Đóng góp của HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp vào phát triển làng nghề truyền thống ở tỉnh Yên Bái

0
492

Phát triển HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trong các làng nghề truyền thống hiện nay còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và cách làm, song đây là hướng đi phù hợp cho các làng nghề.

 

             Tỉnh Yên Bái hiện có 11 làng nghề, 2 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận. Trong những năm gần đây, để nâng cao tính cạnh tranh, duy trì và phát triển bền vững, các làng nghề ở tỉnh Yên Bái dần chuyển sang mô hình Hợp tác xã để hoạt động và đã phát huy hiệu quả góp phần tích cực thúc đẩy phát huy giá trị các sản phẩm đặc trưng của địa phương, đồng thời nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn.

Thu mua, chế biến quế của người Dao ở Làng nghề trồng và chế biến quế Thôn 3, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên.

 

 

           Đối với thành viên Liên minh HTX tỉnh Yên Bái hiện nay chỉ có 73/496 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – TTCN, tuy số lượng không nhiều nhưng các HTX hoạt động trong lĩnh vực này đã đóng vai trò tích cực trong việc duy trì, phát triển làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho người lao động nhất là con em người dân tộc thiểu số ở địa phương với mức thu nhập từ 4,0 – 5,5 triệu đồng/người/tháng và đóng góp vào Ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, việc phát triển các HTX hoạt động trong lĩnh vực CN -TTCN ở tỉnh Yên Bái vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Đa số các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề công nghiệp -TTCN có quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, chậm được đổi mới, năng lực trình độ tổ chức quản lý còn hạn chế, dẫn đến sức cạnh tranh kém trên thị trường, các HTX khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ các các tổ chức tín dụng nên khó có thể bứt phá để phát triển quy mô lớn; Sản phẩm làng nghề còn đơn điệu, sức cạnh tranh thấp… Do vậy không đảm bảo việc làm thường xuyên và liên tục cho người lao động; công việc tại làng nghề dần trở thành một công việc thời vụ thay vì việc mang tính chuyên môn hóa tay nghề cao.

           Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái Đỗ Nhân Đạo cho biết, thời gian qua để các HTX trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, đến tháng 11/2020, Liên minh HTX tỉnh đã chủ trì tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 07 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp- TTCN và các Tổ hợp tác trong các làng nghề, cùng với đó Liên minh HTX tỉnh còn chủ động tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời về đất đai, giải quyết ô nhiễm môi trường, vận dụng các chính sách về vốn cho làng nghề, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ … thông qua “Đề án củng cố, phát triển HTX, Tổ hợp tác tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030”, nhằm tạo điều kiện cho các HTX, làng nghề phát triển mở rộng sản xuất, đa dạng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm độc đáo, riêng biệt mang đậm bản sắc dân tộc của từng địa phương; quan tâm phát triển các ngành nghề, sản phẩm có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo tồn các giá trị truyền thống, những bản sắc văn hóa của địa phương. Thực tế cho thấy tại một số làng nghề HTX đã hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực và duy trì và phát triển làng nghề ở địa phương, tiêu biểu: HTX Miến đao Giới Phiên phát triển làng nghề sản xuất miến đao Giới Phiên (Thành phố Yên Bái); HTX Chế Cu Nha phát triển Làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Dề Thàng xã Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải) hay như nghề chế biến tinh dầu quế và các sản phẩm đồ lưu niệm từ quế đã được nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện…

HTX sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên phát huy kinh nghiệm của làng nghề truyền thống, sản xuất sản phẩm miến đao đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Phụ nữ Mông, Mù Cang Chải phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững

 

 

           Có thể thấy, tổ chức HTX cùng với cách làm, giải pháp đồng bộ đã góp phần giúp người dân làng nghề truyền thống của Yên Bái thay đổi tư duy phát triển làng nghề truyền thống, giữ gìn, phát triển sản phẩm truyền thống, bên cạnh đó, từng bước tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân và xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương./.