Đưa thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông vươn ra thế giới

0
233

HTX thêu dệt thổ cẩm mông STYLE xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải được biết đến như một điểm sáng trong tạo việc làm và thu nhập cho phụ nữ dân tộc Mông và không ngừng nỗ lực đưa thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông vươn ra thế giới.

 

Được thành lập năm 2024 trên cơ sở chuyển đổi, đi lên từ Tổ hợp tác thêu, dệt thổ cẩm xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải đã hoạt động khá hiệu quả từ năm 2018. HTX thêu dệt thổ cẩm mông STYLE thực hiện theo mô hình HTX kiểu mới này đã giải quyết được vấn đề sản xuất nhỏ, manh mún với sản xuất hàng hóa thổ cẩm phục vụ xuất khẩu.

Với mục đích tiếp tục lưu giữ, kế thừa và phát huy những nét đẹp cổ truyền của văn hóa dân tộc Mông từ nghề trồng lanh, dệt và thêu thổ cẩm, HTX được biết đến như một điểm sáng trong tạo việc làm cho các chị em phụ nữ dân tộc Mông tại địa phương và không ngừng nỗ lực đưa thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông vươn ra thế giới, mà còn là điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Hoạt động chính của HTX là liên kết các hộ trồng lanh, dệt thổ cẩm và kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm tại địa phương. Đến nay HTX thu hút 5 thành viên chính thức và gần 50 lao động là phụ nữ dân tộc Mông tham gia. Nếu như ngày trước, các chị em phụ nữ làm nghề dệt, thêu tại nhà, nay tập trung dệt, thêu, may thổ cẩm tại HTX. Đây cũng chính là cơ sở giới thiệu và bán sản phẩm cho du khách đến tham quan.

HTX thêu dệt thổ cẩm mông STYLE đang tạo việc làm cho nhiều phụ nữ dân tộc Mông tại địa phương với thu nhập ổn định (ảnh do HTX cung cấp).

 

Hiện, những sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của HTX ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã như: Váy, áo phụ nữ, trang phục nam giới dân tộc Mông, còn có túi, khăn trải bàn, treo tường, ba lô, ví, gối, các loại móc treo chìa khoá làm bằng thổ cẩm truyền thống… được thị trường ưu chuộng. Các sản phẩm thổ cẩm đã thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua sắm tại địa phương. Đồng thời, thông qua Trung tâm Nghiên cứu, Liên kết và Phát triển thủ công mỹ nghệ (Craft Link) các sản phẩm thổ cẩm của HTX còn được xuất khẩu đến thị trường nước ngoài như Pháp, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ…Với những nỗ lực bền bỉ, tập thể HTX và nghệ nhân Lý Thị Ninh – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX thêu dệt thổ cẩm Mông Style đã kết nối, mang thổ cẩm truyền thống của đồng bào Mông vươn ra thế giới và trở thành người “giữ hồn” thổ cẩm dân tộc.

Đến nay, HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị thổ cẩm bền vững, thu hút được nhiều dự án, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ để phát triển sản xuất. Ngoài Doanh nghiệp xã hội (Craft Link) đồng hành với Tổ hợp tác thêu, dệt thổ cẩm và nay là HTX thêu dệt thổ cẩm Mông Style từ nhiều năm trước. Hiện HTX cũng đã được lựa chọn tham gia Dự án “Thúc đẩy khả năng chống chịu, bao trùm và chuyển đổi sáng tạo của các doanh nghiệp vừa và nhỏ” (SPRINT) do Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada (GAC) tài trợ với mục tiêu nâng cao phúc lợi kinh tế xã hội của Phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua tăng trưởng sạch trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Yên Bái.

Giám đốc HTX thêu dệt thổ cẩm mông Style Lý Thị Ninh (người mang khăn thổ cẩm) giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của HTX với đại diện Đại sứ quán Canada tại Việt Nam và đại diện tổ chức Cowater International – đơn vị triển khai Dự án SPRINT tại Yên Bái

 

Năm 2024, HTX thêu dệt thổ cẩm Mông Style có doanh thu hàng tỷ đồng, trừ các khoản chi phí, các thành viên và người lao động HTX có thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập ổn định giúp đồng bào dân tộc Mông nơi đây xóa đói và giảm nghèo bền vững.

Thời gian tới, mong muốn tiếp tục gìn giữ, phát triển các sản phẩm thổ cẩm, HTX thêu dệt thổ cẩm Mông Style huy động thêm nguồn vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; phát triển vùng nguyên liệu, mở thêm các tổ sản xuất tại một số xã trong địa bàn huyện Mù Cang Chải; phối hợp tổ chức dạy nghề dệt, may, thêu các sản phẩm, để không ngừng kế thừa và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống văn hóa của dân tộc Mông. Thông qua những sản phẩm đặc sắc của mình, HTX tiếp tục quảng bá hình ảnh của quê hương Mù Cang Chải đến với du khách trong và ngoài nước, đưa bản sắc văn hóa dân tộc Mông nói riêng, văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung trường tồn và vươn xa./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here