan Tú Lệ và xây dựng chuỗi liên kết cho sản phẩm này. Trong đó, sản phẩm cốm nếp Tan Tú Lệ đã được chính quyền xã triển khai các bước liên kết để bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân.
Về vấn đề này ông Hoàng Văn Soàn – Phó Chủ tịch UBND xã Tú Lệ cho biết: “Để xây dựng chuỗi liên kết cho sản phẩm gạo nếp Tan Tú Lệ chúng tôi đã vận động nhân dân thành lập làng sản xuất cốm Nà Nóng. Đồng thời, chỉ đạo HTX Dịch vụ Tú Lệ liên kết với một số doanh nghiệp để bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cốm cho nhân dân”.
Trong sản xuất nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng không tránh khỏi tình trạng được mùa mất giá. Việc thừa, thiếu, sản phẩm nông nghiệp cục bộ sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người nông dân. Bởi vậy, liên kết sản xuất trong nông nghiệp là một tất yếu.
Thông qua việc liên kết, người nông dân sẽ được định hướng sản xuất về số lượng, chất lượng, chủng loại phù hợp với nhu cầu thị trường. Mặt khác, việc liên kết sản xuất sẽ giúp hàng hóa của nông dân được quảng bá rộng rãi hơn, tiêu thụ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc liên kết cũng đòi hỏi người nông dân có kế hoạch sản xuất lâu dài, có tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Đặc biệt, phải tuân thủ các quy trình sản xuất nông sản sạch, giữ vững cam kết để từng bước xây dựng được nhãn hiệu, chứng nhận OCOP tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của mình. Tiếp tục mục tiêu sản xuất nông nghiệp hàng hóa, huyện Văn Chấn đang nỗ lực giúp bà con nông dân sản xuất, tiêu thụ thuận lợi và nâng cao giá trị nông sản ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Toản – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Để sản xuất nông nghiệp hiệu quả đòi hỏi người nông dân phải có ý thức trong sản xuất nông sản sạch và có chất lượng. Ngành chức năng phải có trách nhiệm trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Vì vậy, việc xây dựng các chuỗi liễn kết trong sản xuất là điều kiện quan trọng để sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ngoài chuỗi liên kết cho sản phẩm cam, quýt năm 2020 và những năm tiếp theo chúng tôi đang tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết cho sản phẩm chè, gạo nếp Tan và một số nông sản thế mạnh khác”.
Có thể khẳng định, sản xuất các sản phẩm nông sản có chất lượng và liên kết trong sản xuất là then chốt trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Với kết quả đạt được trong việc nâng cao chất lượng nông sản theo hướng hàng hóa và tạo liên kết trong sản xuất đã tạo ra những tín hiệu khả quan cho ngành nông nghiệp Văn Chấn.
Nhìn lại những kết quả của ngành nông nghiệp đạt được, mỗi người nông dân Văn Chấn thêm yêu đồng ruộng của mình, nỗ lực phấn đấu hơn nữa để nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng quê hương Văn Chấn ngày càng giàu đẹp, văn minh.
                                                                                                                                                                         Trần Văn