10 sự kiện và thành tựu nổi bật tỉnh Yên Bái năm 2021

0
312

CTTĐT – Yên Bái vinh dự, phấn khởi được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lên thăm và làm việc với tỉnh; Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và nghị quyết đại hội đảng các cấp với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả; Tổ chức thành công tốt đẹp cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2021 – 2026 và nhiều sự kiện chính trị quan trọng khác; Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,11%; Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… là những sự kiện, thành tựu nổi bật của tỉnh Yên Bái trong năm 2021.

Năm 2021, tỉnh Yên Bái đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.

1. Yên Bái vinh dự, phấn khởi được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lên thăm và làm việc với tỉnh. Đặc biệt, được đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, dự Lễ khai giảng năm học 2021-2022 tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh và làm việc với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự khai giảng và khánh thành công trình trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Yên Bái

2. Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và nghị quyết đại hội đảng các cấp với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đã hoàn thành việc xây dựng và ban hành đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chính sách, quy định, quy chế để thực hiện trong cả nhiệm kỳ, bao gồm: 13 nghị quyết, quy chế của Tỉnh ủy; 43 nghị quyết, chỉ thị, đề án, quy định, quy chế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 36 nghị quyết, đề án của Hội đồng nhân dân tỉnh; 18 đề án, chính sách, chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để sớm triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

3. Tổ chức thành công tốt đẹp cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2021 – 2026 và nhiều sự kiện chính trị quan trọng khác, như: Chương trình chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng và kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội thảo khoa học 30 năm tái lập tỉnh Yên Bái (1991 – 2021)… Qua đó, cổ vũ, động viên, khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, ý chí, khát vọng vươn lên trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, cùng nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của năm 2021 và cả nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 13, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.

4. Tích cực, chủ động, triển khai quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, bài bản các giải pháp phòng, chống và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội. Yên Bái là tỉnh cuối cùng trong cả nước xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, đến nay vẫn giữ được là tỉnh “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19 của cả nước, các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội vẫn được duy trì trong trạng thái bình thường mới.

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh kiểm tra công tác xét nghiệm tầm soát Covid-19 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh 

5. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,11%, đứng thứ 2 trong 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5,36%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,12%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,64%, giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 37,8% so với năm 2020. Thu ngân sách ước đạt trên 4.300 tỷ đồng, vượt rất cao so với dự toán Trung ương giao và vượt dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

6. Yên Bái tiếp tục là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của khu vực Tây Bắc. Năm 2021, Yên Bái có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 06 xã đặc biệt khó khăn), nâng tổng số xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới lên 88/150 xã (trong đó có 03 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 17 xã nông thôn mới nâng cao). Toàn tỉnh đã có 03 đơn vị cấp huyện là thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

7. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội. Khánh thành và đưa vào sử dụng công trình cầu Cổ Phúc và nhiều công trình trọng điểm khác, đồng thời khởi công mới nhiều công trình giao thông trọng điểm: Cầu Giới Phiên; Dự án đường nối quốc lộ 32 (thị xã Nghĩa Lộ) với cao tốc Nội Bài – Lào Cai (tại nút giao IC14); Dự án “Phát triển tổng hợp các đô thị động lực – Tiểu dự án thành phố Yên Bái”; Dự án Đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (tại nút giao IC15); Dự án đường Khánh Hòa – Văn Yên; Dự án đường nối quốc lộ 32 (tại xã Gia Hội, Văn Chấn) với Cao tốc Nội Bài – Lào Cai (tại nút giao IC15)…

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức khởi công công trình cầu Giới Phiên.

8. Văn hóa – xã hội được quan tâm chăm lo, phát triển toàn diện theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” và nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân. Năm 2021, chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh đạt 58,11%, tăng 4,81% so với năm 2020, vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 còn 4,76% (giảm 2,28% so với năm 2020).

9. Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Yên Bái đã chủ trì cùng với các địa phương và các bộ, ngành Trung ương xây dựng hồ sơ và bảo vệ thành công tại Kỳ họp thứ 16 – Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO. Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã tiếp tục khẳng định, tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa phong phú, đặc sắc của dân tộc, là niềm vinh dự, tự hào lớn lao của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Thái và của 04 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.

10. Quốc phòng – an ninh được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và giữ gìn cuộc sông bình yên, hạnh phúc của nhân dân.