Tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX) là thành phần quan trọng trong kinh tế tập thể ra đời từ nhu cầu hợp tác, liên kết, giúp đỡ, tương trợ nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và được đánh giá là một trong mô hình liên kết hiệu quả.
Hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.
|
Thực tiễn sản xuất trên địa bàn tỉnh cho thấy, liên kết sản xuất theo chuỗi của các THT, HTX đang là hướng đi đúng góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
Toàn tỉnh hiện có hơn 800 THT và 185 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chiếm hơn 50% tổng số HTX của tỉnh với gần 8.000 thành viên tham gia.
Các THT và HTX nông nghiệp chủ yếu hoạt động theo các mô hình kinh doanh tổng hợp như: kết hợp dịch vụ sản xuất với chế biến, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác; một số HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và hộ nông dân.
Việc tham gia THT, HTX giúp cho nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa; giải quyết tình trạng sản xuất manh mún trong nông nghiệp và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn đáp ứng yêu cầu thị trường.
Xã Xuân Ái, huyện Văn Yên trước đây chỉ có vài hộ trồng dâu nuôi tằm với diện tích vài héc-ta, song đến nay, toàn xã đã có gần 20 ha dâu với tổng số gần 100 hộ trồng dâu nuôi tằm. Nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển đã giúp đời sống nhân dân trong xã nâng lên đáng kể và kết quả này có được là do xã đã thành lập được THT trồng dâu nuôi tằm.
Bà Nguyễn Thị Phương – thành viên THT trồng dâu nuôi tằm thôn Sông Hồng, xã Xuân Ái cho hay: “Tham gia THT, chúng tôi thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi tằm; tham quan các mô hình nuôi tằm hiệu quả và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi; do đó, đã được nhiều kết quả tích cực”.
Được biết, thay vì trồng các loại hoa màu như ngô, khoai, gia đình bà Phương đã chuyển toàn bộ hơn 2 mẫu đất sang trồng dâu nuôi tằm. Với giá bán trung bình 100.000 đồng/kg kén, mỗi năm, gia đình bà Phương cung cấp ra thị trường vài tạ kén cho thu về hơn 150 triệu đồng tiền lãi.
Cùng với thành lập THT trồng dâu nuôi tằm, đến nay, xã Xuân Ái còn thành lập được các THT chăn nuôi gà, trồng rau an toàn, nuôi trồng thủy sản… đang phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo các hộ dân tham gia.
Hoạt động trong lĩnh vực trồng, thu mua và sơ chế tre măng Bát độ, từ nhiều năm nay, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, huyện Trấn Yên cũng đã phát huy vai trò là “bà đỡ” cho các hộ nông dân trong xã. Hàng năm, HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 20 hộ thành viên và các hộ dân trong xã; đồng thời, thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc măng.
Năm 2018, HTX xã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Yên Thành liên kết chế biến sản phẩm tre măng Bát độ xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Điều này, đã tạo thêm động lực để nông dân xã Kiên Thành yên tâm, gắn bó hơn với nghề trồng măng, đưa cây tre măng Bát độ trở thành cây trồng chủ lực. Hiện, xã Kiên Thành đang có hơn 1.000 ha tre măng Bát độ và hàng năm mang về nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho người dân.
Qua thực tiễn hoạt động của các THT, HTX trên địa bàn tỉnh cho thấy, chủ trương phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương.
Các mô hình kinh tế hoạt động hiệu quả đã giúp cho nông nghiệp, nông thôn ở địa phương phát triển bền vững, hài hòa được lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế.
Do đó, thời gian tới, cùng với tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, vai trò của THT, HTX trong nền kinh tế, cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể cũng cần đổi mới, đa dạng hóa tuyên truyền một cách thiết thực, hiệu quả; tiếp tục thành lập, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác dựa trên nhu cầu hợp tác tự nguyện của các thành viên, vì lợi ích của thành viên THT, HTX và cộng đồng.
Chú trọng thành lập các THT, HTX nông nghiệp ở các vùng có các sản phẩm lợi thế cạnh tranh; xây dựng mô hình HTX chuyên ngành, phát triển đa dạng các loại hình HTX ở các địa phương với các điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và văn hóa khác nhau nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng kinh tế của địa phương; củng cố hoạt động của các HTX theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012; vận động HTX thu hút thêm thành viên…
Nguồn Báo Yên Bái