Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã: Chắp cánh cho mô hình kinh tế tập thể Yên Bái

0
622

Hơn 10 năm qua, nguồn vốn ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã (QHTPTHTX) Yên Bái đã tiếp sức nguồn vốn ưu đãi cho các HTX mở rộng đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD), đặt nền móng xây dựng các mô hình HTX điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh…

Mô hình nuôi trâu, bò thương phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thiên An.

 

 

“Đòn bẩy” nâng cao  hiệu quả sản xuất

HTX Dịch vụ Tổng hợp Thiên An, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình được thành lập năm 2019 với 9 thành viên, vốn điều lệ 3 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là chăn nuôi trâu thương phẩm. Từ nuôi vài con trâu, đến nay, HTX này đã phát triển quy mô trên 100 con/lứa.

Ông Hoàng Văn Liêm – Giám đốc HTX cho biết: “Đơn vị được QHTPTHTX cho vay  300 triệu đồng để đầu tư thêm phương tiện vận tải hàng hóa. Nhờ đó, giúp HTX mở rộng thị trường đáp ứng được các hợp đồng lớn; từ đó, tăng doanh thu hàng năm cho HTX. Được biết, mỗi năm, HTX nuôi luân chuyển để bán trâu, bò giống và trâu, bò thịt khoảng trên 1.500 con; lợi nhuận bình quân của một thành viên HTX đạt 150 triệu đồng/năm; trung bình 1 con trâu vỗ béo khoảng gần 3 tháng lãi 2,5 – 3 triệu đồng”.

HTX Dịch vụ tổng hợp Tân Thịnh, huyện Văn Chấn cũng là một trong số nhiều đơn vị đang được QHTPTHTX tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. HTX này có 2 nhà máy với 2 dây chuyền sản xuất chè đen Ortodoc công suất 30 tấn chè búp tươi/ngày và 1 dây chuyền chế biến chè xanh công suất 20 tấn/ngày.

Ngoài chế biến chè búp tươi, HTX cũng thu mua sơ chế của các đơn vị khác về sàng phân loại và xuất bán. Hàng năm, HTX này sản xuất khoảng 1.000 tấn chè đen, chè xanh  thành phẩm, phân phối và tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Đông và châu Âu.

Ông Nguyễn Ngọc Thuận – Giám đốc HTX cho biết: “Đơn vị đã được QHTPTHTX cho vay 500 triệu đồng vốn ưu đãi để đầu tư 2 bộ lò phản quang khí sạch cấp nhiệt tiết kiệm nhiên liệu. Với việc đầu tư thiết bị này, HTX đã nâng cao năng lực sản xuất chè, tiết kiệm được nhiên liệu, tạo việc làm thường xuyên cho 32 người lao động hiện có và còn tạo việc làm mới cho 10 lao động với mức lương từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng”.

Việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi kịp thời, Quỹ đã góp phần giúp các HTX tăng cường nguồn lực đầu tư, mở rộng SXKD, liên kết tiêu thụ sản phẩm, vừa nâng cao uy tín các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) vừa tạo thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương; đồng thời, khuyến khích kinh tế hộ thành viên phát triển, tạo sự gắn kết các thành viên HTX và nâng cao vai trò vị thế của Liên minh HTX tỉnh.

Ông Nguyễn Đức Lâm – Phó Giám đốc Quỹ cho biết: “QHTPTHTX được thành lập năm 2011 với vốn điều lệ 700 triệu đồng, đến 31/12/2020 nguồn vốn của Quỹ được ngân sách tỉnh cấp 5 tỷ đồng.  Hơn 10 năm hoạt động, Quỹ đã cho vay 71 lượt khách hàng, quay vòng lượng vốn gần 16 tỷ đồng. Hiện, có 22 dự án đang sử dụng vốn vay với tổng dư nợ là 4,9 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay của Quỹ, các HTX đã đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật, phát triển sản phẩm, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực SXKD trong các lĩnh vực: vận tải, chế biến nông, lâm, thủy sản, nông nghiệp, dịch vụ… tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 335 lao động và tạo việc làm mới cho 114 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng, tăng doanh thu và nộp ngân sách trên 3 tỷ đồng”.

 

Bổ sung nguồn lực để tiếp vốn

Có thể khẳng định, QHTPTHTX đang trở thành một kênh vốn hiệu quả, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách hỗ trợ tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với HTX, liên hiệp HTX. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, việc cho vay những lĩnh vực cần ưu tiên theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như: cho vay các HTX xây dựng nông thôn mới, các HTX xây dựng chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp… chưa đáp ứng.

Hằng năm, số lượng các HTX tăng mạnh (80 -100 HTX/năm) và nhu cầu đầu tư, mở rộng SXKD nên vốn từ quỹ chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, không đáng kể so với nhu cầu phát triển của khu vực KTTT, HTX.

Theo Liên minh HTX tỉnh, hiện khoảng 10% số HTX được vay vốn của QHTPTHTX Việt Nam; bình quân khoảng 3% số HTX được vay vốn của các tổ chức tín dụng hàng năm, còn lại trên 80% số HTX phải vay trên thị trường phi chính thức và kể cả tín dụng “đen” với lãi suất cao, thời hạn rất ngắn.

Nguyên nhân các HTX khó tiếp cận vốn vay do các tổ chức tín dụng có tâm lý e ngại cho vay HTX, mặc cảm với HTX kiểu cũ, chưa hiểu đúng bản chất HTX, thiếu thông tin; món vay nhỏ, chi phí cho vay lớn; thủ tục vay vốn phức tạp, quy trình quá chặt chẽ; các quỹ tín dụng nhân dân hạn chế về đối tượng và địa bàn giải quyết vay vốn.

Trong khi, năng lực quản trị, điều hành của HTX còn hạn chế, ngại thủ tục, chi phí khi vay vốn các tổ chức tín dụng. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2021/NĐ – CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của QHTPTHTX.

Theo đó, vốn điều lệ tối thiểu tại thời điểm thành lập quỹ HTX là 20 tỷ đồng. Hiện, Liên minh HTX tỉnh đang xây dựng đề án chuyển đổi mô hình, tổ chức và hoạt động QHTPTHTX tỉnh Yên Bái. Theo Đề án này, những bất cập về cơ chế hoạt động, việc bó hẹp về đối tượng, phạm vi, phương thức, loại hình cho vay cũng như nguồn vốn hạn hẹp cũng được tháo gỡ.

Với việc được chuyển đổi mô hình, tổ chức hoạt động theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP  đồng nghĩa được bổ sung thêm vốn  điều lệ 20 tỷ đồng sẽ là kênh hỗ trợ cho các HTX đẩy mạnh SXKD, tạo nền tảng, mở rộng đối tượng vay, giải tỏa “cơn khát vốn” của HTX để khu vực KTTT, HTX phát triển mạnh, bền vững.

 

 

Theo Báo Yên Bái