Phát triển kinh tế tập thể từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt

0
101

Là người dân tộc Mông sinh ra và lớn lên tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, ngay từ nhỏ anh Hờ A Sùng đã quen với cách chăn nuôi và trồng trọt nhỏ lẻ, truyền thống của đồng bào dân tộc Mông tại địa phương.

Với mong muốn làm sao người dân nơi đây có sinh kế bền vững, xóa đói, giảm nghèo và từng bước cải thiện đời sống. Anh Hờ A Sùng luôn ấp ủ ước mơ tìm ra mô hình phát triển kinh tế phù hợp để có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2024, anh Hờ A Sùng đã đứng ra thành lập HTX chăn nuôi tổng hợp Chế Cu Nha có 100% thành viên là người dân tộc Mông, với mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt đã giúp HTX giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Triển khai thực hiện mô hình này, HTX tập trung vào chăn nuôi các loại như: chim bồ câu, gà, vịt, nuôi lợn bản địa kết hợp với trồng trọt một số cây ngắn ngày truyền thống của địa phương phục vụ du khách như: Dưa, ngô bản địa…

Sau 6 tháng thành lập, HTX đã có kết quả hoạt động bước đầu khả quan khi mỗi tháng xuất bán được 150 chim bồ câu với giá bán 80.000 đồng/con, hàng trăm con gà, vịt các loại với giá thành trung bình 130.000/con.

Anh Hờ A Sùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chăn nuôi tổng hợp Chế Cu Nha tại khu nuôi chim bồ câu thương phẩm của HTX

 

Đối với chăn nuôi lợn, HTX tập trung vào nuôi lợn ỉn đen bản địa vì thịt lợn thơm ngon, ngậy nhưng không béo được khách hàng nhất là người miền xuôi rất ưa thích. Hiện HTX chăn nuôi tổng hợp Chế Cu Nha đang nuôi vài chục con lợn ỉn đen bản địa và tập trung chăm sóc, vỗ béo để xuất bán trong thời gian tới.

Đồng thời, HTX cũng tiến hành trồng một số loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao như ngô bản địa và dưa mèo bản địa (là giống dưa chuột quả to nếu được chăm sóc tốt, quả nặng từ 500g đến gần 2kg). Đây là 2 sản vật núi rừng Mù Cang Chải thơm dẻo, giòn ngọt hấp dẫn, chinh phục được khách hàng gần xa. Hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực trồng trọt của HTX, góp phần tạo sinh kế bền vững cho thành viên HTX và bà con dân tộc Mông ở địa phương.

 Theo Anh Hờ A Sùng lợi ích của việc chăn nuôi kết hợp với trồng trọt, là sử dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi làm phân bón hữu cơ cho trồng trọt, từ đó giảm được lượng phân hóa học, thuốc trừ sâu, nên giảm được chi phí sản xuất.

Bước đầu, với ngành nghề chính là chăn nuôi và hiện đang kết hợp với trồng trọt, HTX đang có doanh thu là 20 triệu đồng/tháng, và đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên HTX từ 4- 5 triệu đồng/người/tháng.

Về chiến lược phát triển trong thời gian tới, HTX chăn nuôi tổng hợp Chế Cu Nha dự kiến sẽ đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng tuần hoàn khép kín, nhằm kiểm soát được quy trình chăn nuôi và trồng trọt đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, đồng thời làm cho thành viên, người lao động thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp bền vững, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Có thể thấy, mô hình sản xuất của HTX chăn nuôi tổng hợp Chế Cu Nha rất phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tập thể, HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp người đồng bào DTTS xóa đói, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here