Doanh nghiệp Việt vẫn lơ mơ thông tin về thị trường Trung Quốc

0
756

VOV.VN – Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần phân loại rõ phẩm cấp, quy cách và nghiên cứu thiết kế bao bì riêng cho thị trường này. LIKE VOV

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại và Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, những năm gần đây, Trung Quốc đã chủ động mở rộng thị trường nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân và trở thành quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Hiện kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc chiếm 1/10 kim ngạch thương mại nông sản toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân 8,8%/năm.

Dù có thuận lợi nhất định, song các chuyên gia khuyến cáo, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn. Dễ nhận thấy là do doanh nghiệp xuất khẩu thường qua các kênh thương mại không chính thức nên độ rủi ro cao, khó tiếp cận thông tin, thiếu hiểu biết về các quy định cũng như yêu cầu của thị trường.

Hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap.

Đáng chú ý, nhiều sản phẩm của Việt Nam còn xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, khiến các doanh nghiệp bị động trong quan hệ thương mại dẫn đến bị ép giá, giá bán lên – xuống thất thường. Các doanh nghiệp Việt chưa chủ động khai thác thị trường Trung Quốc, vẫn phụ thuộc vào việc đặt hàng của đối tác Trung Quốc.

Trong khi đó, sản xuất nông sản của Việt Nam vẫn theo quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm không đồng đều và sức cạnh tranh không cao. Mặc dù là nước xuất khẩu nông sản lớn, nhưng Việt Nam vẫn thiếu thương hiệu về nông sản. Người tiêu dùng Trung Quốc, nhất là ở các thành phố lớn chưa có nhiều thông tin về hàng nông sản Việt Nam.

Một thách thức nữa là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam còn chưa hiểu rõ về thị trường tiêu dùng Trung Quốc. Mặc dù thường xuyên giao thương với thị trường Trung Quốc, nhưng doanh nghiệp Việt Nam biết rất ít thông tin về thị trường này vì việc nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường còn hạn chế. Đặc biệt, Trung Quốc hiện đã trở thành một thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cũng như Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc là cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc.

Đặc biệt, trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp cần phân loại rõ ràng phẩm cấp, quy cách của từng loại hàng cụ thể; nghiên cứu thiết kế bao bì riêng cho thị trường Trung Quốc, trong đó nên ưu tiên các thông tin trên bao bì bằng tiếng Trung Quốc.

Ngoài ra, với sự phát triển của thương mại điện tử như hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác với các doanh nghiệp thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc để mở các cửa hàng trực tuyến và cung cấp nông sản cho các siêu thị mới. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần chủ động nghiên cứu thị trường, nắm bắt tình hình và xu hướng phát triển của thị trường Trung Quốc; xây dựng và phổ biến chính sách hướng dẫn sản xuất nông nghiệp…/.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN