HTX Nông nghiệp Độc Lập: Chuyển đổi mô hình phù hợp với nông thôn mới

0
1014

Nhờ tăng cường đầu tư cơ giới hóa và đổi mới công nghệ sản xuất, HTX Nông nghiệp Độc Lập (Hưng Hà, Thái Bình) đã giảm chi phí lao động, nâng cao chất lượng sản xuất. Sau khi ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp, hiện nay HTX đang dần xây dựng chuỗi giá trị của mình.

Vùng chuyên lúa giống 40 ha của HTX 

HTX Nông nghiệp Độc Lập là HTX toàn xã được thành lập từ 1971, chuyển đổi theo Luật HTX 2012 từ 15/3/2016. Đến nay, HTX có 23 thành viên với tổng diện tích canh tác 428 ha (diện tích lúa 364 ha).

Chuyển đổi, áp dụng công nghệ

HTX Độc Lập là mô hình HTX toàn xã đặc trưng kiểu cũ và cũng là HTX chuyên lúa đặc trưng ở vùng đất lúa Thái Bình. Ban đầu, HTX tổ chức 8 khâu dịch vụ (làm đất, thu hoạch, thủy nông, chuyển giao công nghệ mới, vật tư nông nghiệp…) nhưng gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở vật chất hạn chế, phương thức sản xuất kém khiến xã viên “cơm không đủ no, áo không đủ mặc”.

Ngoài ra, Độc Lập là xã thuần nông, nông dân đã quen với tập quán canh tác cũ, nên để thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân là không dễ, nhất là từ bỏ phương thức gieo cấy truyền thống.

Nhưng từ năm 2012, HTX đã thành công vận động thành viên chuyển từ phương thức sản xuất cũ sang cấy lúa bằng khay. Khi sử dụng máy lúa cấy khóm rất thưa, chỉ 26 – 28 khóm/m2 nhưng năng suất lại cao hơn (13 tấn/ha/năm), tiết kiệm được sức lao động so với cấy thủ công, đặc biệt tránh được sâu bệnh hại lúa.

Ngoài ra, HTX còn chuyển đổi 58 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt và cho 30 hộ sản xuất thuê lại. Cách làm đó đã mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn, giúp người dân có thu nhập tốt hơn.

Từ sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012 từ 15/3/2016, HTX thực hiện 9 khâu dịch vụ, trong đó 3 khâu điều hành bằng quy chế: Làm đất, thu hoạch, thú y; xây dựng định mức, thông báo lịch theo nhu cầu của thành viên sau đó giao cho hộ thành viên tự thực hiện.

Các khâu còn lại do HTX trực tiếp tổ chức thực hiện thu, chi, quản lý, điều hành, gồm: Thủy nông, bảo vệ thực vật, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, sản xuất mạ khay, cấy máy, cung ứng vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm.

Nhờ thực hiện tốt việc công khai và minh bạch tài chính, bảo đảm tốt chính sách phúc lợi, hoạt động của HTX được giữ vững, các thành viên tin tưởng, thực hiện tốt các biện pháp sản xuất theo sự điều hành của HTX.

Liên kết,nâng cao thu nhập

Từ nhiều năm, HTX đã ký kết hợp đồng bán lúa giống cho công ty CP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình và nhiều doanh nghiệp khác như công ty TNHH An Đình…

Tuy sản xuất lúa giống vất vả hơn vì phải tuân thủ đúng quy trình do doanh nghiệp đưa ra nhưng kinh tế hơn so với bán thóc thịt. Do giống lúa được doanh nghiệp cung ứng nên yên tâm về chất lượng, năng suất vụ nào cũng ngang hoặc cao hơn sản xuất tự do, giá bán cũng cao hơn.

Ngoài ra, với nhận thức tái cơ cấu nông nghiệp cần phải sản xuất theo hướng cơ giới hóa đồng bộ, khép kín các khâu sản xuất theo quy trình kỹ thuật, HTX đã thực hiện ứng dụng các mô hình khảo nghiệm, trình diễn cây con mới, tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng hàng hóa, xây dựng cánh đồng mẫu diện tích 50 ha.

Đến nay, HTX tổ chức vùng chuyên lúa giống 40 ha (310 hộ tham gia), vùng chuyên cấy lúa Nhật 30 ha (140 hộ tham gia), tổng sản lượng HTX bán cho doanh nghiệp đạt 150 tấn/năm.

Được đánh giá là một trong những mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu, hiện tổng tài sản của HTX là 16,17 tỷ đồng, doanh thu hằng năm đạt khoảng 2,3 tỷ đồng.

Trong xây dựng nông thôn mới, HTX đã tham mưu tích cực với cấp ủy, chính quyền địa phương và trực tiếp thực hiện việc quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết về giao thông, thủy lợi nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, quy vùng sản xuất.

HTX đã huy động thành viên tham gia 23.000 công lao động, đào đắp 70.000 m3 bờ vùng, bờ thửa; xây dựng hoàn thiện 6 trạm bơm điện; xây kiên cố 20,6 km kênh mương; 11,3km bờ chống úng cục bộ; xây dựng kiên cố 5,852 km đường nội đồng; quản lý an toàn 7,65 km sông trục dẫn. Tổng các nguồn vốn đã đầu tư về xây dựng công trình quy giá trị 37,21 tỷ đồng, trong đó riêng vốn của HTX trực tiếp đầu tư 3,15 tỷ đồng.

Tuy nhiên, HTX vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, chủ yếu là công tác dồn điền đổi thửa để sản xuất hàng hóa tập trung, bảo đảm sản lượng và chất lượng lúa trong chuỗi liên kết.

Cùng với đó, HTX còn thiếu vốn. Do địa bàn xã dồn điền đổi thửa chưa xong, HTX muốn thuê hay mua ruộng đất đều không có tiền. Đến ngân hàng vay cũng khó, dù HTX có tài sản bảo đảm là đất, nhà trụ sở 2 tầng trên diện tích 120 m2 và nhiều tài sản cố định, kênh mương thủy lợi kiên cố…

Nguồn: Thời báo kinh doanh