Để giúp các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đề xuất Nhà nước cần nhanh chóng thực hiện 2 nhóm giải pháp chính.
Các tác động của dịch bệnh Covid-19 đến HTX NN
Dịch bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2 bắt đầu bùng phát từ tháng 12/2019 tại TP. Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Đến nay, đại dịch vẫn tiếp tục lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện vào ngày 23/1/2020 và đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội, trong đó có khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều HTX đã bị giảm sản lượng, doanh thu, thu nhập của thành viên và người lao động. Theo báo cáo sơ bộ của Liên minh HTX Việt Nam, ngay từ đầu tháng 3/2020 đã có khoảng 70% thành viên HTX không nhập được giống cá, giống cây trồng từ Trung Quốc; giảm 45% giá bán nông sản thực phẩm so với tháng 12/2019. Tuy nhiên, những con số này là ở thời điểm dịch bệnh mới chỉ bắt đầu bùng phát ở châu Âu và Mỹ, còn tại thời điểm đầu tháng 4/2020 khi mà dịch bệnh đã lan rộng, thị trường châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác cũng đã đóng cửa thì những tác động đối với ngành Nông nghiệp và khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của Việt Nam còn khó khăn hơn gấp bội.
Theo nhiều nguồn thông tin đã công bố, đến nay, hầu hết các HTX có sản phẩm xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc bị đình trệ. Tại Mỹ và nhiều nước ở châu Âu như Đức, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, hầu hết nhà hàng, khách sạn, tiệm ăn… đều bị buộc phải đóng cửa. Đây là những khu vực xuất khẩu trọng điểm của nông sản Việt Nam, đã làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông lâm thuỷ sản.
Hàu sữa được thu hoạch và sơ chế tại HTX Hàu sữa Vân Đồn
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao tại Việt Nam, giá cà phê hiện đã giảm xuống thấp nhất trong 15 năm trở lại đây, chỉ còn 29.500 đồng/kg vào ngày 31/3/2020, thấp hơn mức giá thành 32.000 – 33.000 đồng/kg. Điều này khiến nông dân có xu hướng chặt bỏ cà phê để thay thế bằng loại cây khác. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, các hộ nông dân và HTX trồng gỗ nguyên liệu xuất bán cho các nhà máy chế biến gỗ bị ảnh hưởng nhiều do xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc và xuất khẩu các sản phẩm gỗ vào các thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu bị giảm mạnh.
Trong lĩnh vực thủy sản, các HTX thuỷ sản cũng gặp vô vàn khó khăn khi hàng hoá không thể xuất bán. Nhiều doanh nghiệp, HTX đã tính đến phương án dự trữ nông sản đợi đến khi dịch bệnh qua đi, tuy nhiên cái khó là lấy tiền đâu ra để làm hàng tồn kho, vì trong mùa dịch, hàng hoá không xuất được bị tồn kho lớn trong khi doanh nghiệp, HTX cần có tiền để trả nợ ngân hàng cùng với các chi phí khác.
Không chỉ với các HTX tham gia vào các ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhiều HTX cung ứng các sản phẩm tiêu dùng trong nước cũng bị ảnh hưởng rõ rệt. Theo thông tin của Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 87 HTX nông nghiệp có tình hình sản xuất bị ảnh hưởng do dịch. Ước tính, tỷ lệ ảnh hưởng trong sản xuất và cung ứng nông sản, thực phẩm của số HTX nông nghiệp nói trên khoảng từ 40 đến 60%.
Dịch bệnh Covid-19 không chỉ khiến những HTX vốn đã gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, thiếu nhân lực, thiếu đất, chưa chủ động trong liên kết nay lại khó khăn hơn, mà còn khiến nhiều HTX đang hoạt động hiệu quả cũng bị ảnh hưởng. HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường ở Nam Định là một ví dụ, trước thời điểm dịch bệnh, HTX mỗi ngày cung ứng hàng tấn thực phẩm (gạo, rau, thịt, trứng…) cho các trường học, nhà hàng, bếp ăn khu công nghiệp, tuy nhiên, do đa phần các cơ sở này đang tạm dừng hoạt động, nên nguồn hàng của HTX bị tồn đọng lại. Giá thịt gà thả vườn trước kia HTX giao bán giá 90-100 nghìn đồng/kg, hiện nay xuống chỉ còn 60-65 nghìn đồng/kg nhưng HTX cũng không xuất bán được. Hiện tại, HTX chỉ còn thực hiện duy nhất hoạt động thu gom rác thải cho Công ty vệ sinh môi trường, trong khi HTX vẫn phải trả lương, phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, người lao động làm việc thường xuyên trong HTX gần 40 triệu đồng/tháng. Giám đốc HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường cho biết hiện HTX vẫn chưa biết xoay xở ra sao vì tổ chức họp bàn phương án kinh doanh mới với các thành viên cũng không được. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thêm thì mọi kế hoạch kinh doanh năm 2020 của HTX sẽ bị đổ bể, khả năng thua lỗ là rất lớn.
Giải pháp để HTX nông nghiệp vượt qua khó khăn
Để các HTX nông nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Nhà nước cần nhanh chóng thực hiện 2 nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Cụ thể như sau:
Đối với các giải pháp trước mắt: Sở NN&PTNT, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh lập danh sách, hướng dẫn các HTX khai báo tình hình thiệt hại, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận gói an sinh xã hội 61.580 tỷ đồng của Chính phủ để hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động làm việc thường xuyên, có hợp đồng với HTX;
Cho phép các tổ chức tín dụng cho các HTX đã vay vốn được kéo dài thời hạn cho vay thêm 1 năm, giãn kỳ hạn trả nợ ít nhất 6 tháng, đảo nợ, giảm lãi suất tiền vay, giãn thanh toán lãi, giảm các loại phí liên quan đến khoản vay. Ngân sách Nhà nước cần cấp bổ sung vốn và cho phép các Quỹ Phát triển HTX trực thuộc Liên minh HTX; Quỹ Hỗ trợ Nông dân thuộc Hội Nông dân các tỉnh, thành phố hỗ trợ các HTX được tiếp cận vốn vay ưu đãi không cần bảo đảm tài sản thế chấp, thời hạn vay tối thiểu 6 tháng. Ngân sách được nhà nước cấp và giải ngân theo dòng tiền riêng để dành hỗ trợ các các HTX, thành viên HTX bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19.
Hỗ trợ HTX, doanh nghiệp chi phí thuê tiền lưu kho hoặc vay vốn ưu đãi để đầu tư kho bãi, nhà xưởng lưu trữ sản phẩm nông nghiệp cho các thành viên và hộ nông dân;
Tư vấn, hỗ trợ các HTX chuyển sang phương thức bán hàng online, cung cấp thương thực, thực phẩm sạch trực tiếp cho người tiêu dùng tại nhà, tại các khu đô thị, các cơ sở cách ly tập trung những người đang bị theo dõi dịch bệnh. Song song với đó, các HTX cần điều chỉnh kế hoạch sản xuất, sẵn sàng phương án cung ứng sản phẩm cho các đối tác hoạt động trở lại sau khi hết/ giảm dịch bệnh.
Các giải pháp lâu dài: Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực nhất định đến khu vực KTTT, HTX trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, trong khó khăn này cũng có thể biến thành cơ hội để các HTX nông nghiệp tổ chức lại phương án sản xuất kinh doanh của mình. Điển hình trong ngành gỗ, việc không xuất khẩu được dăm gỗ sang thị trường Trung Quốc sẽ là thời cơ để người dân trồng nguyên liệu và các HTX lâm nghiệp chuyển sang liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao đi các thị trường Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Các HTX khác có cơ hội đổi mới máy móc, công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, thị trường để sẵn sàng tăng tốc sau khi hết dịch. Ngay từ lúc này, một số giải pháp cần được nghiên cứu, đề xuất áp dụng đó là:
Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ: i) Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), HTX được giảm thuế TNDN năm 2020 và được kéo dài thời hạn nộp thuế thu nhập sang năm 2021; ii) Đối với thuế VAT, cho phép HTX giãn thời hạn nộp thuế VAT tối thiểu 6 tháng; áp dụng mức thuế VAT bằng 0% đối với sản phẩm giao dịch giữa các thành viên với nhau và với HTX; giảm thuế VAT đối với sản phẩm nông lâm thủy sản của HTX nông nghiệp so với mức như đang áp dụng như đối với doanh nghiệp.
UBND các tỉnh, thành phố có phương án hỗ trợ các HTX nông nghiệp giảm hoặc miễn tiền thuê đất và các khoản phí, lệ phí trong vòng ít nhất 1 năm.
Tiếp tục hỗ trợ các HTX, hộ nông dân được tiếp cận các khoản vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư máy móc, trang thiết bị.
Tư vấn, hướng dẫn HTX tổ chức lại sản xuất, áp dụng quy trình kỹ thuật tiến tiến để sản xuất sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ các HTX mở rộng thị trường, tìm kiếm thị trường mới nhất là thị trường nội địa; giúp các HTX thay đổi phương thức marketing và phương thức bán hàng mới như: Bán hàng online, cung cấp gói thực phẩm tận nhà cho người tiêu dùng.
Nguồn Liên minh HTX Việt Nam