Giá cà phê hôm nay (13/12) tại các vùng trồng trọng điểm đi ngang so với cùng thời điểm sáng hôm qua, trong khoảng 40.800 – 41.600 đồng/kg. Người trồng cà phê vẫn gặp vô vàn khó khăn bởi chi phí đầu tư lớn. Chính vì vậy, cần có chính sách phù hợp hỗ trợ người nông dân trong lúc này.
Giá cà phê sáng nay đi ngang so với cùng thời điểm hôm qua.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức giá 40.800 đồng/kg. Tại huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 41.600 đồng/kg, tại huyện Ea H’leo, Buôn Hồ được thu mua cùng mức 41.500 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 41.500 đồng/kg ở Gia Nghĩa và 41.400 đồng/kg ở Đắk R’lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 41.500 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và Iagrai cùng giá 41.400 đồng/kg. Còn cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức giá 41.500 đồng/kg.
Theo đánh giá, thị trường cà phê trong nước hiện khá yên ắng, nhiều doanh nghiệp ngừng mua, phần vì đã trữ đủ hàng cho xuất khẩu tháng 12/2021, phần để nghe ngóng thị trường. Còn về phía người dân, dù đang bước vào cao điểm thu hoạch nhưng một số nơi bị đình trệ vì dịch bệnh đi kèm với tình trạng khan hiếm nhân công xảy ra khiến lượng cà phê cung ứng ra thị trường chưa được dồi dào.
Theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình, cà phê sẽ được đưa ra thị trường với khối lượng lớn hơn vào đầu năm mới 2022. Giá thành sản xuất rất cao, từ phân bón, xăng dầu, thực phẩm, chi phí sinh hoạt, kể cả thuê lao động thu hái cà phê… Trong khi mức giá cà phê hiện nay được coi là cao nhất kể từ 4 năm nay nhưng chắc chắn người nông dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Gia đình ông Trần Xuân Hồng, thôn 3, xã Trường Xuân (Đắk Song, Đắk Nông) có 3 ha cà phê. Khó tìm nhân công, giá thuê công cũng cao nên từ đầu vụ, gia đình ông xác định tự thu hoạch.
Sau 3 tuần, gia đình ông hái xong toàn bộ vườn cà phê, trong đó rất nhiều cây có lượng quả xanh chiếm trên 50%. Ông Hồng cho hay, dù biết việc hái cà phê với tỷ lệ quả chín cao sẽ tốt hơn, nhưng do cà phê chín không đều, việc thu hái theo quy trình kỹ thuật sẽ tốn rất nhiều công. Do đó, ông buộc phải hái xô cả xanh lẫn chín để tiết kiệm công và thời gian.
Trước những khó khăn của người nông dân, chuyên gia Nguyễn Quang Bình đánh giá, nếu như không có một chính sách hỗ trợ nào đó cho những người tự làm thị trường đơn độc, nhất là những người nông dân và HTX trong lúc này thì việc bảo đảm nguồn tiền để duy trì sản xuất là rất khó. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cà phê xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến diện tích. Chi phí đầu tư tăng cao khiến nhiều người sẽ bỏ vườn, giảm diện tích cà phê để trồng những loại cây khác.
Theo ông Bình, các chính sách hỗ trợ như mở kho kèm với cấp chứng từ có giá, xác nhận đã giao hàng kèm theo với tạm ứng tiền, hay chứng từ này được phép làm giấy tờ thế chấp “tài sản” để vay ngân hàng là những cách hỗ trợ cần thiết lúc này cho người dân, thành viên HTX. Nếu làm được những điều này thì giá cà phê nội địa mới dễ bề “cất cánh” trong niên vụ mới.
Theo Tạp chí kinh doanh (Liên minh HTX Việt Nam)