CTTĐT – Tính đến nay, ngoài cây Quế và Sơn tra, toàn tỉnh Yên Bái có trên 3.400 ha diện tích cây dược liệu, tập trung chủ yếu tại các huyện: Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu, Văn Yên, Trấn Yên.
Một số loài dược liệu phổ biến hiện nay đang được trồng nhiều là: Ba kích, Đinh lăng, Giảo cổ lam, Kim tiền thảo, Sả, Sa nhân tím, Ý dĩ, Hà thủ ô đỏ, Atiso, Cà gai leo, Thảo quả, Lá Khôi, Trà hoa vàng, Gừng, Nghệ, Đương quy, Cát sâm,… Từ nguồn dược liệu này, sản lượng khai thác hàng năm đạt trên 7.600 tấn sản phẩm. Trong đó, thảo quả, sa nhân, sả, gừng, nghệ, lá khôi tía là các sản phẩm dược liệu phát triển với quy mô lớn.
Để phát triển cây dược liệu, tỉnh Yên Bái đã ban hành một số chủ trương, chính sách như: Phát triển cây dược liệu trên địa bàn gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái; Ưu tiên phát triển 14 chủng loại cây dược liệu gồm: Quế, Sơn tra, Thảo quả, Đinh lăng, sả, Ba kích, Giảo cổ lam, Sâm Ngọc Linh, Ý dĩ, Hà thủ ô đỏ, cà gai leo, Lá khôi, Atiso, Đương quy; Phát triển cây dược liệu gắn liền với phát triển và bảo vệ rừng để nâng cao thu nhập cho người dân nhất là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn ở các huyện như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn…
Việc phát triển nguồn dược liệu tự nhiên đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ tài nguyên rừng cũng như những nguồn dược liệu quý phục vụ cho việc phát triển y dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh.
Theo Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái