Gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy tinh thần đoàn kết và sức mạnh tổng hợp, năng động, sáng tạo giành được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, ngày 24/9/2023. (Ảnh: K.T)
Còn nhớ, đầu những năm 40 của thế kỷ XX, những cán bộ cách mạng của Xứ ủy Bắc Kỳ được cử lên Yên Bái hoạt động và đã xây dựng được một số cơ sở cách mạng ở huyện Trấn Yên và thị xã Yên Bái. Tháng 10/1944 đến đầu năm 1945, nhiều cơ sở cách mạng đã được xây dựng, phát triển ở các huyện trong tỉnh. Các tổ chức cứu quốc được thành lập, tập hợp hàng nghìn hội viên. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), khí thế cách mạng của quần chúng khắp nơi trong tỉnh dâng cao. Ngày 7/5/1945, Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở thị xã Yên Bái gồm 3 đảng viên, đồng chí Mai Văn Ty được cử làm Bí thư. Ngày 30/6/1945, tại Chiến khu Vần – Hiền Lương, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái – Phú Thọ do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư. Từ đây, phong trào cách mạng của tỉnh Yên Bái được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng.
Ngay sau khi được thành lập, Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái – Phú Thọ đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống anh dũng, sáng tạo, tập hợp đoàn kết nhân dân các dân tộc, lãnh đạo nhân dân kết hợp với lực lượng vũ trang xây dựng cơ sở cách mạng, tiến hành khởi nghĩa giải phóng các châu Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình và thị xã Yên Bái. Ngày 19/8/1945, trước sức mạnh áp đảo cả về chính trị và quân sự, quân Nhật đã đầu hàng vô điều kiện. Ngày 22/8/1945, tại sân căng thị xã tỉnh lỵ (nay là Sân vận động thành phố Yên Bái), UBND Cách mạng lâm thời tỉnh ta đã ra mắt trong sự chứng kiến hân hoan, phấn khởi của hàng ngàn quần chúng nhân dân. Tháng 9 năm 1945, Trung ương thông báo quyết định giải thế Ban Cán sự Đảng liên tỉnh Phú Thọ – Yên Bái, thành lập Tỉnh ủy Yên Bái. Đồng chí Ngô Minh Loan tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái và kiêm thêm nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng phong trào cách mạng tỉnh Lào Cai.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, tỉnh Yên Bái đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách của nạn “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc Yên Bái đã góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền non trẻ, củng cố lực lượng vũ trang, tránh được sự xô xát với quân Tưởng, cô lập bọn phản động Việt Quốc, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi, chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Từ năm 1947, thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, chúng đã thôn tính 2/3 diện tích tỉnh ta. Yên Bái đã thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” kết hợp vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng hậu phương. Quân và dân Yên Bái đã đóng góp sức người, sức của và phối hợp với bộ đội chủ lực mở nhiều chiến dịch như Sông Thao (1949), Lê Hồng Phong (1950), Lý Thường Kiệt (1951). Đặc biệt, trong Chiến dịch Tây Bắc (1952) đã đập tan hoàn toàn phân khu Nghĩa Lộ, mở thông cánh cửa sang phân khu sông Đà, giải phóng hoàn toàn tỉnh Yên Bái.
Ngay sau khi được giải phóng, toàn tỉnh lại dồn sức vào thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là mở con đường huyết mạch nối liền căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường Tây Bắc và huy động sức người, của cải của toàn dân, góp phần to lớn cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại. Hoà bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Yên Bái bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, đã tạo ra những biến đổi quan trọng trong đời sống xã hội ở Yên Bái.
Vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Yên Bái luôn đổi mới cách nghĩ, cách làm, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong việc cụ thể đường lối đổi mới của Đảng vào thực tiễn địa phương, thời kỳ đổi mới, tỉnh tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Kể từ khi tái lập tỉnh năm 1991 đến nay,
Đảng bộ tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tích cực chủ động hợp tác và kêu gọi đầu tư để từng bước xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp. Kinh tế của tỉnh liên tục đạt tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu chuyển dịch tích cực; tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng. Thu hút đầu tư phát triển. Cơ sở hạ tầng không ngừng được củng cố, đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là hạ tầng giáo dục và hạ tầng y tế. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 6,0%, đứng thứ 7/14 tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, tính bình quân 3 năm đầu nhiệm kỳ đạt 7,24%/năm, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng cao so với năm 2022 như: giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, giá trị xuất khẩu hàng hóa, tổng vốn đầu tư phát triển, số khách du lịch và doanh thu từ dịch vụ du lịch. Cải cách hành chính, chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, đồng bộ và đạt kết quả rất tích cực, với các chỉ số lần lượt đứng thứ 14/63 và 15/63 tỉnh, thành; chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, hạ tầng đô thị, khu công nghiệp tiếp tục được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đặc biệt, tháng 9/2023, Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thành phố Yên Bái là đô thị loại II, góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý và tạo động lực mạnh mẽ để Yên Bái phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 thuộc nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 106/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 70,7%), trong đó có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, vừa qua UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 và công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040, đưa tổng số đơn vị cấp huyện của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới lên 4/9 huyện, đứng đầu trong các tỉnh miền núi phía Bắc, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao đến năm 2025. Văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Năm 2023, Yên Bái là tỉnh thứ 18 trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,76%, vượt kế hoạch đề ra; chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 65,62%, tăng 12,32% so với đầu nhiệm kỳ.
Công tác đối ngoại tiếp tục được mở rộng, toàn diện và đi vào chiều sâu với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh thực hiện nhiều chuyến công tác, thăm và làm việc tại Cộng hòa Pháp, Italia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia; tiếp đón các đoàn cấp cao của tỉnh Val-de-Marne, Cộng hòa Pháp và thành phố Mimasaka, Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh. Qua đó, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới, tăng cường thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đến nay, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, 18/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết. Kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, năm 2022 đạt 8,62% – mức cao nhất kể từ năm 2015, bình quân giai đoạn 2021 – 2022 đạt 7,86% – đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tỷ lệ giảm hộ nghèo tại các huyện 30a đạt bình quân 7,66%, vượt 2,66% mục tiêu Trung ương giao; đặc biệt, hàng trăm hộ nghèo dân tộc thiểu số đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Những đóng góp to lớn trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất. Nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”, hàng ngàn tập thể, cá nhân được nhận huân, huy chương và rất nhiều phần thưởng cao quý khác vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ý chí, tinh thần đổi mới, sáng tạo và khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn, thách thức phấn đấu hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đề ra, đưa Yên Bái phát triển nhanh và bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2025.