Thực hiện lời dạy của Bác: “…. hợp tác xã (HTX) là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều…”, nhiều HTX của Yên Bái đã “hợp sức, hợp vốn” đẩy mạnh đổi mới công nghệ, phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh trở thành “bà đỡ” cho thành viên và người lao động, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh thăm, kiểm tra mô hình trồng cây dược liệu tại HTX Lũng Lô, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn.
Trong thư gửi điền chủ, nông gia Việt Nam năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã. Nói tóm lại, hợp tác xã (HTX) là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều…”.
Nhận thức sâu sắc tư tưởng của Bác, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế tập thể, HTX. Cùng với đường lối của Đảng, tỉnh Yên Bái cũng xác định rõ vai trò, vị trí của HTX và dành nhiều nguồn lực để khu vực kinh tế HTX phát triển.
Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được triển khai như: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển… Sự quan tâm chỉ đạo sát sao cùng các chính sách kể trên đã trở thành đòn bẩy để phong trào HTX phát triển khắp các vùng quê.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 750 HTX và 5.355 tổ hợp tác hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; trong đó, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 57% tổng số HTX toàn tỉnh. Khu vực kinh tế tập thể thu hút khoảng 60.000 thành viên tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục ngàn lao động.
Tính riêng năm 2023, doanh thu bình quân đạt 2,1 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 450 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân đạt 5,3 triệu đồng/người/tháng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước 56,43 tỷ đồng.
Đặc biệt, thực hiện lời dạy của Bác, nhiều HTX đã “hợp sức, hợp vốn” đẩy mạnh đổi mới công nghệ, phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh trở thành “bà đỡ” cho thành viên và người lao động, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông, huyện Mù Cang Chải được thành lập từ tháng 7/2020 với 7 thành viên. Thông qua HTX, người dân liên kết khai thác thế mạnh cây chè Shan tuyết “hợp vốn, hợp sức” để tổ chức sản xuất. Ông Lù A Câu – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông cho biết: “Đến nay, HTX đã liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu chè khoảng 65 ha, sở hữu 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là Chè Shan tuyết Púng Luông và Shan tuyết trà cũng như giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Shan tuyết Púng Luông”. Đến nay, sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến, sức tiêu thụ tốt hơn, doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động trên địa bàn, giúp đồng bào có cuộc sống ổn định”.
Bên cạnh trở thành “bà đỡ” cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện các mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa.
Đơn cử như HTX 6/12 xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên với ngành nghề trồng chế biến tiêu thụ sản phẩm nông – lâm nghiệp và trưng cất tinh dầu quế. Từ một HTX nông nghiệp hoạt động ở mức trung bình, đơn vị này đã vươn lên phát triển mạnh mẽ trở thành mô hình HTX nông nghiệp điển hình của tỉnh. Năm 2016, HTX 6/12 được Liên minh HTX Việt Nam lựa chọn tham gia Đề án ”Xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa” để hỗ trợ cho HTX tiếp tục cải tiến dây chuyền công nghệ, nâng cao hơn tỷ lệ chiết xuất tinh dầu đưa lại hiệu quả sản xuất cao hơn. Năm 2021, HTX tiếp tục được Liên minh HTX tỉnh lựa chọn xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025.
Chế biến tinh dầu quế tại HTX 6/12 Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.
Hiện HTX đã liên kết, hợp tác với HTX nông – lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm và Công ty An Thịnh Cường Phát, huyện Văn Yên phát triển chuỗi sản phẩm quế để tạo ra vòng tròn khép kín giữa người sản xuất – HTX – doanh nghiệp – thị trường. Với vai trò là đơn vị cung cấp nguyên liệu cho các xưởng chế biến sản phẩm tinh dầu quế của các đơn vị, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ quế vỏ, cành và lá quế cho thành viên HTX và hàng nghìn hộ dân xã Đào Thịnh và các xã lân cận.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đỗ Nhân Đạo cho biết: “Quán triệt tư tưởng cũng như thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, khu vực kinh tế tập thể, HTX tỉnh Yên Bái đã chủ động, tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành nhiều mô hình HTX kiểu mới phát triển gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, trong đó nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài, chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh ngày càng nâng cao như: sản phẩm chè, măng tre Bát độ, sản phẩm quế vỏ và tinh dầu quế. Nhiều HTX phát triển sản xuất với quy mô và diện tích tập trung, xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả, khẳng định vai trò quan trọng của HTX trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn”.
Quán triệt tư tưởng của Bác với tinh thần “hợp sức, hợp vốn”, cùng với sự quan tâm đồng hành, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị phong trào phát triển HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái sẽ lan tỏa, góp phần quan trọng vào phong trào xây dựng nông mới và sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh.
Theo Báo Yên Bái