Giá heo hơi hôm nay 11/10 tại miền Nam: Tiếp tục tăng mạnh
Sau hơn 1 tuần liên tiếp tăng giá với mức tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/kg mỗi ngày, hiện bình quân giá heo hơi tại các tỉnh miền Nam đã đạt từ 52.000 – 57.000 đồng/kg (tuỳ địa bàn và tuỳ loại heo). Cá biệt có nơi đã cán mốc 60.000 đồng/kg như khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu, tăng 2.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Giá heo hơi tại “thủ phủ” chăn nuôi heo Đồng Nai những ngày qua cũng biến động từng ngày, thậm chí có ngày các doanh nghiệp, trang trại lớn điều chỉnh 2-3 lần giá. Đơn cử như trong ngày 8/10, giá heo hơi buổi sáng có giá khoảng 54.000 – 56.000 đồng/kg, song đến chiều thương lái đã tăng lên 58.000 – 59.000 đồng/kg. Thương lái đang toả đi khắp nơi tìm mua heo vì nguồn cung vẫn đang ngày càng giảm do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả heo châu Phi.
Hiện, trung bình mỗi ngày Đồng Nai cung cấp khoảng 6.000 con heo cho thị trường TP.Hồ Chí Minh. Giá heo hơi nhập về đây hiện dao động từ 53.000 – 54.000 đồng/kg.
Hiện thịt lợn mảnh tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh) được thương lái mua bán tấp nập. Ảnh: Nguyên Vỹ
Do giá heo hơi tăng nhanh chóng mặt nên giá thịt heo bán sỉ tại chợ đầu mối cũng đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Cụ thể, tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh), giá thịt heo mảnh loại 1 đã tăng lên mức 75.000 đồng/kg; heo mảnh loại 2 là 68.000 đồng/kg. Giá thịt đùi rọ được bán ở mức 73.000 đồng/kg; sườn non 130.000 đồng/kg; cốt lết 75.000 đồng/kg; nạc dăm 85.000 đồng/kg; giò trước 70.000 đồng/kg… Tại các chợ bán lẻ, giá thịt heo tới tay người tiêu dùng cũng đã tăng bình quân 5.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh miền Tây, giá heo hơi hôm nay 11/10 có nơi tăng tới 3.000 – 5.000 đồng/kg so với trước đó 1 ngày, đơn cử như ở Long An tăng 5.000 đồng/kg, lên mức 54.000 đồng/kg; Đồng Tháp tăng 4.000 đồng/kg, lên 52.000 đồng/kg.
Nhiều tỉnh khác giá heo hơi cũng đồng loạt tăng từ 2.000 – 3.000 đồng/kg như An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Hiện cao nhất toàn miền Tây là giá heo hơi ở Tiền Giang, đạt 57.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Bắc: Thương lái trả giá 65.000 – 67.000 đồng/kg, cao kỉ lục
Theo thông tin từ một số người chăn nuôi ở Bắc Giang cho biết, “cò” heo ở đây đang dẫn mối cho thương lái với giá cao kỉ lục 67.000 đồng/kg. Mức giá này cũng ghi nhận được ở khu vực cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng), do thương lái thu mua heo trong dân rồi tiếp tục bán cho thương lái Trung Quốc.
Những ngày gần đây, giá heo hơi tại biên giới Việt – Trung vẫn đang tăng rất mạnh, hôm nay giá trung bình 6 tỉnh giáp ranh với Việt Nam đã tăng vọt lên 104.297 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với ngày 9/10.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định các trạm kiểm dịch của cơ quan chức năng tại các địa phương kiểm soát rất chặt chẽ, nên sẽ khó có đường tiểu ngạch đưa heo sang Trung Quốc, nhưng việc khan hiếm nguồn thịt lợn ở Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng chung cả khu vực, chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Trong khi đó, ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên), người dân cho biết đã có người xuất bán heo hơi với giá 65.000 đồng/kg (heo đạt trọng lượng 130kg). Tại địa bàn huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), hay tỉnh Hưng Yên, giá heo hơi cũng đã cán mốc 65.000 đồng/kg, tăng hơn 5.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Ngoài ra, giá heo hơi tại khu vực Hà Nam, Hà Nội, Tuyên Quang, Thái Bình, Nam Định hiện đạt bình quân từ 61.000 – 64.000 đồng/kg.
Người chăn nuôi ở Lào Cai đang tập trung chăm sóc, bảo vệ đàn lợn. Ảnh: baolaocai
Người chăn nuôi ở Lào Cai đang tập trung chăm sóc, bảo vệ đàn lợn. Ảnh: baolaocai
Cũng giống như 2 miền Nam – Bắc, đà tăng giá heo hơi với biên độ mạnh cũng được ghi nhận ở nhiều tỉnh miền Trung. Trong đó, giá lợn hơi hôm nay 11/10 ở các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nghệ An hôm nay tăng khoảng 2.000 so với trước, đạt xấp xỉ 60.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam giá lợn hơi đang ở mức 54.000 đồng/kg – 56.000 đồng/kg, tăng mạnh tới 4.000 đồng/kg so với 2 ngày trước.
Nhìn chung, mặt bằng giá ở khu vực này vẫn thấp hơn 2 miền còn lại, nguyên nhân chủ yếu là do dịch tả heo châu Phi vẫn liên tiếp bùng nổ ở nhiều địa phương, khiến bà con tiêu thụ khó khăn; cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng thịt heo ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cũng thấp hơn 2 miền còn lại.
Đơn cử như ở Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, toàn tỉnh hiện chỉ còn khoảng 378.000 con lợn với 26.000 hộ chăn nuôi, giảm gần 4.000 hộ so với thời điểm tháng 7/2019 và giảm gần 13.000 hộ so với tháng 4/2019.
Nguồn: Vietstock