Phấn đấu năm 2025, cả nước có 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

0
414

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1318/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Đến năm 2025, cả nước có khoảng 134 nghìn tổ hợp tác

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân. Thu hút đại bộ phận nông dân tham gia hợp tác xã và huy động ngày càng nhiều các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với hợp tác xã. Tăng cường hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu.

Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có khoảng 134 nghìn tổ hợp tác với 1,8 triệu thành viên, 35 nghìn hợp tác xã với 7,1 triệu thành viên, 210 liên hiệp hợp tác xã với 1.100 hợp tác xã thành viên. Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm trên 60% tổng số hợp tác xã. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 24%.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp để phấn đấu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 35% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Xử lý dứt điểm tình trạng các hợp tác xã đã ngừng hoạt động và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.

Kế hoạch cũng định hướng phát triển phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã với nhiều hình thức đa dạng, trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị; tăng cường liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác; khuyến khích phát triển mới các tổ chức kinh tế tập thể, đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với hợp tác xã; tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường hoạt động, sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên. Trong đó, tập trung vào các ngành, lĩnh vực chủ yếu gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; xây dựng; giao thông vận tải; tín dụng và các lĩnh vực khác.

Cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, xây dựng giải pháp cụ thể nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, tập trung vào các nhóm giải pháp: tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Hoàn thiện thể chế, xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh; Củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; Hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã; Tăng cường vai trò, trách nhiệm của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, hội, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực xã hội tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực, địa bàn quản lý và xác định những nhiệm vụ cụ thể khác nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch. Chủ động cân đối, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch, trong đó các Bộ, ngành chủ động bố trí kinh phí cho các dự án có tính chất liên vùng, khu vực để hỗ trợ hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã. Rút kinh nghiệm việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và mục tiêu trong từng giai đoạn để đề xuất điều chỉnh, bổ sung các giải pháp trong quá trình thực hiện; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, theo dõi tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch.

Hằng năm, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã để tích hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã) tổng hợp và ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã chung của cả nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, kiểm tra, giám sát và sơ kết giữa kỳ, tổng kết cuối kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

                                                                                           Theo Liên minh HTX Việt Nam