Kinh tế tập thể, hợp tác xã: Động lực phát triển kinh tế, xã hội bền vững

0
385

Trong những năm qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục đổi mới, phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng Nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Từng bước nâng cao chất lượng các mô hình

Kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã – một trong bốn thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Nhận thức rõ được vai trò của khu vực kinh tế tập thể, giai đoạn 2016-2020, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Loại hình này đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát; Tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả đã góp phần xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhất là địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi; Nâng cao nhận thức của xã hội và hệ thống chính trị đối với hợp tác xã kiểu mới.

Tính đến nay, cả nước có 26.040 hợp tác xã, thu hút hơn 8,1 triệu thành viên; Trong đó, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn tham gia hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (chiếm 31% tổng số hộ cá thể, cá nhân của cả nước). Khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP cả nước và gián tiếp hơn 30% GDP thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên.

Ảnh minh họa

 

 

Để duy trì phát triển kinh tế tập thể có hiệu quả, thời gian qua, các mô hình hợp tác xã đã chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động. Cụ thể, tính riêng trong năm 2020, có đến 96% hợp tác xã được chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động; Quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt 56%, tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động 4,3 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, số lượng hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương ngày càng tăng. Liên kết sản xuất giữa các hợp tác xã với nhau, với tổ hợp tác và với doanh nghiệp ngày càng mở rộng và phát triển.

Đến nay, cả nước có 1.700 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.219 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 6,8 lần so với năm 2015. Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy mô vừa và lớn ngày càng tăng. Đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 500 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy hơn 300 thành viên, tổng nguồn vốn từ 5 tỷ đồng trở lên (tăng 4 lần so với giai đoạn 2011-2015).

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động

Nhấn mạnh về vai trò của các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc phát triển kinh tế – xã hội bền vững, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã triển khai đồng bộ và hiệu quả, cơ bản hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao theo chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, quy định của Điều lệ. Đồng thời, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn cả nước và các địa phương, trở thành cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, 90% hợp tác xã bị giảm doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, thu nhập của người lao động và thành viên gặp nhiều khó khăn.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách để giúp các thành viên vượt qua khó khăn do dịch Covid-19

 

Để giúp các thành viên hợp tác xã vượt qua khó khăn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã triển khai một số chính sách như: Hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, tuần hàng nông sản; Tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, các địa phương và Bộ, ngành thiếu nguồn lực để hỗ trợ hợp tác xã.

“Trước những khó khăn đang hiện hữu, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác đã và đang huy động mọi nguồn lực để chống chịu, giảm thiệt hại duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, số lượng hợp tác xã ngừng hoạt động…

Các đơn vị tiếp tục phát triển đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, sản xuất gắn với chuỗi giá trị; Củng cố, tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác hiện nay và khi đại dịch Covid-19 được ngăn chặn và đầy lùi”, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, chiến lược của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên, 45 nghìn hợp tác xã với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.

Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% – 70% trên tổng số hợp tác xã cả nước. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 25%; Khoảng 80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp năm 2021

 

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 cả nước có trên 5.000 hợp tác xã và 500 tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Cùng với đó, các tổ hợp tác, hợp tác xã cần thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản; Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; Xử lý dứt điểm các hợp tác xã đã ngừng hoạt động và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012…

Đặc biệt là xây dựng hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vững mạnh, thống nhất chặt chẽ tổ chức và hoạt động từ trung ương đến địa phương, được Nhà nước áp dụng chính sách cán bộ phù hợp và có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; Làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; Tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Khắc Nam/ Báo Tuổi trẻ Thủ đô