Mùa dịch, chợ online nhộn nhịp

0
352

Đợt dịch hiện nay, số ca lây nhiễm cao và tăng nhanh khiến người dân cẩn trọng hơn. Người tiêu dùng hạn chế mua hàng trực tiếp và kênh mua sắm online trở thành lựa chọn hàng đầu.

Đa dạng nguồn cung, hỗ trợ giao hàng

Chủ một cửa hàng bánh pizza tại Giảng Võ (Hà Nội) cho biết, trong gần một tháng qua, mặc dù lượng khách đến mua trực tiếp tại cửa hàng giảm đáng kể nhưng bù lại, lượng khách mua hàng online tăng mạnh. “Nếu như ngày thường doanh thu của cửa hàng chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/ngày thì trong tháng dịch đạt doanh thu trên 15 triệu đồng/ngày và chủ yếu là khách đặt hàng online”- chủ tiệm bánh chia sẻ và cho biết thêm, để tăng lượng khách hàng mua sắm thời dịch bệnh, nhà hàng có nhiều hình thức khuyến mại như miễn phí tiền vận chuyển, mua một tặng hai. Với các hình thức khuyến mại này, lượng khách tăng mạnh trong tháng qua.

Mùa dịch, chợ online nhộn nhịp

Số người mua hàng online tăng nhanh ở nhóm người tiêu dùng trẻ

Theo đại diện cửa hàng Thực phẩm sạch tại khu HH3B (Linh Đàm), dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam khiến số người mua hàng online tăng nhanh, đặc biệt là sự gia tăng của nhóm người trung niên. “Trong đợt dịch đầu tiên, tốc độ mua hàng online tăng trưởng 100%, nhưng đến đợt này tăng gấp 3-4 lần”- đại diện cửa hàng cho hay.

Trong khi đó, các hệ thống siêu thị bán lẻ cũng tăng cường dịch vụ đặt hàng và giao hàng qua điện thoại, ship đến tận nhà. Đồng thời, tăng lượng hàng dự trữ hơn ngày thường, từ 30- 40%, đặc biệt những mặt hàng thiết yếu như: Gạo, mì tôm, dầu ăn, gia vị, nước tinh khiết, đồ hộp, xúc xích, chả giò, sữa; rau củ, quả, trái cây; các mặt hàng tẩy rửa, hóa phẩm …

Cú huých cho kinh doanh online

Theo ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay, việc mua bán qua kênh online là giải pháp để doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa; người tiêu dùng yên tâm không lo ngại đến nơi đông người và đây cũng chính là “cú huých” đáng kể cho TMĐT. “Nhìn theo hướng tích cực là đã thúc đẩy chuyển đổi số”- ông Đặng Hoàng Hải nhìn nhận.

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng đi chợ online sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới bởi mang lại khá nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng. Khác với đi chợ truyền thống phải mất nhiều thời gian và không truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đi chợ online trong bối cảnh hiện nay không chỉ giúp người dân tránh khỏi nguy cơ lây lan dịch bệnh, mà còn tiết kiệm thời gian, truy xuất được nguồn gốc và giá cả cũng ổn định…

Ông Deridian Nurhalim, chuyên viên truyền thông – Marketing, iPrice Singapore cho hay, một số website và sàn TMĐT của Việt Nam như Tiki, Sendo, Bách hóa Xanh, Ladaza… năm vừa qua đã vươn lên thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng của khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù mua sắm online tiện lợi, nhưng theo các chuyên gia, do việc chạy đua kinh doanh giữa các đơn vị bán hàng để chiếm thị phần nên người tiêu dùng phải thật cẩn trọng và chọn những địa chỉ, đơn vị vận chuyển uy tín để sử dụng dịch vụ, đặc biệt chú ý khi lựa chọn thanh toán trên các nền tảng trực tuyên.

Theo Cục TMĐT & Kinh tế số, việc mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến cũng là nội dung nằm trong kịch bản đối phó dịch bệnh mà Bộ Công Thương đưa ra. Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp logistics, TMĐT, đề nghị tăng vận chuyển các đơn hàng trong mùa dịch từ hệ thống siêu thị tới người dân, qua đó hỗ trợ người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh.

 

Theo Cổng TTĐT Bộ Công thương