Cần xác định đúng vai trò của kinh tế tập thể

0
627

Góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Ts. Trần Hồng Hà – Chuyên gia Cao cấp – Trường Bồi dưỡng cán bộ, Liên minh HTX Việt Nam cho rằng cần xác định đúng vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tôn trọng và khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể cũng chính là khẳng định mạnh mẽ tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta. Thời báo Kinh Doanh xin giới thiệu bài viết đến độc giả.

Về vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế ở nước ta, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển”.

Khẳng định vị trí, vai trò nền tảng…

Chúng ta đều biết, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Nói như vậy, không có nghĩa là kinh tế tập thể ngay trong thời gian ngắn trước mắt sẽ có thể cùng với kinh tế nhà nước giữ vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân, mà phải dần dần từng bước hay “ngày càng trở thành” nền tảng của nền kinh tế quốc dân, tức là hàm ý tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế nước ta. Nếu bỏ đi ý “kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”, thì sẽ không thể hiện rõ định hướng quan trọng nói trên.

 

Phát triển kinh tế tập thể góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/02/2013 khẳng định phải “đưa kinh tế tập thể thực sự là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

Mới đây, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020, trong đó đánh giá kinh tế tập thể 15 năm qua đã “góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội” và chỉ rõ những thành tựu đó đã “từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân”.

Không chỉ bó hẹp trong phạm vi kinh tế

Như vậy, nhìn chung Cương lĩnh và các văn bản của Đảng cho đến nay đều khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân. Thực tiễn cho thấy, kinh tế tập thể có thể chưa đạt tỉ trọng cao trong GDP nhưng lại có tầm quan trọng to lớn trong tạo công ăn việc làm cho đông đảo người lao động, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo đảm ổn định chính trị – xã hội ở địa phương, cơ sở. Nhìn nhận về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi kinh tế, mà phải toàn diện, sâu sắc hơn như Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX đã chỉ rõ: “Đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể phải trên cơ sở quan điểm toàn diện, cả kinh tế – chính trị – xã hội, cả hiệu quả của tập thể và của các thành viên”.

Chính vì vậy, đoạn nói về vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại tiểu mục IV.1, trang 31 của dự thảo Báo cáo chính trị có thể sửa đổi, điều chỉnh lại theo một trong các phương án sau:

Phương án 1: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân (cơ bản giữ như trong Cương lĩnh năm 2011).

Phương án 2: Kinh tế tập thể từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân (như trong Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 Bộ Chính trị khóa XII).

Phương án 3: Kinh tế tập thể là động lực phát triển kinh tế – xã hội bền vững (như trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025).

Phương án 4: Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế quốc dân.

Một vấn đề có tính nguyên tắc là: Chúng ta phát triển nền kinh tế nhiều thành phần nhưng phải bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế đó, tôn trọng và khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể cũng chính là khẳng định mạnh mẽ tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta.

                                                                                                  Nguồn Thời báo kinh doanh